Thạch đen là cây trồng có nhiều lợi thế tại nhiều tỉnh miền núi phía Bắc như Lạng Sơn, Cao Bằng. |
Thạch đen hay lương phấn thảo, sương sáo, có nguồn gốc ở Đông và Đông Nam Á, được trồng ở Đông Nam Trung Quốc, Đài Loan và ASEAN. Ở Việt Nam, thạch đen được trồng ở Cao Bằng, Lạng Sơn, Lâm Đồng, Đồng Tháp, An Giang...
Ở Lạng Sơn, thạch đen được trồng chủ yếu trên đất ruộng và đất nương rẫy có độ dốc <20 độ, tập trung ở các huyện Tràng Định, Bình Gia, Văn Lãng. Hiện nay, tổng diện tích thạch đen của tỉnh xấp xỉ 2.000ha với năng suất trung bình 51 - 52 tạ/ha, tổng sản lượng xấp xỉ 10.000 tấn. Với diện tích trên, giá trị từ thạch đen đạt khoảng 200 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, tiềm năng mở rộng vùng nguyên liệu có thể tăng gấp đôi nếu đảm bảo được thị trường.
Xác định đây là sản phẩm chủ lực, Lạng Sơn đã xây dựng nhãn hiệu tập thể Thạch đen Tràng Định và được cấp giấy chứng nhận, từ đó thiết kế và in ấn tem nhãn sản phẩm, xây dựng quy trình trồng, chăm sóc và thu hoạch.
Theo nghiên cứu khoa học, thạch đen ở Tràng Định, Lạng Sơn có chất lượng cao hơn ở các vùng lân cận như Thạch An (Cao Bằng) và Na Rì (Bắc Kạn). Bên cạnh đó, các cơ sở thu mua đã ký cam kết với người dân để đảm bảo thực hiện đúng quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc và thu hoạch để đáp ứng yêu cầu về an toàn thực phẩm.
Hiện nay, thạch ruộng được bán với giá khoảng 20 triệu đồng/tấn và thạch nương là 28 - 29 triệu đồng/tấn, chủ yếu đi thị trường Trung Quốc. Lượng tiêu thụ ở Lạng Sơn vào khoảng 10%, các tỉnh khác 20% và đi Thái Lan khoảng 5% với tiêu chuẩn bao bì, nguồn gốc rất cao, 65% thạch đen còn lại được xuất đi Trung Quốc.
Tuy nhiên, sau khi thị trường lớn nhất này áp dụng các tiêu chuẩn quản lý chất lượng và truy xuất nguồn gốc mới, xuất khẩu thạch đen bị giảm mạnh. Với mặt hàng thạch đen khô, từ 1/9/2018, Trung Quốc ngừng nhập cả chính ngạch lẫn tiểu ngạch, ảnh hưởng lớn đến nông dân trồng cây này ở Lạng Sơn.
Nguyên nhân là do từ trước, thị trường Trung Quốc không có yêu cầu nào với sản phẩm này nên việc sản xuất, truy xuất nguồn gốc, đóng gói đúng quy trình không được thực hiện. Đây sẽ là những khó khăn cho người nông dân trong quá trình thay đổi, cải tiến để đàm phán xuất khẩu thạch đen chính ngạch sang Trung Quốc.
Tỉnh Lạng Sơn xác định, những thay đổi trong chính sách biên mậu của Trung Quốc là tất yếu và đến lúc phải thay đổi, xem đây là thị trường khó tính, tập trung sản xuất quy củ, vừa giảm rủi ro vừa tăng được giá trị.
Địa phương đã có văn bản gửi Bộ NN-PTNT đề nghị giúp đỡ, hướng dẫn tỉnh thực hiện các yêu cầu của Trung Quốc. Ngoài ra, Lạng Sơn cũng yêu cầu các đơn vị liên quan tăng cường tuyên truyền cho nông dân, thực hiện các yêu cầu về nguồn gốc xuất xứ, an toàn vệ sinh thực phẩm của bạn hàng.
Hiện nay, Lạng Sơn đang rốt ráo cùng các cơ quan chức năng hoàn thiện việc xuất khẩu thạch đen chính ngạch sang Trung Quốc và hướng dẫn triển khai đăng ký truy xuất nguồn gốc, chứng nhận kiểm nghiệm, kiểm dịch theo yêu cầu của bạn hàng.
Làm việc với UBND tỉnh Lạng Sơn, ông Hoàng Trung - Cục trưởng Cục BVTV cho biết dự kiến ngày 22/9 tới, nhóm chuyên gia của Trung Quốc sẽ sang làm việc, kiểm tra tổng thể về vùng trồng, tổ chức SX, các điều kiện về sơ chế, bảo quản… đối với cây thạch đen tại Lạng Sơn để xem xét cho phép XK chính ngạch sang Trung Quốc.
Thạch đen được XK theo dạng thương mại biên giới sang Trung Quốc từ lâu. Tuy nhiên từ năm 2018 đến nay, khi Trung Quốc siết chặt quy định về NK, mặt hàng này không thể XK được do chưa có trong danh mục hàng hóa được phép XK sang Trung Quốc. “Về cơ bản, các điều kiện mà phía Trung Quốc đưa ra là không quá khó. Tuy nhiên, vấn đề là chúng ta cần phải tuân thủ nghiêm túc theo các yêu cầu của họ. Dự kiến nếu hoàn tất việc kiểm tra đánh giá, chỉ sau 3 - 5 ngày, chúng ta đã có thể được phép XK trở lại”, ông Hoàng Trung cho hay. |