Sáng 1/6, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình làm việc với TP.HCM về công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn.
Cùng tham dự có Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong; Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cùng đại diện các Bộ, ngành.
Báo cáo tại cuộc họp, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Tấn Bỉnh cho biết, qua điều tra xác minh các trường hợp có liên quan ca bệnh Hội truyền giáo phục hưng, đến nay TP.HCM có 200 ca mắc Covid-19 được Bộ Y tế công bố có liên quan đến Hội thánh truyền giáo phục hưng. "Đến 6 giờ ngày 1/6, Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM ghi nhận thêm 11 trường hợp có kết quả xét dương tính với virus SARS-CoV-2", ông Bỉnh thông tin.
Tại chuỗi lây nhiễm này, TP.HCM tiến hành lấy mẫu xét nghiệm 3.028 người (F1), 2.557 mẫu âm tính với virus SARS-CoV-2, 471 chờ kết quả; 15.200 người F2, xét nghiệm mở rộng 181.004 người, trong đó 67.619 mẫu âm tính SARS-CoV-2, 128.591 chờ kết quả.
Hiện tổng cộng 20/22 địa phương trên địa bàn TP.HCM có ca bệnh cư trú trên địa bàn, ngoại trừ quận 11 và huyện Cần Giờ. Các địa phương ghi nhận nhiều ca mắc Covid-19 gồm Gò Vấp (52 ca), quận 12 (23 ca), quận Bình Thạnh (22 ca), quận Tân Phú (22 ca), quận Tân Bình (22 ca).
"Các quận, huyện trên là những địa phương có dân số và mật độ dân số cao của TP.HCM. Đây là yếu tố nguy cơ cho dịch bệnh tiếp tục lây lan trong cộng đồng nếu không có biện pháp khoanh vùng dập dịch triệt để", ông Bỉnh cho hay.
Cũng theo ông Nguyễn Tấn Bỉnh, kết quả giải trình tự gene SARS-CoV-2 của 5 người bệnh đầu tiên trong ổ dịch liên quan Hội thánh truyền giáo phục hưng đều thuộc biến chủng Ấn Độ, B.1.617.2.
Hội thánh truyền giáo phục hưng có 55 người trực tiếp sinh hoạt thì đến nay đã có 40 người mắc Covid-19, từ đó lây lan ra thêm cho 160 người khác trong cộng đồng dân cư tại TP.HCM thông qua nơi làm việc, tiếp xúc gia đình và bạn bè.
Đặc biệt, một số ổ dịch là cơ sở lao động, có nhiều ca bệnh Covid-19 phát sinh từ người trực tiếp sinh hoạt trong Hội thánh truyền giáo phục hưng như Công ty TNHH Đầu tư dịch vụ Thiên Tú FN (số 1 Hoàng Việt, Tân Bình) 34 ca; Công ty TNHH phát triển giải pháp tầm nhìn IDS (quận Tân Phú) 9 ca; Trường Mầm non Kid Town (44 Dương Thị Giang, phường Tân Thới Nhất quận 12) 6 ca; Tòa nhà số 30 Đặng Văn Ngữ (quận Phú Nhuận) 4 ca; Công ty Concentrix trong Công viên phần mềm Quang Trung (quận Gò Vấp) 4 ca; Cửa hàng cà phê Trung Nguyên Legend (104 Phổ Quang, phường 2, Tân Bình) và trụ sở Bùi Thị Xuân (quận 1) 5 ca gồm 3 người cùng làm tại cửa hàng và 2 người tại trụ sở; Tòa nhà Công ty trên đường Nguyễn Du 2 ca.
Như vậy, ngoài sự lây nhiễm từ sinh hoạt tôn giáo thì nguy cơ lây nhiễm tại những nơi làm việc khá cao. Đáng kể là sự lây nhiễm trong các tòa nhà văn phòng, thường là môi trường kín, sử dụng máy lạnh trung tâm.
Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho rằng, với đặc điểm chủng virus SARS-CoV-2 lây nhanh, mạnh nên nguy cơ dịch tiếp tục lây lan trong TP.HCM là rất cao, do mức độ người dân đi lại và giao lưu, tiếp xúc trong lao động, học tập, sinh hoạt; thậm chí có thể lây lan đến các tỉnh thành lân cận, như bệnh nhân ở Long An là nhân viên khách sạn Sheraton (quận 1); một bệnh nhân khác sống ở Bình Dương nhưng lại bị lây nhiễm ở nơi làm việc là Công ty Concentrix thuộc công viên phần mềm Quang Trung; tại Công ty Thiên Tú là 34 người.
Về nguy cơ đối với các khu công nghiệp, ông Bỉnh cho biết, TP.HCM đã ghi nhận 3 ca bệnh làm việc trong 3 khu công nghiệp là Khu Công nghiệp Tân Bình (quận Tân Phú), Khu Công nghiệp Tây Bắc Củ Chi (huyện Củ Chi), Khu Công nghiệp Vĩnh Lộc (huyện Hóc Môn).
Tối 30/5, 1 trường hợp được phát hiện dương tính SARS-CoV-2 tại Long An, tuy nhiên bệnh nhân này là nhân viên làm việc ở Công ty Coats Phong Phú (phường Tăng Nhơn Phú B, quận 9, TP. Thủ Đức, TP.HCM) có 1082 người lao động. Đối với trường hợp này, đã xác định 146 người F1 cách ly tập trung và xét nghiệm. Số công nhân viên còn lại được Trung tâm y tế quận 9 lấy mẫu xét nghiệm tầm soát, còn công ty cũng đã tạm ngưng hoạt động lúc 22g ngày 30/5.