| Hotline: 0983.970.780

TP.HCM chi 886 tỷ đồng hỗ trợ các đối tượng gặp khó bởi Covid-19

Thứ Sáu 25/06/2021 , 16:05 (GMT+7)

Người lao động mất việc, nghỉ không lương, bán hàng rong, vé số, bốc vác, thu gom rác, hộ kinh doanh, tiểu thương chợ truyền thống... sẽ được hỗ trợ từ số tiền này.

Bà Nguyễn Thị Lệ, Chủ tịch UBND TP.HCM. Ảnh: TTBC.

Bà Nguyễn Thị Lệ, Chủ tịch UBND TP.HCM. Ảnh: TTBC.

Trưa 25/6, HĐND TP.HCM đã thống nhất thông qua tờ trình về một số chế độ, chính sách đặc thù phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 và hỗ trợ người dân bị tác động bởi dịch Covid-19 trên địa bàn TP.HCM theo đề xuất của UBND TP.HCM.

100% đại biểu thông qua Nghị quyết, thống nhất chi khoảng 886 tỷ đồng từ nguồn ngân sách của TP.HCM để hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. 

Cụ thể, chính sách hỗ trợ tiền ăn: hỗ trợ tiền ăn cho người Việt Nam trong nước phải áp dụng biện pháp cách ly y tế tập trung là người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo theo quy định là 80.000 đồng/người/ngày. Số lượng dự kiến hỗ trợ là 10.000 người trong 180 ngày. Đây là những đối tượng quy định tại điểm b khoản 5 Điều 1 Nghị quyết 16 của Chính phủ.

Hỗ trợ tiền ăn cho người tham gia công tác phòng, chống dịch với mức 120.000 đồng/người/ngày. Mức hỗ trợ này áp dụng cho các đối tượng được quy định tại khoản 5, Điều 2, Nghị quyết 16 của Chính phủ và các lực lượng trực tiếp khác tham gia công tác phòng, chống dịch. Số lượng dự kiến hỗ trợ là 10.000 người trong 180 ngày.

Chính sách hỗ trợ cho người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương: 

Hỗ trợ 1,8 triệu đồng/người/lần. Số lao động dự kiến hỗ trợ là 80.000 người. Áp dụng cho người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh; cơ sở giáo dục dân lập, tư thục, cơ sở giáo dục công lập tự đảm bảo chi thường xuyên ở các cấp mầm non, mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, cơ sở giáo dục nghề nghiệp dân lập, tư thục (có trụ sở chính tại TP.HCM) có thời gian tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương trong thời hạn của hợp đồng lao động, từ 30 ngày liên tục trở lên, tính từ ngày 1/5/2021 đến hết ngày 31/12/2021 và thời điểm bắt đầu tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương trong khoảng thời gian từ ngày 1/5/2021 đến hết ngày 31/12/2021; đang tham gia BHXH bắt buộc tính đến thời điểm ngay trước khi tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương. 

Riêng đối với người lao động đang mang thai được hỗ trợ thêm 1 triệu đồng/người; người đang nuôi con chưa đủ 6 tuổi được hỗ trợ thêm 1 triệu đồng/trẻ em và chỉ hỗ trợ cho một người là mẹ hoặc cha hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng. Dự kiến kinh phí bổ sung thêm này là 15 tỉ đồng đối với 15.000 người thuộc diện này.

Chính sách hỗ trợ người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp:

Hỗ trợ 1.800.000 đồng/người (hỗ trợ 1 lần). Dự kiến hỗ trợ 20.000 người lao động làm việc tại các doanh nghiệp; cơ sở sản xuất, kinh doanh; cơ sở giáo dục dân lập, tư thục, cơ sở giáo dục công lập tự đảm bảo chi thường xuyên ở các cấp mầm non, mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, cơ sở giáo dục nghề nghiệp dân lập, tư thục (có trụ sở chính tại TP.HCM) chấm dứt hợp đồng lao động trong khoảng thời gian từ ngày 1/5/2021 đến ngày 31/12/2021; có tên trong danh sách tham gia BHXH bắt buộc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Riêng đối với người lao động đang mang thai được hỗ trợ thêm 1.000.000 đồng/người, người đang nuôi con chưa đủ 6 tuổi được hỗ trợ thêm 1.000.000 đồng/trẻ em chưa đủ 6 tuổi và chỉ hỗ trợ cho 1 người là mẹ hoặc cha, hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng. Dự kiến sẽ hỗ trợ 4.000 người. 

