"Trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc, nông dân nước ta có vai trò rất quan trọng trong quá trình khai phá đất đai, mở mang bờ cõi, lập nên non sông đất nước, luôn nêu cao truyền thống yêu nước, chí khí anh hùng, bất khuất của dân tộc, không ngại gian khổ, không sợ hy sinh, sẵn sàng dấn thân trong các cuộc đấu tranh chống ngoại xâm, giành lại độc lập, tự do, thống nhất đất nước, bảo vệ và giữ vững nền độc lập dân tộc", Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mở đầu bài phát biểu.
Theo Tổng Bí thư, nông dân luôn là lực lượng đông đảo nhất, có công đưa Việt Nam từ chỗ thiếu lương thực, vươn lên thành một trong những quốc gia xuất khẩu hàng đầu thế giới về gạo, thuỷ sản, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia.
Nhờ cần cù, chịu khó, ham học hỏi, dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới, sáng tạo, nông dân Việt Nam ngày càng khẳng định vị thế quan trọng trong xã hội và phát huy tốt hơn vai trò là chủ thể, là trung tâm, nòng cốt trong công cuộc phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới.
Thời gian qua, tình hình thế giới và khu vực có nhiều biến động phức tạp, khó lường, nhưng nền kinh tế - xã hội nước ta được giữ vững, ổn định và phát triển. Ngành nông nghiệp tiếp tục duy trì nhịp độ tăng trưởng ở mức khá và toàn diện. Tổng Bí thư đánh giá, điều ấy xuất phát một phần từ các hoạt động sáng tạo, đổi mới của các cấp Hội Nông dân Việt Nam.
"Các phong trào thi đua yêu nước do Hội Nông dân Việt Nam phát động có sức lan toả sâu, rộng, mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần tích cực vào việc phát triển kinh tế - xã hội và giảm nghèo bền vững", Tổng Bí thư nhận xét.
Việc Hội Nông dân Việt Nam phối hợp tổ chức đối thoại với Thủ tướng và cấp ủy, chính quyền các cấp cũng mang nhiều ý nghĩa, kịp thời tháo gỡ những khó khăn; thôi thúc, cổ vũ các tầng lớp nông dân hăng hái đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh; tạo sự đồng thuận trong việc triển khai các chương trình, dự án phát triển đất nước.
Ghi nhận những cố gắng, nỗ lực của tầng lớp nông dân, Tổng Bí thư đồng thời chỉ ra rằng hoạt động của các cấp Hội ở một số nơi còn chậm đổi mới, hiệu quả chưa cao, chưa bắt kịp yêu cầu của thực tiễn; dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ, đào tạo nghề quy mô còn nhỏ, chưa đa dạng; việc nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, khó khăn, vướng mắc của nông dân có lúc, có nơi chưa kịp thời...
Vào giai đoạn hiện tại, nền nông nghiệp và nông dân nước ta phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức như: Hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng đặt ra yêu cầu phải tăng nhanh năng suất lao động, giá trị và sức cạnh tranh hàng hoá nông sản; Sự phát triển của khoa học, công nghệ, khiến đời sống, việc làm của người nông dân bị ảnh hưởng; Xu thế biến đổi xã hội nông thôn truyền thống, mặt trái của toàn cầu hoá và không gian mạng cũng là thách thức lớn đối với việc giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc.
Nhắc lời Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Nông dân ta giàu thì nước ta giàu. Nông nghiệp ta thịnh thì nước ta thịnh", Tổng Bí thư khẳng định: Nông nghiệp là lợi thế quốc gia, là trụ đỡ của nền kinh tế; nông dân, nông thôn có vị trí chiến lược trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, là cơ sở và lực lượng quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm an ninh - quốc phòng; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc và bảo vệ môi trường sinh thái của đất nước.
Nhiều chủ trương, chính sách được ban hành để thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, trong đó xác định nông dân là chủ thể, là trung tâm của quá trình phát triển nông nghiệp; kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới. Vấn đề là người nông dân cần có những thay đổi gì trong tư duy và hành động để góp phần đưa Việt Nam trở thành một nước công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và là nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045.
Kêu gọi các cấp Hội Nông dân nước ta cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hơn nữa nội dung, phương thức, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, Tổng Bí thư nhấn mạnh, đây là nhân tố tích cực trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc, liên minh "công nhân - nông dân - trí thức".
Để thực hiện nhiệm vụ này, Tổng Bí thư gợi mở 7 vấn đề để Đại hội thảo luận, trong đó ông đề nghị các cấp Hội cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hơn nữa nội dung, phương thức hoạt động, hướng mạnh về cơ sở. Đa dạng hoá công tác tuyên truyền, khơi dậy ý chí, khát vọng của nông dân gắn với các hoạt động thiết thực của Hội.
"Phải phát huy vai trò của Hội Nông dân khi tham gia thực hiện các đề án, dự án phát triển kinh tế - xã hội ở nông thôn gắn với tuyên tuyền, vận động để đổi mới phương thức hoạt động; gắn công tác vận động với giải quyết tốt lợi ích thiết thân của hội viên, nông dân", Tổng Bí thư cho hay.