Cuối tuần qua, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan đã kiểm tra tình hình sản xuất và tiêu thụ khoai lang trong bối cảnh ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 tại huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long.
Ông Trương Thành Dãnh, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Vĩnh Long, cho biết, hiện nay dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng rất lớn đến việc tiêu thụ khoai lang bà con trồng khoai Bình Tân.
Từ tháng 3 đến nay, giá khoai lang giảm dần, hiện dưới giá thành sản xuất, không có thương lái đến mua, gây khó khăn cho người trồng. Diện tích khoai đã thu hoạch đạt 3.300ha, riêng khoai đến kỳ thu hoạch trên đồng khoảng 400ha.
Qua các hoạt động hỗ trợ tiêu thụ giá khoai có tăng hơn trước, trong đó khoai đẹp có giá khoảng 200.000 đồng/tạ. Riêng khoai quá lứa, khoai xô chỉ có giá 100.000 - 120.000 đồng/tạ. Với giá này, nông dẫn lỗ từ 100.000 - 200.000 đồng/tạ.
Các doanh nghiệp thu mua khoai lang chia sẻ, vừa qua bên cạnh ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, còn có nguyên nhân từ chi phí vận chuyển do hạ tầng kém nên giá khoai lang bị đẩy xuống mức thấp kỷ lục.
Các doanh nghiệp kiến nghị cần đầu tư cải thiện cơ sở hạ tầng để phát triển chuỗi liên kết, chế biến, tiêu thụ khoai lang cũng như thu hút các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này đầu tư trong thời gian tới.
Bà Nguyễn Thị Lan Hương, Chủ tịch HĐQT Công ty CP sản xuất và xuất nhập khẩu Việt Phúc, cho biết: "Chúng tôi rất muốn đầu tư kho bãi ngay tại huyện Bình Tân nhưng không thể được bởi vì đường rất nhỏ, cầu rất bé, xe đi được 10 tấn, xe container không đi được. Chỉ có thể thuê kho ở ngoài đường lớn như Long Hồ, Bình Minh… Nếu như vậy thì chi phí lại đội lên.
Bà Hương cũng cho rằng đang có dự định cùng Sở NN-PTNT Vĩnh Long xây dựng một mạng lưới liên kết với các tổ hợp tác.
"Tôi nghĩ cách giải quyết khoa học nhất bây giờ là tổ chức lại sản xuất, liên kết. Chúng ta có Nghị định 98 hỗ trợ cho các chuỗi liên kết tiêu thụ. Bây giờ, có thể xây dựng đề án các chuỗi liên kết. Giải pháp căn cơ lâu về dài để kêu gọi đầu tư thì tỉnh phải quyết vấn đề đầu tư hạ tầng, đưa công nghệ thông tin vào quản lý và xây dựng các chuỗi tổ hợp tác, hợp tác xã", bà Hương kiến nghị.
Ông Lữ Quang Ngời, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long, cho biết, Vĩnh Long chọn "3 cây 3 con" để phát triển. 3 cây đó là lúa - khoai - cây có múi; ba con: heo - cá - bò.
Tỉnh có nhiều khó khăn trong việc tiêu thụ nông sản. Ngành chế biến nông sản ở Vĩnh Long không đủ mạnh. Đặc biệt, các doanh nghiệp sản xuất nông sản nhưng thu mua nguyên liệu lại không phải ở tỉnh, không kết nối được vùng nguyên liệu.
Trong liên kết sản xuất, nhất HTX nông nghiệp, hơn 50% các HTX nông nghiệp đều hoạt động dưới mức trung bình. Tỉnh vừa động viên, khuyến khích để các HTX hoạt động tốt hơn để kết trong sản xuất nông nghiệp.
"Đối với vấn đề hạ tầng, quốc lộ 54 thuộc Trung ương quản lý, tỉnh không làm được. Còn các tỉnh lộ thì đầu tư cũng không phải dễ. Mong rằng trong điều kiện khó khăn này, các doanh nghiệp cũng cùng với chính quyền địa phương tháo gỡ kết nối vận chuyển nông sản. Chúng tôi cũng sẽ cùng với các doanh nghiệp từng bước tháo gỡ vấn đề hạ tầng”, ông Ngời cho biết.
