| Hotline: 0983.970.780

Tìm nước sạch cho dòng sông ô nhiễm: [Bài 1] Lúa 'ngậm' nước bẩn sông Bắc Hưng Hải

Thứ Hai 01/04/2024 , 06:00 (GMT+7)

Thời điểm nguồn nước sông Bắc Hưng Hải bị ô nhiễm, người dân xã Đồng Than, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên buộc phải lấy nước vào ruộng để cứu lúa khỏi bị chết khô.

Sông Bắc Hưng Hải có tổng chiều dài 232km, với 34,5km chảy qua địa phận tỉnh Hưng Yên. Đây là hệ thống thủy lợi quan trọng, cung cấp nước cho khoảng 38.000ha diện tích đất canh tác nông nghiệp, 12.000ha nuôi trồng thủy sản và cung cấp nguồn nước sinh hoạt cho khoảng 500.000 người dân trên địa bàn tỉnh. Dòng sông bị ô nhiễm trực tiếp ảnh hướng đến sản xuất kinh tế cũng như đời sống sinh hoạt của người dân.

Những cây lúa ở xã Đồng Than phải 'ngậm' nước bẩn sông Bắc Hưng Hải. Ảnh: Hùng Khang.

Những cây lúa ở xã Đồng Than phải 'ngậm' nước bẩn sông Bắc Hưng Hải. Ảnh: Hùng Khang.

Mạ non chết đứng giữa đồng

Tại trạm bơm thôn Xuân Tràng, xã Đồng Than, theo ghi nhận của phóng viên vào những ngày trung tuần tháng 3/2024, dòng nước tưới tiêu được bơm trực tiếp từ sông Bắc Hưng Hải lúc nào cũng trong tình trạng ô nhiễm. Nước đen như dầu luyn, bọt bẩn nổi lềnh phềnh, bay tung tóe.

Đã 20 năm gắn bó với trạm bơm, ông Lê Văn Phục không khỏi xót xa khi kể cho chúng tôi nghe câu chuyện phải lấy nước tưới không đảm bảo tiêu chuẩn để phục vụ bà con. Không bơm thì không hoàn thành nhiệm vụ, mà bơm nước ô nhiễm vào ruộng, để lúa chết thì ông cũng có lỗi với nhân dân. Day dứt cứ đeo bám khiến ông mất ăn, mất ngủ.

Nguồn nước ô nhiễm gây ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp của người dân. Ảnh: Đức Minh.

Nguồn nước ô nhiễm gây ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp của người dân. Ảnh: Đức Minh.

“Cứ được một vài hôm là nước sông lại chuyển sang màu đen và đặc quánh mùi hôi thối. Mưa xong dòng sông lại càng đen hơn, nước ô nhiễm đến mức bơm vào mương rau muống còn phải chết”, ông Lê Văn Phục chia sẻ.

Người dân vừa mới xuống mạ được một tuần, mạ non còn chưa kịp bén rễ đã phải ngậm nước bẩn, nhiều thửa ruộng cũng đã bắt đầu xuất hiện tình trạng lúa chết đứng.

Gần 30 năm gắn bó với đồng ruộng, chưa lúc nào bà Vũ Thị Xuân lại cảm thấy cơ cực như lúc này, 3 sào ruộng vừa mới cấy hôm nào mà nay đã phải đi chạy vạy khắp làng để xin mạ cấy lại cho kịp thời vụ. Bỏ thì thương vương thì tội, nếu có bỏ ruộng thì 6 miệng ăn cũng chẳng biết bấu víu vào đâu.

“Cũng chỉ vì tháo nước bẩn vào ruộng, nhà tôi mới thiệt hại nặng như thế này. Bao nhiêu công sức, bao nhiêu tiền phân gio giờ thành ra mất trắng. Nước về đến ruộng vui đâu chẳng thấy chỉ thấy thêm tủi”, bà Vũ Thị Xuân ngậm ngùi.

