Với tốc độ khai thác cát hiện nay từ 35 - 55 triệu m3/năm, trữ lượng cát tích lũy hàng trăm năm qua ở ĐBSCL sẽ cạn kiệt trong 10 năm tới.
Ngân hàng cát cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long
Trải qua gần 20 tháng thực hiện hoạt động nghiên cứu, đo đạc, phân tích số liệu và tham vấn các bên liên quan, hoạt động xây dựng Ngân hàng cát cho ĐBSCL do WWF Việt Nam phối hợp với các đối tác thực hiện đã hoàn thành và công bố rộng rãi đến cơ quan chức năng, nhà khoa học, truyền thông trên cả nước.
Kết quả ghi nhận trong năm 2022, tổng trữ lượng cát của ĐBSCL ước tính khoảng 367 - 550 triệu m3 (chủ yếu dựa trên lớp cát di động). Trong khi đó, lượng cát đổ về đồng bằng từ thượng nguồn giảm còn 2 - 4 triệu m3/năm, thấp hơn rất nhiều so với tốc độ khai thác cát hiện nay từ 35 - 55 triệu m3/năm. Nếu giữ tốc độ khai thác hiện tại, trữ lượng cát tích lũy hàng trăm năm qua ở ĐBSCL sẽ cạn kiệt trong 10 năm tới.
Ông HÀ HUY ANH - Quản lý quốc gia Dự án Quản lý cát bền vững ở ĐBSCL: “Những kết quả đo đạc trên tuy chỉ được thực hiện trong một năm, nhưng đã cung cấp cái nhìn tổng quan về hiện trạng cát về ĐBSCL hạn chế. Từ đó, hỗ trợ các cơ quan chức năng trong việc hoạch định chính sách quản lý khai thác cát bền vững ở ĐBSCL, xây dựng một kế hoạch giảm thiểu rủi ro và tình trạng dễ bị tổn thương của ĐBSCL trước biến đổi khí hậu (BĐKH) và các tác động của con người.”
Thông qua các số liệu được công bố, chuyên gia, nhà khoa học và đại điện các địa phương vùng ĐBSCL cho rằng đây là con số có cơ sở, tuy nhiên cần tính toán, sử dụng các công cụ, mô hình kiểm chứng khẳng định tính chính xác.
Ông NGUYỄN NGHĨA HÙNG - Phó Viện trưởng Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam: “Tôi cho rằng cần phải có thêm những số liệu đo nữa để có thể khẳng định chính xác số lượng ngân hàng cát đã công bố ở đây. Bởi vì phải có tính đại diện trong mùa lũ, mùa kiệt, lũ lớn, lũ nhỏ, lũ vừa, có những năm không có lũ chẳng hạn hoặc vận hành của đập”.
Thời gian tới, tổ chức WWF Việt Nam sẽ chia sẻ các dữ liệu, kết quả báo cáo cũng như khuyến nghị tới các đối tác liên quan. Đồng thời tìm kiếm cơ hội mở rộng quy mô của ngân hàng cát. Đồng hành cùng các doanh nghiệp để tiếp cận công nghệ sản xuất các vật liệu thay thế một cách bền vững hơn với môi trường.