Những phát hiện khoa học gần đây chứng minh, xâm nhập mặn, sụt lún đất, lũ lụt, xói lở bờ sông, bờ biển… những loại hình thiên tai phổ biến này đang ảnh hưởng đến quá trình phát triển chiến lược của ĐBSCL. Nguyên nhân chủ yếu do thiếu hụt trầm tích đến từ hoạt động khai thác cát không bền vững.
Giảm phụ thuộc nguồn cát sông thông qua nghiên cứu, đánh giá tính bền vững của các loại vật liệu thay thế cát là giải pháp cần thiết phòng chống thiên tai. Ông Lương Văn Hùng, đại diện Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) bày tỏ, nguồn cát ở ĐBSCL đang rất hạn chế, các địa phương cần tăng cường liên kết vùng. Đặc biệt, khu vực Đông Nam bộ được đánh giá có nguồn vật liệu thay thế đáng kể, có thể hỗ trợ bù đắp, tạo cân bằng nguồn vật liệu cho ĐBSCL.
Ông Hà Huy Anh, Quản lý quốc gia Dự án Quản lý cát bền vững ĐBSCL thuộc tổ chức WWF Việt Nam thông tin, nhóm tư vấn của Đức đã xác định được 18 vật liệu có khả năng thay thế cát sông. Trong đó, có 8 loại có trữ lượng và tiềm năng rất cao ở miền Nam.
Vật liệu phổ biến đầu tiên ở ĐBSCL là tro trấu. Thống kê trong năm 2022, toàn vùng ĐBSCL có khoảng 10,7 triệu tấn vỏ trấu, tương đương khoảng 1,9 – 2,7 triệu tấn tro trấu. Các nhà máy chế biến gạo quy mô lớn ở An Giang, Đồng Tháp và Tiền Giang có khả năng cung cấp nguồn vật liệu này. Thực tế thời gian qua, tro trấu đã được ứng dụng làm phụ gia sản xuất bê tông.
Tiếp theo là cát nghiền, được lấy từ đá phế thải, đá vụn tại các mỏ đá ở tỉnh: An Giang, Kiên Giang, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Tháp…. Viện Vật liệu xây dựng thống kê vào năm 2019, miền Nam có khả năng cung cấp 2,5 triệu m3 cát nghiền/năm. Thời gian qua, cát nghiền đã được ứng dụng làm vữa xây, trát, bê tông mác thấp (bê tông có cường độ chịu nén thấp) hay sản xuất gạch không nung.
Hay tro bã mía lấy từ các nhà máy đường có hoạt động đốt bã mía ở tỉnh Tây Ninh, Sóc Trăng cũng được ông Hà Huy Anh xác định là vật liệu thay thế hiệu quả. Ông Huy Anh đánh giá, trên thế giới, tro bã mía được nghiên cứu để thay thế cát trong vữa, bê tông.
Tại Việt Nam, vật liệu này đã được nghiên cứu thay thế một phần xi măng trong sản xuất bê tông. Thống kê năm 2022, cả nước có khoảng 7,5 triệu tấn mía, như vậy có thể thu được 36.000 – 72.000 tấn tro bã mía.
Ngoài ra, các loại vật liệu khác như: bê tông tái chế (sà bần), xỉ đáy, xỉ lò cao, thủy tinh phế thải, cao su phế thải… cũng có nhiều tiềm năng làm vật liệu thay thế cát sông. Điển hình, từ 3,28 triệu tấn chất thải rắn/năm có thể tạo ra 0,33 triệu tấn sà bần/năm. Hay xỉ đáy từ các nhà máy nhiệt điện sử dụng than ở Trà Vinh, Đồng Nai, Hậu Giang có trữ lượng khoảng 940 ngàn tấn/năm.
Thời gian qua, nhiều nghiên cứu trong nước đã sử dụng bê tông tái chế trong các lĩnh vực xây dựng, giao thông. Từ hiệu quả thực tiễn đó, ông Hà Huy Anh kiến nghị, ngành chức năng cần thúc đẩy phát triển vật liệu thay thế trong thời gian tới, tiến đến thúc đẩy sử dụng tiết kiệm cát trong các công trình.
Đặc biệt, trong xây dựng các tuyến đường cao tốc, có thể tính đến phương án xây cầu cạn, vừa giải quyết được vấn đề thiếu hụt cát, vừa duy trì được tính kết nối giữa nước và trầm tích, giữa lòng sông chính với các đồng bằng thông qua các kênh rạch.
Trữ lượng của các loại vật liệu trên được thống kê dựa trên thu thập số liệu báo cáo từ các địa phương. Hiện WWF Việt Nam đang phối hợp với Viện Vật liệu xây dựng tiến hành đánh giá thực tế khả năng khai thác và cung cấp của từng vật liệu. Từ đó, xem xét hiệu quả và đưa ra chi phí… để thúc đẩy hoạt động nghiên cứu và phát triển vật liệu thay thế.
Việc chuyển đổi từ cát sông sang sử dụng các loại vật liệu thay thế cần khoảng thời gian 5 – 10 năm. Do đó, ông Hà Huy Anh kiến nghị Nhà nước cần hoàn thiện cơ chế pháp lý để thúc đẩy phát triển các loại vật liệu thay thế, mở rộng thị phần trên thị trường.