| Hotline: 0983.970.780

Tổ công tác 970 Bộ NN-PTNT giúp kết nối, tiêu thụ hàng trăm tấn nông sản/ngày

Thứ Năm 09/09/2021 , 07:43 (GMT+7)

Sau hơn một tháng triển khai, Tổ kết nối và giúp tiêu thụ thành công khoảng 300-400 tấn nông sản/ngày, cao điểm có ngày trên 1.000 tấn.

Tổ công tác 970 Bộ NN-PTNT đảm bảo cung ứng lương thực, thực phẩm cho miền Nam khi giãn cách xã hội.

Tổ công tác 970 Bộ NN-PTNT đảm bảo cung ứng lương thực, thực phẩm cho miền Nam khi giãn cách xã hội.

Sau 50 ngày hoạt động, Tổ công tác phía Nam Bộ NN-PTNT đảm bảo được nguồn cung ứng nông sản, và lên sẵn kịch bản cho chu kỳ sản xuất mới sau giãn cách.

Tính đến ngày 8/9, Tổ công tác 970 Bộ NN-PTNT đã kết nối được 1.420 đầu mối cung cấp nông sản. Cụ thể: rau củ quả (389 đầu mối), trái cây (370), thủy hải sản (514), lương thực (83), còn lại các các mặt hàng khác.

So với ngày đầu thực hiện kết nối tiêu thụ nông sản (19/7), số lượng đầu mối tăng gần 100 lần. Số lượng này tăng nhanh trong nửa tháng đầu. Đến cuối tháng 7/2021, Tổ công tác 970 đã kết nối được 552 đầu mối, và giữa tháng 8/2021 là hơn 1.100 nhà cung cấp.

Song song với việc xây dựng mạng lưới nhà cung cấp, Tổ công tác 970 còn kết nối cung - cầu qua trang web: https://htx.cooplink.com.vn. Mục đích là đẩy nhanh tiến độ kết nối và mua bán nông sản khi người mua và người bán tự tìm được số điện thoại và thông tin sản phẩm cần mua và cần bán trên web.

Dự báo, lượng hàng hóa được tiêu thụ sẽ tiếp tục tăng nhanh khi tiểu thương các chợ đầu mối lớn tại TP. HCM hoạt động trở lại.

Công tác chỉ đạo điều hành ổn định sản xuất cũng được Tổ công tác 970 đặc biệt lưu tâm. Tại vựa lúa chính của cả nước - đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), Tổ đã hỗ trợ 13 tỉnh trong khu vực đạt sản lượng 16,86 triệu tấn lúa, tăng 1% so với cùng kỳ năm ngoái.

Dự kiến sản lượng những tháng còn lại là 8,78 triệu tấn. Ngoài đáp ứng nhu cầu lương thực cho phần thiếu hụt của vùng Đông Nam bộ, vùng Đồng bằng sông Cửu Long còn thừa khoảng 3 triệu tấn gạo đảm bảo yêu cầu an toàn lương thực và xuất khẩu.

Riêng trong tháng 8, thu hoạch lúa hè thu vùng ĐBSCL khoảng 400.000 ha, năng suất 5,76 tấn/ha, với sản lượng 2,3 triệu tấn. Đến hết tháng 8, lúa thu đông đã gieo sạ 500.000 ha, đạt 70% so với kế hoạch, ước cả vụ sẽ xuống giống 700.000 ha.

Về rau, sản lượng vùng ước đạt 3,83 triệu tấn. Dự kiến thu hoạch những tháng còn lại là 54.000 ha với khoảng 986.000 tấn. Ngoài việc cung ứng cho vùng Đông Nam bộ, ĐBSCL còn gần 1,5 triệu tấn rau củ các loại cần được tiêu thụ.

Về trái cây, sản lượng thu hoạch trái cây đạt 4,0 triệu tấn. Dự kiến sản lượng những tháng còn lại là khoảng 1,75 triệu tấn . Trái cây là mặt hàng cần khuyến khích tiêu dùng mạnh trong mùa dịch khi có gần 400.000 tấn cần được tiêu thụ trong tháng 9 và hơn 1,3 triệu tấn cần tiêu thụ đến tháng 12/2021 nếu tình hình xuất khẩu gặp khó khăn.

Về lợn, tổng đàn ước đạt 8 triệu con, sản lượng 869.000 tấn, tăng 3% so với cùng kỳ năm 2020. Dự kiến sản lượng những tháng còn lại là 430.000 tấn.

Về gia cầm, tổng đàn ước đạt 154,7 triệu con, sản lượng 343 ngàn tấn, tăng 3% so với cùng kỳ năm 2020. Dự kiến tổng đàn những tháng còn lại là 154 triệu con, sản lượng 171 ngàn tấn.

Về trứng, sản lượng ước đạt 3,9 tỷ quả, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm 2020. Dự kiến sản lượng những tháng còn lại là 2 tỷ quả.

Về thủy sản, sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt 2,006 triệu tấn, tăng 1,8% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, tôm nước lợ ước đạt 579.000 tấn; cá tra ước đạt 857 ngàn tấn. Dự kiến sản lượng những tháng còn lại là 1,526 triệu tấn.

"Sản lượng nông sản thu hoạch 8 tháng đáp ứng được nhu cầu lương thực, thực phẩm hiện tại của người dân 19 tỉnh, thành Nam Bộ. Thời gian tới, công tác chỉ đạo điều hành sản xuất vẫn được duy trì, đảm bảo sản xuất ổn định, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu", Báo cáo của Tổ công tác 970 gửi ngày 9/9 có đoạn.

Chương trình hỗ trợ an sinh của Tổ công tác 970 đã huy động được 32.000 phần quà cho người dân tại TP. HCM và Bình Dương, với tổng khối lượng lương thực, thực phẩm gần 500 tấn, trị giá trên 7 tỷ đồng.

Bên cạnh những việc đã làm được, Tổ công tác 970 Bộ NN-PTNT dự báo một số khó khăn trong thời gian tới, như nguy cơ khô hạn và xâm nhập mặn của vụ đông xuân, giá bán của một số vật nuôi, trong đó có gà công nghiệp chưa được cải thiện, hay tái sản xuất các nhà máy, cơ sở chế biến thủy sản để đáp ứng "3 tại chỗ"...

Nhằm đáp ứng nhu cầu lương thực, thực phẩm và các mặt hàng thiết yếu tại các tỉnh, thành phố phía Nam, đẩy mạnh lương cung để chuẩn bị cho đợt Tết nguyên đán Nhâm Dần, Tổ công tác 970 Bộ NN-PTNT tổ chức Hội nghị sơ kết vào sáng 9/9. 

Ba nhiệm vụ trọng tâm được thảo luận trong phiên họp sáng nay là: Phương thức phối hợp với Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ; Tăng cường đáp ứng nhu cầu lương thực, thực phẩm thiết yếu cho TP. HCM; Xây dựng kế hoạch sản xuất trong và sau giai đoạn giãn cách xã hội cho 19 tỉnh, thành phố Nam bộ.

Ngoài ra, Tổ công tác 970 sẽ có những đề nghị tới Sở NN-PTNT, UBND các tỉnh, thành phố trong công tác tiêm vacxin với đối tượng sản xuất trực tiếp; và các quy trình tổ chức sản xuất, thu hoạch, tiêu thụ nông sản, vật nuôi, thủy sản.

Xem thêm
Tây Ninh phấn đấu là nơi đáng sống và động lực tăng trưởng vùng

TÂY NINH Với thiên thời, địa lợi, nhân hòa, 'nóc nhà Đông Nam bộ' đặt mục tiêu trở thành nơi đáng sống và động lực tăng trưởng cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Sóc Trăng thay đổi từ tư duy ứng phó sang thích ứng với hạn mặn

ĐBSCL Dù hạn mặn trong mùa khô 2023 -2024 cao hơn trung bình nhiều năm, Sóc Trăng chưa ghi nhận thiệt hại nghiêm trọng đến sản xuất, kinh doanh do hạn mặn gây ra.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Hợp tác xã chi tiền mua bảo hiểm cho lực lượng thủy nông viên

Dự báo nắng nóng gay gắt còn kéo dài, trong khi nước tích trữ trong các hồ chứa ngày càng suy giảm, Bình Định đang áp dụng nhiều giải pháp để tiết kiệm nước tưới…