| Hotline: 0983.970.780

TP.HCM: Ách tắc lớn nhất là... thủ tục hành chính

Thứ Bảy 03/10/2020 , 17:12 (GMT+7)

Nhiều ý kiến cho rằng, ách tắc lớn nhất hiện nay ảnh hưởng đến hoạt động của các doanh nghiệp là thủ tục hành chính, TP.HCM cần tập trung tháo gỡ vấn đề này.

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong chủ trì buổi tọa đàm. Ảnh: TTBC TP.HCM.

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong chủ trì buổi tọa đàm. Ảnh: TTBC TP.HCM.

Lần đầu tiên kinh tế TP.HCM tăng trưởng dưới 1,2%

Ngày 3/10, UBND TP.HCM tổ chức Tọa đàm “Khôi phục và phát triển kinh tế TP.HCM trong bối cảnh diễn biến phức tạp của đại dịch Covid – 19 hiện nay”.

Theo Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong, lần đầu tiên kinh tế TP.HCM tăng trưởng dưới 1,2%; và lần đầu tiên có trên 27.000 doanh nghiệp giải thể và tạm ngưng hoạt động với số vốn đăng ký kinh doanh giảm hơn 140.000 tỷ đồng, làm giảm đi doanh số hoạt động sản xuất kinh doanh của Thành phố hơn 21.000 tỷ đồng.

Trong đó, du lịch chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh, hơn 1.300 doanh nghiệp lữ hành của Thành phố bị sụt giảm số lượng hành khách lẫn doanh thu, nhiều doanh nghiệp phải chuyển loại hình kinh doanh khác hoặc đóng cửa, kéo theo hàng loạt những tác động xã hội khác, nhất là tình trạng thất nghiệp đối với người lao động.

“Điều này đã cho thấy sự tác động của dịch bệnh là rất lớn, song cũng cho thấy sức sống mãnh liệt của các doanh nghiệp Thành phố, bởi lẽ đã có hơn 6.000 doanh nghiệp hoạt động trở lại, cùng với đó có hơn 30.000 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 696.000 tỷ đồng, trong đó có 579 doanh nghiệp thành lập mới có số vốn đăng ký trên 100 tỷ đồng”, ông Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh.

Theo ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hội doanh nghiệp TP.HCM, trải qua 2 đợt giãn cách xã hội, qua khảo sát có 5% doanh nghiệp đã chuyển về trạng thái hoạt động bình thường, 9% doanh nghiệp bắt đầu vượt qua khó khăn và 84% số doanh nghiệp nhỏ và vừa đang gặp khó khăn.

Ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hội doanh nghiệp TP.HCM. Ảnh: TTBC TP.HCM.

Ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hội doanh nghiệp TP.HCM. Ảnh: TTBC TP.HCM.

Một trong những khó khăn mà doanh nghiệp gặp phải trong thời điểm này là thiếu vốn kinh doanh, đứt chuỗi cung ứng nguyên liệu, thị trường bị thu hẹp; lao động cắt giảm, áp lực vi phạm hợp đồng, thủ tục hành chính…

Cũng theo Chủ tịch Hội doanh nghiệp TP.HCM, thì có 76% số doanh nghiệp được hỏi phản ảnh chưa tiếp cận được các chính sách nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp. Đối với kết quả này, Hiệp hội cho rằng, riêng chính sách hỗ trợ doanh nghiệp gia hạn nộp thuế, nộp tiền thuê đất đã được triển khai đến hầu hết các đối tượng có nợ thuế và nợ tiền thuê đất. Tuy nhiên, có 10% doanh nghiệp đã tiếp cận chính sách ngân hàng cơ cấu lại nợ, giãn nợ, hạ lãi suất cho vay; 5% doanh nghiệp đã tiếp cận chính sách tạm dừng đóng hưu trí, tử tuất.

“Chưa có thông tin doanh nghiệp nào được vay tiền không tính lãi hoặc tính lãi suất thấp để trả lương, giữ chân người lao động; chưa có doanh nghiệp nào được giảm các loại phí, lệ phí”, ông Chu Tiến Dũng nói.

Chủ tịch Hội Doanh nghiệp TP.HCM nhìn nhận, chính sách gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất đã triển khai đến hầu hết đối tượng thụ hưởng; tuy nhiên tiền thuế, tiền thuê đất nợ trong khoảng 3 tháng đầu năm 2020 trước khi có dịch Covid-19 chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ so với quy mô doanh nghiệp. Việc chậm các khoản này có ý nghĩa thiết thực trong lúc dòng tiền bị đứt gãy nhưng chưa phải là vấn đề quyết định cho sự tồn tại của doanh nghiệp.

 Mặt khác, chính sách về ngân hàng hỗ trợ doanh nghiệp tuy có những nỗ lực thực hiện nhưng các ngân hàng vẫn chủ yếu tập trung vào các khách hàng truyền thống, quen biết từ lâu, số khách hàng mới tiếp cận được là rất ít.

