Chúng tôi đến vùng nuôi tôm Hòn Vải, phường Ninh Hà, TX Ninh Hòa (Khánh Hòa) từ sáng sớm. Cả cánh đồng rộng mênh mông nhưng chẳng thấy bóng người. Đảo quanh một vòng chứng kiến các ao nuôi đều bỏ trống, máy sục ngổn ngang.
Tìm mãi mới gặp được anh Phùng Ngọc Phương, một hộ nuôi tôm; anh than vãn: “Do thả nuôi đợt 1 thất bại nên nhiều bà con chán nản bỏ ao. Gia đình tôi sở dĩ còn bám trụ, vì còn một ao nuôi lỡ dở được hơn 1 tháng; chưa có biểu hiện gì. 2 ao nuôi trước đó thả ngày 16/2 và 10/3 tôm đều chết yểu. Tôi thả 90 vạn giống, với giá đầu tư từ 420.000 - 800.000 đ/vạn con, thả nuôi được 20 - 23 ngày thì chết sạch, thiệt hại hơn 100 triệu đ”.
Nghề nuôi tôm gặp rất nhiều rủi ro dịch bệnh triền miên, thời tiết ngày càng khắc nghiệt, chứ không thuận lợi như những năm trước. Vụ lần trước khi thả nuôi anh Phương đều chú trọng trong việc xử lý ao, chọn giống có nguồn gốc nhưng không tránh khỏi thiệt hại.
Ông Hùng chỉ ao nuôi tôm bị chết
Không chỉ anh Phương, hầu hết người nuôi ở khu vực này đều lỗ nặng. Ông Trần Ngọc Hùng, tổ Tân Tế ngao ngán: "Thời điểm này năm ngoái, gia đình tôi thả 50 vạn giống cho 11.000 m2. Trong quá trình nuôi, tôm bị hoại tử gan tụy chết hàng loạt, lỗ gần 60 triệu đồng. Vụ này cũng thả chừng ấy với tất cả chi phí đầu tư gần 70 triệu đồng. Nhưng chỉ nuôi được 42 ngày thì tôm bỏ ăn, bơi lờ đờ rồi chết lai rai. Thấy vậy tôi gọi thương lái vào thu hoạch được 4 tạ, bán giá 52.000 đ/kg, trừ chi phí lỗ gần 40 triệu".
Ông Hùng còn cho biết, gia đình ông nuôi tôm đã hơn 30 năm, nhưng nguyên nhân tôm chết lần này không thể xác định được. Mọi khi phát hiện tôm bệnh ông thường dùng các loại men vi sinh về gan, đường ruột… để tôm nhanh chóng khoẻ mạnh, giảm bớt thiệt hại. Lần này mọi xử lý theo kinh nghiệm đều dẫn đến tôm chết nhanh hơn.
Theo ông Ngô Duy Thoại, cán bộ phụ trách nông nghiệp phường Ninh Hà, vụ thả nuôi đợt 1 toàn phường có gần 300 ha tôm bị chết yểu, ướt tính thiệt hại khoảng 3 tỷ đồng.
Tôm chết khiến bà con phải thu hoạch non đang diễn ra tại vùng nuôi các xã Ninh Ích, Ninh Lộc… Anh Nguyễn Văn Ân, thôn Ninh Đức, xã Ninh Lộc cho biết: “Tôi thả 35 vạn con giống từ ngày 28/4, với giá đầu tư 800.000 đ/vạn con, do tôm bị chết lải rải nên tôi vừa xuất bán non được 35 triệu đ, trừ chi phí lỗ hơn nửa”.
Tại xã Ninh Ích, toàn xã thả nuôi 120 ha, giảm 60 ha so với năm ngoái, thế nhưng đã có 40% diện tích bị thiệt hại.
Nhằm tránh thiệt hại trong việc nuôi tôm vụ tiếp theo, các địa phương đã khuyến cáo bà con không nên thả nuôi trong giai đoạn thời tiết còn nắng nóng gay gắt. Đợi khi có mưa thời tiết dịu lại và có nguồn nước bổ sung làm giảm độ mặn rồi mới tiến hành thả. |
Tiếp xúc với PV NNVN, người nuôi tôm cho biết: Tôm chết trong thời gian từ 23 - 45 ngày với triệu chứng như nhau là bỏ ăn, nổi lên mặt nước, bơi lờ đờ rồi đâm đầu vào bờ chết. Khi vớt lên kiểm tra nhưng không phát hiện gì về nghi vấn gan tụy như thời điểm dịch bệnh năm ngoái. Thế nhưng điều khác thường là tôm nuôi rất chậm lớn. Vì vậy nhiều người cho rằng tôm chết có thể do chất lượng giống không đảm bảo, môi trường ao nuôi lâu năm bị ô nhiễm.
Tuy nhiên theo ông Thoại thì, nguyên nhân tôm chết do nắng nóng, bởi vừa qua địa phương đã phối với Chi cục Nuôi trồng thuỷ sản lấy mẫu nước, tôm và đất để phân tích thì không phát hiện virus gây bệnh.
Theo nhận định của cơ quan chức năng, do thời tiết nắng nóng kéo dài, không có mưa khiến nguồn nước mặn khu ven dân cư, ven sông tăng từ 13 - 20‰. Trong khi đó, các ao nuôi không lấy được nước ngọt, cứ duy trì mực nước trong ao thấp từ 0,8 - 1 m (quy định nước trong ao từ 1,2 m trở lên) dẫn đến tôm bị sốc nhiệt rồi chết.