Chính sách hỗ trợ người lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) bị mất việc làm do ảnh hưởng của dịch Covid-19:

Dự kiến sẽ hỗ trợ 230.000 người, trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 15. Với mức 50.000 đồng/người/ngày, làm một trong sáu loại công việc sau như bán hàng rong, buôn bán nhỏ lẻ trên đường phố không có địa điểm cố định (buôn gánh bán bưng); thu gom rác, phế liệu; bốc vác, vận chuyển hàng hóa; bán vé số lưu động; tự làm hoặc làm việc tại các hộ kinh doanh trong lĩnh vực ăn uống, lưu trú, du lịch, chăm sóc sức khỏe (bao gồm cả bảo vệ); làm công việc thuộc các lĩnh vực ngành nghề phải tạm ngừng hoạt động theo chỉ đạo của UBND TP.HCM.

Họ là lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) bị mất việc làm, giảm sâu thu nhập hoặc không có thu nhập do thực hiện giãn cách xã hội để kiểm soát dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn TP.HCM; người lao động cư trú hợp pháp trên địa TP.HCM (trường hợp tạm trú phải có đăng ký tạm trú được cơ quan công an xác nhận) không có thu nhập hoặc có thu nhập thấp hơn 4.000.000 đồng/tháng (mức chuẩn cận nghèo của TP.HCM giai đoạn 2021-2025). 

Hỗ trợ hộ kinh doanh phải dừng hoạt động: Hỗ trợ trực tiếp bằng tiền với mức 2.000.000 đồng/hộ (hỗ trợ 1 lần) cho hộ kinh doanh thành lập theo Luật Doanh nghiệp và đang hoạt động (trừ hoạt động cho thuê nhà/mặt bằng phải dừng hoạt động theo yêu cầu của UBND TP.HCM để kiểm soát dịch bệnh Covid-19 (áp dụng khu vực thực hiện Chỉ thị số 16 ở Quận Gò Vấp, phường Thạnh Lộc, Quận 12 và các khu vực khác theo chỉ đạo của UBND TP.HCM). Dự kiến hỗ trợ khoảng 10.000 hộ.

Hỗ trợ thương nhân tại các chợ truyền thống: Hỗ trợ trực tiếp bằng tiền với mức hỗ trợ tương ứng 50% giá dịch vụ sử dụng diện tích bán hàng cho thương nhân tại chợ truyền thống (có điểm kinh doanh, quầy hàng, sạp hàng, ki ốt, cửa hàng được bố trí trong phạm vi chợ); có mã số thuế; thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính với đơn vị quản lý chợ và nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước, trừ trường hợp thương nhân là hộ kinh doanh. Thời gian hỗ trợ 6 tháng (từ tháng 7/2021 đến hết tháng 12/2021). Dự kiến sẽ hỗ trợ 59.976 điểm kinh doanh.

Đối với chợ hạng 1, hỗ trợ 300.000 đồng/điểm kinh doanh/tháng; chợ hạng 2: 210.000 đồng/điểm kinh doanh/tháng; chợ hạng 3: 150.000 đồng/điểm kinh doanh/tháng. 

Đây là chính sách đặc thù của TP.HCM nhằm hỗ trợ thương nhân tại các chợ truyền thống đang gặp rất nhiều khó khăn trong đại dịch.

Xem thêm
Trà Vinh kết thúc hoạt động 8 Đảng đoàn, 3 Ban cán sự Đảng

Tỉnh này đã họp bàn tinh gọn tổ chức bộ máy, kết thúc hoạt động 8 Đảng đoàn, 3 Ban cán sự Đảng và thành lập 2 Đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy.

Vượt thách thức, triển khai toàn diện công tác thủy lợi, nước sạch nông thôn

Mặc dù đối diện với nhiều khó khăn, thách thức trong năm 2024, nhưng Cục Thủy lợi đã triển khai thực hiện toàn diện công tác về thủy lợi, nước sạch nông thôn.

Khánh Hòa dự báo mưa lớn, nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất

Theo dự báo, từ đêm 23 - 25/12, tỉnh Khánh Hòa có mưa vừa, mưa to, cục bộ có nơi mưa rất to và dông, nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất…