| Hotline: 0983.970.780

Chủ động nguồn nước tưới, ứng phó xâm nhập mặn

Thứ Bảy 17/12/2022 , 05:58 (GMT+7)

Bến Tre Các hồ nổi được phủ bạt hoặc xây kiên cố bằng bê tông, dung tích từ vài trăm đến 1.000 m3 được nhiều người dân xây dựng để trữ nước ngọt.

Hồ nổi dung tích khoảng 100 m3 của gia đình anh Đặng Hồng Sơn, xã Long Thới, huyện Chợ Lấp, Bến Tre.

Hồ nổi dung tích khoảng 100 m3 của gia đình anh Đặng Hồng Sơn, xã Long Thới, huyện Chợ Lấp, Bến Tre.

Là địa phương có đường bờ biển dài và hệ thống kênh rạch chằng chịt, người dân và chính quyền tỉnh Bến Tre đã có nhiều biện pháp chủ động nhằm giải quyết sớm tình trạng hạn mặn bởi các công trình đê bao, cống đập tại đây hầu hết chưa hoàn chỉnh, chưa khép kín.

Anh Đặng Hồng Sơn, chủ một cơ sở cơ sở cây giống sầu riêng thuộc ấp An Huy, xã Long Thới, huyện Chợ Lấp nhớ lại, những năm vừa qua, có thời điểm, các phương tiện đổi nước chạy liên tục mà vẫn không kịp đáp ứng cho nhu cầu sinh hoạt và sản xuất của gia đình. Đỉnh điểm là năm 2019, hạn mặn lên tới 13 phần nghìn, khiến hoạt động trồng trọt của anh bị ngưng trệ.

Trước tình hình đó, anh Sơn bàn với gia đình bỏ ra vài chục triệu đồng để xây một hồ nổi, dung tích khoảng 100 m3 để chứa nước ngọt vào mùa khô. Hồ sử dùng bạt công nghiệp trải dưới đáy. Theo ước tính của anh, với diện tích vườn ươm khoảng 5.000 m2 như hiện tại, hồ nổi này đủ sức cung cấp nước cho khoảng 7-10 ngày. 

"Mình phải tự tìm, tự nghĩ ra những giải pháp để chống lại hạn mặn", anh Sơn tâm sự. Theo người nông dân này, trước khi đi đến phương án xây hồ nổi, anh cùng một vài người hàng xóm đã thử phương án khoan giếng nhưng dù mũi khoan đưa sâu đến cả trăm mét vẫn không thể đáp ứng được nhu cầu. Cuối cùng, lấy ý tưởng từ mô hình nuôi tôm công nghiệp trong ao bạt, anh Sơn bàn với gia đình triển khai phương án này.

Mỗi khi đến mùa khô hạn, gia đình anh sẽ thuê sà lan, vận chuyển nước từ các vùng như An Giang, Đồng Tháp để đổ vào trong hồ. Chi phí xây hồ chỉ vài chục triệu, nhưng mỗi lần vận chuyển nước trong mùa khô, gia đình anh tốn cả trăm triệu đồng. Dù vậy, anh Sơn cho rằng điều ấy "xứng đáng" bởi vườn cây được cứu. Quan trọng hơn, gia đình anh luôn chủ động được nguồn nước ngọt. 

Vào mùa mưa, hoặc những khi không có hạn mặn, gia đình Sơn chủ động luân chuyển nước trong hồ nổi bằng cách sử dụng hai máy bơm, một máy lấy nước từ sông vào và một máy bơm nước tưới cho vườn. Nhờ vậy, nước trong hồ không bị lắng đọng.

Ngoài phương án xây hồ nổi như của anh Sơn, nhiều hộ dân tại Bến Tre cũng chủ động trang bị lu hồ, mua bạt trữ nước, túi nước cỡ lớn để chứa nước ngọt. Một số hộ dân tu sửa, ngăn kênh ao, tạo thành các hồ tạm tích trữ nước ngọt phục vụ nhu cầu sinh hoạt và sản xuất. Có người còn đầu tư lớn, xây hẳn các hồ chứa cỡ lớn 1.000, 2.000 m3 bằng bê tông để chủ động hoàn toàn trong việc phòng, chống hạn mặn.

Nhờ các biện pháp chủ động nguồn nước, vườn ươm 5.000 m2 của anh Sơn được đảm bảo.