Cần minh bạch thông tin thị trường
Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan cần vận động tuyên truyền, thay đổi ý thức của người dân. Việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại ngành nông nghiệp không chỉ hiểu đơn thuần là phân bổ, điều chuyển quy mô, tăng giảm nội ngành, mà đó phải là hành trình chuyển đổi mô hình, thay đổi tư duy, đổi mới phương thức, nâng cao nhận thức. Bởi chúng ta không thể nào ấn định trồng bao nhiêu, nuôi bao nhiêu mà Nhà nước chỉ đóng vai trò kết nối thị trường, cung cấp đầy đủ thông tin, hỗ trợ công nghệ chế biến thông qua HTX, để HTX đủ sức làm cầu nối với doanh nghiệp tiêu thụ.
Ông Lê Minh Hoan cũng cho rằng, thời gian vừa qua, ngành nông nghiệp bị đứt quãng chuỗi cung cầu do dịch bệnh, những biến cố thị trường hoặc là thông tin đứt quãng. Tức là không kết nối được thông tin đầu cầu sang đầu cung. Bản thân người sản xuất không hiểu được thị trường về số lượng, chất lượng. Khi không có thị trường, người nông dân sản xuất theo suy nghĩ của họ hoặc theo thông tin đón nhận được.
Tất cả chỉ mang tính chất ước đoán nhiều hơn. Chỉ khi nào thông tin minh bạch, lúc đó hai đầu cung - cầu sẽ khớp nhau như thị trường chứng khoán. Sản lượng và chất lượng phải khớp lệnh với nhau. Lúc đó thị trường nông sản mới minh bạch. Sự minh bạch đó dựa trên những cơ sở dữ liệu.
Do đó, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, Bộ NN-PTNT sẽ làm ngay cơ sở dữ liệu trên cơ sở tích hợp dữ liệu của các địa phương. Ngay từ đầu vụ, cơ quan quản lý sẽ lên tiến độ để biết sản lượng cuối vụ, thời điểm thu hoạch, sản xuất rải vụ hay đồng loạt.
Tất cả những dữ liệu đó sẽ được cơ quan quản lý chuyên ngành chuyển sang hệ thống thu mua phân phối của cả nước. Hệ thống phân phối sẽ phân tích thông tin đó và chuẩn bị khi vào vụ. Tức là hệ thống thu mua sẽ có thời gian chuẩn bị về kho bãi, vốn liếng… nền nông nghiệp chúng ta sẽ chuyển từ chỗ bị động sang chủ động hơn.
Đối với mặt hàng khoai lang Vĩnh Long, theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan ở tư duy kinh tế nông nghiệp khi cung vượt qua cầu thì phải giảm cung lại.
Ông cho rằng đây là một bước ngoặt bởi vì bà con mình, kể cả ngành chuyên môn cũng đôi lúc hay nhầm lẫn, đó là sản lượng càng nhiều thì lợi nhuận càng cao và tăng trưởng cao cho ngành kinh tế nào đó. Điều này trái với quan điểm của kinh tế học. Kinh tế học chỉ ra rằng, khi giảm chi phí được một đồng, đương nhiên lợi nhuận đã tăng thêm được một đồng. Khi đầu ra chúng ta không quyết định được, chúng ta sẽ quyết định đầu vào…
“Thị trường đã thay đổi rồi, người sản xuất phải theo thị trường hay là mặc kệ thị trường? Nếu không thay đổi sẽ thất bại. Ngành nông nghiệp có trách nhiệm của mình nhưng bà con cũng phải vì lợi nhuận của mình và sự bền vững của mình mà thay đổi”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nêu quan điểm.
Huyện Bình Tân có tổng diện tích sản xuất khoai lang hàng năm dao động khoảng 12.000 - 13.000ha. Đỉnh điểm, sản lượng có thể đạt đến 350.000 tấn. Tuy nhiên, sự liên kết trong sản xuất khoai lang vẫn chưa cao. Hiện toàn huyện mới chỉ có 14 HTX sản xuất khoai lang, chiếm khoảng 10% số hộ và diện tích trồng khoai của toàn huyện. Mỗi tháng trung bình thu hoạch 1.000 ha, người dân sản xuất khoai trong tâm trạng lo âu.