Một nam thanh niên 18 tuổi chết não hiến tạng, 7 đơn vị tạng đã được lấy và ghép cho 7 trường hợp tại Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và Thừa Thiên-Huế.
Đặc biệt, lá gan của người hiến được tách đôi để ghép cho hai người bệnh ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Đây cũng là lần đầu tiên, Bệnh viện Thống Nhất Thành phố Hồ Chí Minh vận động thành công một trường hợp hiến tạng sau khi chết não.
Thông tin về ca hiến tạng đặc biệt này, PGS.TS.BS Lê Đình Thanh, Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất, cho biết ngày 17/11, Bệnh viện tiếp nhận nam thanh niên tên N.P K., 18 tuổi, ngụ tại tỉnh An Giang, vào cấp cứu do bị chấn thương sọ não rất nặng, dập não, tụ máu màng cứng, hôn mê sâu.
Dù đã được các bác sỹ Bệnh viện Thống Nhất tích cực cấp cứu nhưng 4 ngày sau, nam thanh niên rơi vào tình trạng chết não tiềm năng. Chi hội vận động hiến ghép mô tạng của Bệnh viện Thống Nhất đã gặp gỡ gia đình vận động hiến tạng. Sau khi được giải thích kỹ, người thân của nam thanh niên đã đồng ý.
Bệnh viện Thống Nhất liên hệ Trung tâm điều phối ghép tạng quốc gia thành lập hội đồng đánh giá tình trạng chết não. Sau 3 lần hội chẩn, Hội đồng đánh giá bệnh nhân đã chết não hoàn toàn, các bác sỹ Bệnh viện Thống Nhất phối hợp cùng chuyên gia Trung tâm điều phối ghép tạng quốc gia, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh phẫu thuật lấy tạng ngày 24/11.
Ca phẫu thuật thành công, 7 đơn vị tạng đã được vận chuyển nhanh chóng đến các bệnh viện để ghép cho 7 người nhận, bao gồm: 2 quả thận ghép cho 2 bệnh nhân tại Bệnh viện Thống Nhất, 1 quả tim và 1 phần gan ghép cho 2 bệnh nhân tại Bệnh viện Việt Đức của Hà Nội, 1 phần gan được ghép cho bệnh nhân tại Bệnh viện Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh, 2 giác mạc được ghép cho 2 bệnh nhân tại Bệnh viện Trung ương Huế.
“Do lần đầu tiên đánh giá chết não và tiến hành lấy tạng từ người hiến nên chúng tôi đã kiểm tra rất kỹ, từ đánh giá lâm sàng, xét nghiệm cận lâm sàng và họp hội chẩn chuyên môn 3 lần. Chúng tôi phải đánh giá và họp đi họp lại nhiều lần bởi đây là sinh mạng của một con người. Chỉ đến khi các cuộc họp đều đi đến thống nhất là bệnh nhân đã chết não thì chúng tôi mới tiến hành lấy tạng”, PGS.TS.BS Lê Đình Thanh nhấn mạnh.
TS.BS Trần Công Duy Long, Phó Khoa Ngoại Gan Mật Tụy Ghép gan, Bệnh viện ĐH Y Dược TP HCM, cho biết đây là lần thứ 4 cả nước tách lá gan thành hai phần để ghép cho một bệnh nhi ở TP HCM và một bệnh nhân người lớn ở Hà Nội. Cách tách gan này giúp tiết kiệm nguồn tạng hiến, tăng cơ hội cứu sống nhiều bệnh nhân suy gan giai đoạn cuối.
Sau mổ ghép tạng, các bệnh nhân đều hồi phục tốt, chức năng các cơ quan ổn định. Cháu bé ghép gan có thể tự thở vào sáng hôm sau, hỏi han về bố mẹ. Thi thể người hiến tạng được bệnh viện hỗ trợ đưa về an táng tại quê nhà.
PGS.TS.BS Đồng Văn Hệ, Giám đốc Trung tâm điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người, cho biết, từ đầu năm đến nay, cả nước có gần 30 ca chết não hiến tạng, chủ yếu ở khu vực phía Bắc. Ông hy vọng thời gian tới có thêm nhiều ca hiến tạng ở khu vực phía Nam, cứu sống nhiều người.