“Vấn đề mấu chốt nằm ở điều kiện cho vay và thủ tục cho vay chưa được thuận lợi đối với doanh nghiệp. Độ tin cậy an toàn khi cho vay chưa cải thiện được. Trông chờ lớn nhất của doanh nghiệp là được “bơm máu” từ ngân hàng, các điều kiện cần thuận lợi hơn”, ông Dũng nhấn mạnh.

Hỗ trợ doanh nghiệp 

Trong khi đó, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM Trần Hoàng Ngân cho rằng, đại dịch Covid-19 gây ra nguy cơ làm kinh tế toàn cầu chậm tăng trưởng. Bên cạnh đại dịch, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung càng khiến nền kinh tế thế giới đang đứng trước nguy cơ bị ảnh hưởng nặng nề hơn so với khủng hoảng kinh tế năm 2008. Do đó, các quốc gia cũng như Việt Nam cần đưa ra các hỗ trợ khẩn cấp.

"Đối với các gói hỗ trợ lần 1 cho doanh nghiệp, tỷ lệ thành công rất khiêm tốn. Chúng ta đã rút ra nhiều bài học liên quan đến thủ tục hành chính trong gói hỗ trợ lần 1 này, để làm sao chúng ta có gói hỗ trợ thứ 2 phù hợp hơn, triển khai nhanh, đúng mục tiêu, đúng trọng tâm để hỗ trợ sớm doanh nghiệp phục hồi, đặc biệt quan tâm đến đối tượng người lao động”, ông Ngân nhận định.

Tại buổi tọa đàm, nhiều ý kiến cho rằng, ách tắc lớn nhất hiện nay ảnh hưởng đến hoạt động của các doanh nghiệp là thủ tục hành chính. Vì vậy, Thành phố cần tập trung tháo gỡ vấn đề này.

Về kiến nghị giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, ông Chu Tiến Dũng cho rằng, TP.HCM cần quyết liệt đồng hành, chia sẻ rủi ro cùng doanh nghiệp để các gói hỗ trợ tới tay doanh nghiệp; xem xét điều chỉnh các điều kiện để các gói chính sách hỗ trợ được áp dụng linh hoạt, phù hợp với đặc điểm, nhu cầu của từng ngành nghề, quy mô, loại hình sản xuất kinh doanh; đẩy mạnh các chương trình kích cầu trong nước như du lịch, các chương trình chi tiêu mua sắm, các gói đầu tư công, mua sắm của nhà nước… để phát triển mở rộng tổng cầu thị trường trong nước.

Hỗ trợ doanh nghiệp hình thành các chuỗi sản xuất, cung ứng, liên kết nội địa, chuyển đổi nguồn cung cấp nguyên liệu, hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư tăng mạnh quy mô các nhà máy chế biến nông sản thay cho xuất khẩu thô nông sản. Hỗ trợ mạnh cho các DN công nghiệp hỗ trợ trong nước.

Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước cần sửa đổi Thông tư 01 theo hướng mở rộng đối tượng được hỗ trợ, cải thiện các điều kiện cho vay theo hướng đơn giản, thuận lợi cho doanh nghiệp, mở rộng hình thức cho vay tín chấp thông qua thẩm định phương án kinh doanh, quản lý nguồn thu và dòng tiền… Gia hạn thời gian nộp thuế, tiền thuê đất thêm thời gian lên 12 tháng cho doanh nghiệp và gia hạn chậm bảo hiểm hưu trí, tử tuất lên 6 tháng người lao động trong doanh nghiệp…

Riêng Gói hỗ trợ doanh nghiệp lần 2, ông Dũng kiến nghị Chính phủ chia ra làm 2 loại: Gói chính sách giải cứu, cứu trợ cần tức thì, nới lỏng điều kiện và thủ tục; Gói chính sách đồng hành hỗ trợ doanh nghiệp vực dậy sản xuất thì ngân hàng cần nhanh chóng thẩm định các điều kiện đảm bảo an toàn cho vay, khả năng trả nợ. Trên cơ sở đó đáp ứng đủ nhu cầu vay vốn để DN nhanh chóng phục hồi sản xuất, mở rộng quy mô sản xuất, chuyển đổi công nghệ…

Thông qua buổi tọa đàm, Chủ tịch UBND TP.HCM mong muốn, các doanh nghiệp, hiệp hội đồng hành cùng với Thành phố tìm ra những giải pháp căn cơ để thúc đẩy phát triển kinh tế trong dài hạn, nhất là tăng cường liên kết để 438.000 doanh nghiệp tạo thành một khối thống nhất, trở thành nhân tố quan trọng phục hồi kinh tế trong trạng thái bình thường mới.

Xem thêm
Công đoàn NN-PTNT Việt Nam phát động Tháng Công nhân và an toàn lao động

Sáng 24/4, tại Công đoàn NN-PTNT Việt Nam tổ chức phát động 'Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động và Tháng Công nhân năm 2024'.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Ngày hội lớn nhất trong năm của người Sán Chỉ tỉnh Quảng Ninh

Hội Soóng cọ là ngày hội lớn nhất trong năm của người Sán Chỉ (tỉnh Quảng Ninh), thu hút đông đảo người dân và du khách tham gia hưởng ứng.