Tại buổi làm việc với đoàn công tác của Bộ Y tế ngày 31/1, TS-BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết, ngành y tế Thành phố tiếp tục tăng cường tiêm vacxin phòng Covid-19, đồng thời giám sát biến thể của SARS-CoV-2, sẵn sàng kích hoạt Bệnh viện dã chiến số 13 với 100 giường hồi sức trong 24 giờ để ứng phó với tình hình dịch Covid-19.
Theo TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, thời gian qua Đơn vị nghiên cứu lâm sàng của Trường Đại học Oxford (OUCRU) đóng tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM cũng cùng Viện Pasteur TP.HCM giải trình tự gene, nhằm kịp thời có giải pháp ứng phó dịch bệnh Covid-19.
Ngoài ra, OUCRU có 1 phòng an toàn sinh học cấp 3 đạt tiêu chuẩn an toàn sinh học quốc tế. Hàng năm, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đều kiểm tra xác nhận tính an toàn. Phòng an toàn sinh học cấp 3 nuôi cấy các loại virus như nuôi cấy vi trùng lao đa kháng, virus cúm… Trước đây, phòng thí nghiệm này cũng từng nuôi cấy các virus nguy cơ cấp độ cao như virus cúm, virus lao đa kháng.
Vì vậy, bác sĩ Châu kiến nghị, Bộ Y tế đồng ý cho OUCRU cùng Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM được tiến hành nuôi cấy virus SARS-CoV-2 trong phòng thí nghiệm. Hiện virus SARS-CoV-2 đã có trong cộng đồng, vì vậy khi nuôi cấy virus SARS-CoV-2 thì việc đánh giá miễn dịch trong cộng đồng sẽ tốt hơn.
"Vừa rồi, nghiên cứu đánh giá miễn dịch cộng đồng tại TP.HCM chủ yếu dựa vào nồng độ kháng thể và sử dụng một số kỹ thuật thay thế phản ứng trung hòa. Trong khi đó, phản ứng trung hòa là phản ứng chính xác nhất để đánh giá kháng thể bảo vệ. Để đảm bảo phản ứng trung hòa phải có virus sống trộn với huyết thanh. Nếu như kháng thể trong huyết thanh đủ bảo vệ thì sẽ ức chế virus", bác sĩ Châu nói.
Bác sĩ Châu cho biết, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vẫn xem đại dịch Covid-19 là mối quan ngại toàn cầu, đặc biệt liên tục xuất hiện biến thể mới của SAR-CoV-2. Hiện TP.HCM vẫn đang duy trì các giải pháp phòng chống dịch như tiếp tục bảo đảm công tác tiêm chủng các mũi nhắc vacxin phòng Covid-19; giám sát các biến thể có thể xuất hiện trong thời gian tới, đặc biệt là các chùm ca bệnh nặng. Đây cũng là lý do Sở Y tế TP.HCM khởi động lại Bệnh viện dã chiến 13 với quy mô 100 giường hồi sức.
Trước đó, Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho rằng, số người chết do Covid-19 vẫn gia tăng, phản ứng toàn cầu đối với cuộc khủng hoảng còn nhiều khó khăn. Hiện vacxin phòng Covid-19 vẫn đóng vai trò quan trọng trong việc cứu người, ngăn ngừa bệnh nặng và giảm bớt áp lực cho hệ thống y tế. Công tác giám sát trình tự gien để theo dõi sự phát triển của virus giảm mạnh, khiến giới khoa học khó nắm bắt các biến chủng mới.
Theo Bộ Y tế, kể từ đầu dịch đến ngày 30/1, Việt Nam có 11.526.497 ca nhiễm, đứng thứ 13/230 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 117/230 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 116.484 ca nhiễm).
Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 43.186 ca, chiếm tỷ lệ 0,4% so với tổng số ca nhiễm. Tổng số ca tử vong xếp thứ 26/230 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 139/230 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 7/49 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 21/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 3 ASEAN). Tổng số liều vacxin phòng Covid-19 đã được tiêm là 266.095.661 liều.