Vì không muốn sử dụng nước ô nhiễm để tưới cho đồng ruộng, nên một số hộ dân đã chủ động đi tìm nguồn nước sạch từ ao, hồ trong xã. Thế nhưng cách làm này chỉ là giải pháp tình thế, vì chỉ một tuần nữa thôi nước trong ao cũng sẽ cạn kiệt.

Mạ vừa xuống đồng, chưa kịp bén rễ đã chết đứng vì tưới nước lấy từ sông Bắc Hưng Hải. Ảnh: Hùng Khang.

Mạ vừa xuống đồng, chưa kịp bén rễ đã chết đứng vì tưới nước lấy từ sông Bắc Hưng Hải. Ảnh: Hùng Khang.

Ô nhiễm không chỉ ảnh hưởng đến đồng ruộng mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống sinh hoạt của các hộ dân. Quanh khu vực trạm bơm Xuân Tràng, nhà nào cũng phải cửa đóng then cài để ngăn mùi xú uế. Thậm chí các gia đình có trẻ nhỏ cũng chẳng dám cho con ra ngoài chơi.

Con tôi đang tuổi lớn, hiếu động nên lúc nào cũng muốn được ra ngoài vui chơi, nước ô nhiễm bốc mùi thế này người lớn hít vào còn thấy tức ngực nói gì đến trẻ nhỏ. Thế nên tôi cũng chẳng dám cho cháu ra ngoài sân để chơi, anh Nguyễn Thế Anh chia sẻ.

Cả thôn Xuân Tràng có khoảng 500 hộ dân thì đến gần một nửa là các gia đình có người mắc bệnh ung thư. Nhiều hộ có điều kiện đã phải tìm cách chuyển đi nơi khác, còn những hộ không có điều kiện thì vẫn phải ở lại để sống chung với mùi hôi thối của dòng sông.

Để nguồn nước ô nhiễm, trách nhiệm thuộc về ai?

Việc sông Bắc Hưng Hải ô nhiễm gây ảnh hưởng đến nguồn nước tưới dưỡng cho cánh đồng lúa tại xã Đồng Than, từ UBND xã đến người dân đã nhiều lần kiến nghị khắc phục tình trạng này.

Ông Phạm Văn Nam, Chủ tịch UBND xã Đồng Than cho biết: Chính quyền xã cùng người dân đã thực hiện mọi biện pháp để đảm bảo chất lượng nước tưới dưỡng cho cây lúa non mới cấy: tích trữ nước từ những trận mưa, sử dụng nguồn nước nội tại ở ao, hồ trong xã… Tuy nhiên nước từ ao, hồ không đủ để cấp cho 150 mẫu ruộng của xã trong cả mùa vụ. Nguồn nước chính vẫn phải lấy từ sông Bắc Hưng Hải.

“150 mẫu ruộng của xã Đồng Than sử dụng nguồn nước tưới tiêu lấy từ sông Bắc Hưng Hải. Chúng tôi đã có ý kiến rất nhiều lần về nguồn nước phục vụ tưới tiêu không đảm bảo, thế nhưng mãi vẫn chưa thấy giải quyết. Vì vậy, để có nước cho cây lúa phát triển chúng tôi vẫn phải bơm nước sông Bắc Hưng Hải vào kênh mương của xã”, ông Phạm Văn Nam chia sẻ với PV Báo Nông nghiệp Việt Nam, ngày 12/3.

Mặc dù chính quyền địa phương đã nhiều lần kiến nghị tuy nhiên tình trạng ô nhiễm nguồn nước tưới tiêu vẫn không được cải thiện. Ảnh: Đức Minh.

Mặc dù chính quyền địa phương đã nhiều lần kiến nghị tuy nhiên tình trạng ô nhiễm nguồn nước tưới tiêu vẫn không được cải thiện. Ảnh: Đức Minh.

“Thực tế chưa có khuyến cáo nào cả, máy bơm này tôi làm hơn 20 năm rồi chứ không phải bây giờ mới làm. Buộc phải bơm, không bơm thì đồng không có nước, đợi mưa thì đến bao giờ. 7 năm nay nước không có lúc nào sạch, hôi thối ô nhiễm lắm rồi”, ông Lê Văn Phục chia sẻ.

Phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam đã liên hệ với Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi tỉnh Hưng Yên, đồng thời đặt câu hỏi: "Trước thực trạng nước sông ô nhiễm, tại sao công ty vẫn bơm vào ruộng cho người dân?". Ông Nguyễn Anh Tú - Giám đốc Công ty này đẩy trách nhiệm cho người phụ trách trạm bơm: "Công ty không chỉ đạo bơm nước ô nhiễm cho người dân. Việc nước bẩn chảy vào ruộng, làm chết lúa của bà con là do các nông giang tự ý bơm lên".

“Chúng tôi đã thông báo không được bơm nước ô nhiễm vào ruộng, phải đợi nước mưa. Thời điểm dân thấy nước đen là do các nông giang tự ý bơm lên, chắc họ không ý thức được việc nước sông ô nhiễm”, ông Tú khẳng định.  

Vừa dứt lời, ông Tú liền lấy điện thoại ra khoe với phóng viên: Hiện tại nước trong kênh rất sạch, lúa phát triển rất tốt. Thế nhưng, khi được hỏi sạch với tốt ở địa điểm nào thì vị Giám đốc này không nắm được.

Sau khi nghe những lời nói “chắc như đinh đóng cột” của vị giám đốc trên, phóng viên lại tìm về xã Đồng Than để xác minh. Ông Lê Văn Phục, một nông giang ở thôn Xuân Tràng đã tỏ ra rất bất ngờ, ông Phục cho biết thực tế chưa nhận được bất cứ khuyến cáo nào là không được bơm nước vào ruộng cho bà con. Còn nguồn nước ở sông này thì 7 năm rồi không hết ô nhiễm.

Nước sông Bắc Hưng Hải lúc nào cũng trong tình trạng đen như dầu luyn. Ảnh: Hùng Khang.

Nước sông Bắc Hưng Hải lúc nào cũng trong tình trạng đen như dầu luyn. Ảnh: Hùng Khang.

Theo tìm hiểu của phóng viên, không riêng gì xã Đồng Than, huyện Yên Mỹ mà hầu hết hoạt động sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Hưng Yên phụ thuộc  vào nguồn nước được cung cấp bởi dòng sông Bắc Hưng Hải. Việc nước sông bị ô nhiễm sẽ ảnh hưởng rất lớn đến ngành nông nghiệp của tỉnh.

Do đó, phóng viên tiếp tục liên hệ với Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải để tìm hiểu những khó khăn trong công tác vận hành nguồn nước tưới tiêu cho người dân. Thật bất ngờ khi ông Trịnh Thế Trường – Chủ tịch kiêm Giám đốc đơn vị này lại liên tục từ chối tiếp nhận thông tin phản ánh trực tiếp của phóng viên.

Ông Trường cho rằng phóng viên muốn tìm hiểu về những khó khăn trong việc vận hành hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải thì phải làm công văn đề xuất rồi gửi đến công ty, khi nào vị Giám đốc này "ưng ý" với những đề xuất được ghi trong công văn, thì mới làm việc. Trong khi đó, ở các cánh đồng lúa thẳng cánh cò bay thì lúa non vẫn đang chết dần vì nguồn nước ô nhiễm.

Xem thêm
Ngày 17/1 trở thành Ngày Truyền thống tỉnh Bến Tre

Tỉnh Bến Tre vừa tổ chức lễ công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận Ngày Truyền thống tỉnh Bến Tre 17/1.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Ông Hồ Văn Hà làm Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai

Đồng Nai Hội đồng nhân dân tỉnh Đồng Nai khóa X vừa tổ chức kỳ họp thứ 24 và bầu thêm một Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhằm kiện toàn công tác nhân sự.

Ba người đàn ông ở thung lũng trong mơ

Tròn mười năm tôi mới trở lại thung lũng trong mơ ấy, nếu không có Tạ Xuân Anh - cán bộ Chi cục Chăn nuôi Thú y tỉnh Ninh Bình dẫn vào thì đã lạc đường.