Nhờ các biện pháp chủ động nguồn nước, vườn ươm 5.000 m2 của anh Sơn được đảm bảo.

Để ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn, ông Huỳnh Quang Đức, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bến Tre nhấn mạnh vào giải pháp theo phương châm “thuận thiên” của tỉnh. Nghĩa là, tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân chủ động trữ nước mưa, nước ngọt, hạn chế thấp nhất tình trạng nước cấp bị nhiễm mặn, gây ảnh hưởng đến chất lượng sinh hoạt của người dân trên địa bàn.

Bên cạnh đó, Sở NN-PTNT cũng tham mưu cho UBND tỉnh thực hiện việc cơ cấu mùa vụ, gieo trồng phù hợp, bảo đảm xuống giống sớm vụ đông xuân tại các xã ven biển, nhằm hạn chế ảnh hưởng của xâm nhập mặn. Đặc biệt, tỉnh ưu tiên các giống lúa thơm, đặc sản, chất lượng cao, thời gian sinh trưởng ngắn, có sức chống chịu mặn, chịu phèn để thuận tiện cho việc cung cấp nước tưới.

Về cơ sở hạ tầng, Bến Tre đã đầu tư xây dựng một số công trình quan trọng thuộc dự án hệ thống thủy lợi Bắc - Nam Bến Tre, với tổng diện tích khoảng 194.800 ha. Các công trình cống đập Ba Lai, hồ chứa nước Kênh Lấp, huyện Ba Tri; nhiều tuyến đê sông, đê bao cục bộ, đê bao các cồn… được đầu tư, sửa chữa, xây mới.

Ông Trần Ngọc Tam, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre kêu gọi người dân phối hợp chính quyền thường xuyên theo dõi độ mặn trên sông. Bên cạnh việc sớm lên kế hoạch vận hành hiệu quả các công trình thủy lợi, tỉnh còn tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công nạo vét, khai thông dòng chảy, sửa chữa các công trình ngăn mặn, trữ ngọt.

Trước mắt, Công ty TNHH Một thành viên Khai thác công trình thủy lợi, Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn được giao thi công sửa chữa 33 hạng mục công trình cống ngăn mặn, nạo vét kênh nội đồng để chuẩn bị ứng phó hạn mặn năm 2023.

Theo Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Bến Tre, tổng lượng dòng chảy từ thượng lưu sông Mê Kông về hạ lưu và vùng Đồng bằng sông Cửu Long trong tháng 10 và 11/2022 năm nay cao hơn trung bình nhiều năm từ 15-25%. Tháng 12/2022 cao hơn trung bình nhiều năm khoảng 5-10%. 

Tình trạng xâm nhập mặn trong mùa khô 2023 được dự báo là diễn ra sớm hơn trung bình nhiều năm. Từ nửa cuối tháng 12/2022, tình trạng mặn đã bắt đầu xâm nhập vào khu vực gần cửa sông. Độ mặn cao nhất và xâm nhập sâu nhất có thể xuất hiện vào tháng 2-3/2023. Độ mặn 4 phần nghìn có thể xâm nhập cách các cửa sông từ 45-57 km; độ mặn 1 phần nghìn có thể xâm nhập cách các cửa sông từ 54-68 km.

 

Xem thêm
Làng nghề làm khô cá đồng Tân Châu tất bật vào vụ Tết

An Giang Sản phẩm từ làng nghề làm khô cá đồng tại Tân Châu ngày càng được mở rộng kênh tiêu thụ thông qua thương mại điện tử, giúp nâng cao giá trị sản phẩm.

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cảnh báo lừa đảo tuyển dụng

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đưa ra cảnh báo người dân về hiện tượng mạo danh Tập đoàn lừa đảo tuyển dụng nhân sự trên mạng xã hội.

Quỹ Vì Tầm Vóc Việt: Mục tiêu trở thành quỹ xã hội hàng đầu

Trong giai đoạn 2025-2034, Quỹ Vì Tầm Vóc Việt (VTVV) đặt mục tiêu dẫn đầu về chăm sóc sức khỏe học đường, bảo vệ trẻ em và phát triển phụ nữ.

Hà Nội sắp đưa vào sử dụng gần 6.000 căn nhà ở xã hội

Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, gần 6.000 căn hộ tại 11 dự án nhà ở xã hội dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng trong giai đoạn 2024 - 2025.