Thử thách mới trong năm học mới
Phát biểu tại lễ khai giảng, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi chia sẻ: Ngày khai giảng năm học mới 2021-2022 là một ngày đặc biệt và có ý nghĩa trong hoàn cảnh đặc biệt. Thành phố đang trải qua những ngày khó khăn khi phải đối mặt với dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.
Suốt 3 tháng qua, Thành phố thực hiện giãn cách xã hội như một biện pháp tất yếu để khống chế dịch bệnh đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới tất cả các mặt đời sống xã hội, trong đó có hoạt động giáo dục.
Học sinh Thành phố bắt đầu năm học mới qua không gian mạng, phát thanh, truyền hình và kiên nhẫn thực hiện các biện pháp cần thiết để kiểm soát dịch bệnh, góp phần bảo vệ sức khỏe của bản thân, gia đình và xã hội.
“Cuộc sống luôn đặt ra thử thách để con người vượt qua và quyết tâm đi tới với muôn vàn khó khăn, chúng ta không chùn bước, không mất niềm tin. Chúng ta tin tưởng rằng, Thành phố sẽ vượt qua khó khăn, duy trì và tái lập những hoạt động thiết yếu, trong đó giáo dục là hoạt động đặc biệt quan trọng”, ông Mãi nhấn mạnh.
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cũng chúc mừng những thành quả đạt được của ngành giáo dục Thành phố trong năm học vừa qua; đồng thời kêu gọi cán bộ, thầy giáo, cô giáo tiếp tục phát huy lòng yêu nghề, sự năng động sáng tạo, kiên trì, góp phần xây dựng trường học thân thiện, trường học tích cực.
Hỗ trợ 75.000 học sinh không có điều kiện học trực tuyến
Bước vào năm học mới, ngành giáo dục TP.HCM gặp rất nhiều khó khăn, tất cả học sinh không được đến trường, mà phải “khởi động” năm học mới trên môi trường Internet…
Sở GD&ĐT TP.HCM cho biết, có khoảng 6.600 học sinh ở các cấp học là F0 đang thực hiện cách ly sẽ tham gia học trực tuyến qua mạng internet.
Do dịch bệnh Covid -19 đang diễn biến phức tạp, ngành giáo dục phải tăng cường thêm giáo viên tham gia chống dịch. Do đó, việc lên lớp giảng dạy trực tuyến, nhà trường sẽ có phân công các giáo viên khác.
Ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM cho biết: “Với những em học sinh có hoàn cảnh, cả gia đình F0, bố mẹ, người thân không qua khỏi, nhà trường sẽ phối hợp với thầy cô giáo có sự quan tâm đặc biệt, để các em quay lại học tập được tốt nhất”.
Ngành giáo dục TP.HCM cũng khuyến khích các lớp nào thuận tiện thì bắt đầu học, lớp nào khó khăn thì báo cáo để Thành phố có giải pháp hỗ trợ cho các em học sinh. Đối với cấp tiểu học thì ngày 8/9 các em tập trung và có gần 2 tuần làm quen với bạn bè, hướng dẫn các em lớp 1, 2 làm quen với môi trường học tập mới.
Theo thống kê của Sở GD&ĐT TP.HCM, số lượng các em học sinh ở các cấp học thiếu điều kiện học tập trên Internet khá lớn, khoảng 75.000 em. Trong đó học sinh tiểu học là 31.000 em, học sinh THCS là 22.000 em, học sinh THPT là 15.000 em.
Riêng đối với các em học sinh không có thiết bị học tập trên Internet, trên các trang web phòng giáo dục của trường đều có sách điện tử của Bộ GD&ĐT và có các video ghi hình bài giảng giúp các em tiếp cận nhanh với chương trình đào tạo năm học mới.
Theo Sở GD&ĐT TP.HCM, đối với các em lớp 1,2, Sở đã kết hợp với đài truyền hình tổ chức ghi hình các tiết dạy, đặc biệt là chọn lựa các thầy cô có nhiều kinh nghiệm giảng dạy.
Hiện nay, ngành giáo dục Thành phố đã tổ chức ghi hình được khoảng 10 tuần theo kế hoạch dạy trực tuyến hết học kỳ 1, xây dựng tiết học trên truyền hình và sẽ phát hình vào giữa tháng 9.