| Hotline: 0983.970.780

Thứ Năm 30/07/2020 , 05:30 (GMT+7)
Lê Thiếu Nhơn

Lê Thiếu Nhơn

Nhà thơ 05:30 - 30/07/2020

Thêm giải pháp khác hỗ trợ doanh nghiệp thời Covid-19

Ngày 30/7, Tổng cục Thuế khép lại công tác tiếp nhận hồ sơ xin gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất, với kết quả không được như mong đợi.

Chưa đến 170 nghìn hồ sơ tham gia, trong tổng số 700 nghìn doanh nghiệp. Vì sao một giải pháp hỗ trợ kinh doanh thời Covid-19 lại ít thu hút doanh nghiệp?

Ngày 8/4, Chính phủ ban hành Nghị định 41 để các tổ chức và cá nhân kinh doanh có thể xin chậm nộp các loại thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất. Sau 3 tháng triển khai, chưa đến 1/3 hồ sơ đăng ký theo ước tính ban đầu của Bộ Tài chính.

Gia hạn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất, cũng là một cách tích cực giúp đối tượng kinh doanh có thể duy trì nguồn vốn để tái đầu tư và tái sản xuất trước cơn bão tàn phá của virus Corona.

Thế nhưng, với thị trường ảm đạm và trầm lắng những ngày căng mình chống dịch, thì hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp giảm sút nhiều so với năm 2019. Do đó, thuế giá trị gia tăng cũng như thuế thu nhập doanh nghiệp, hầu như không phát sinh.

Mặt khác, nếu có làm hồ sơ thì cũng chỉ kéo dài thời gian phải nộp thuế thêm vài tháng, nên nhiều doanh nghiệp không muốn dây dưa phiền phức với các loại giấy tờ. Trước sau gì cũng nộp, thì chẳng mấy ai quá mặn mà hay quá sốt ruột.

Có một thực tế phổ biến ở những đô thị lớn như Hà Nội và TP.HCM, đó là sự xuất hiện nhan nhản các tấm biển “trả mặt bằng” hoặc “cho thuê mặt bằng” tại những con phố vốn cực kỳ sầm uất.

Nghĩa là công việc làm ăn không còn thuận lợi, và khả năng chi tiền của người tiêu dùng đã xuống mức khá thấp. Có rất nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ, cũng như hộ kinh doanh đã đóng cửa hoặc phá sản, nên số lượng hồ sơ xin chậm nộp thuế theo Nghị định 41 mới ít ỏi như vậy.

Hệ lụy của đợt lây nhiễm Covid-19 khiến cả nước phải giãn cách xã hội vào tháng 4/2020 vẫn chưa được khắc phục, thì giờ đây đợt lây nhiễm mới có nguy cơ bùng phát. Chỉ áp dụng giãn cách xã hội đối với Đà Nẵng, nhưng sức ảnh hưởng của Covid-19 lại đang tác động đến nhiều địa phương trên toàn quốc. Rõ ràng, đời sống kinh tế sẽ gặp nhiều thách thức hơn trong thời gian tới.

Muốn khôi phục nền kinh tế sau Covid-19, cần có giải pháp hỗ trợ khác cho doanh nghiệp. Trước mắt, Quốc hội đã có nghị quyết giảm 30% thuế cho doanh nghiệp năm 2020, thì nên áp dụng sớm.

Bên cạnh đó, phải kỹ lưỡng đánh giá lại tính hiệu quả của gói hỗ trợ doanh nghiệp đã được thực hiện theo Chỉ thị 11 của Thủ tướng về nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19. Nhất là điều kiện tiếp cận nguồn vốn vay của doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Quan trọng hơn, sự tồn vong của doanh nghiệp luôn phụ thuộc vào thái độ của người tiêu dùng. Để kích hoạt thị trường thời Covid-19, không có cách nào khả thi hơn việc cởi bỏ tâm lý giữ chặt túi tiền của người tiêu dùng, mà giải pháp miễn thuế thu nhập cá nhân là con đường ngắn nhất.