Kiểm tra heo thịt tại chợ Phú Lâm |
Bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng BQL ATTP TP.HCM cho biết, hiện TP.HCM có 239 chợ truyền thống, 207 siêu thị, 43 trung tâm thương mại và 1.100 cửa hàng tiện lợi. Tuy nhiên, các mặt hàng thực phẩm cung ứng cho nhu cầu hàng ngày của người dân vẫn chủ yếu đến từ các chợ truyền thống. Trên thực tế, việc kiểm soát cũng như ý thức của người bán và người mua trong vấn đề ATTP tại chợ truyền thống còn nhiều hạn chế.
Trưởng ban quản lý chợ Phú Lâm thông tin, Phú Lâm là chợ thí điểm ATTP có quy mô 410 sạp hàng nhưng hiện chỉ có 242 sạp đang kinh doanh, trong đó 29 sạp kinh hoanh thịt heo. Để xây dựng mô hình thí điểm chợ ATTP, UBND quận 6 đã đầu tư cơ sở vật chất chợ khang trang, sạch đẹp, đồng thời liên tục tổ chức các lớp tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm cho tiểu thương. Bên cạnh đó, Ban quản lý chợ liên tục kiểm tra, nhắc nhở tiểu thương tuân thủ các quy định về đảm bảo ATTP, nhất là các mặt hàng tươi sống.
Qua quá trình khảo sát chợ, bà Phạm Khánh Phong Lan yêu cầu Ban Quản lý chợ Phú Lâm phối hợp với địa phương mạnh tay xử lý chợ tự phát ăn theo chợ truyền thống, đồng thời kêu gọi người dân “tẩy chay”, không mua thực phẩm ở chợ tự phát.
“Để đảm bảo các chợ thực hiện đúng các tiêu chí của chợ ATTP, chúng tôi sẽ liên tục kiểm tra đột xuất, có những xử lý, điều chỉnh kịp thời khi phát hiện vi phạm”, bà Lan khẳng định.
Tiểu thương kinh doanh heo thịt tại chợ |
Cũng theo bà Lan, dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) đang diễn biến phức tạp, tâm lý người dân hoang mang cũng là điều bình thường. “Với tư cách là người quản lý và với tất cả các kiến thức, tôi khẳng định một điều là DTLCP không gây bệnh cho người, nhiều người nhầm cho rằng ăn thịt lợn bị DTLCP sẽ gây dịch tả cho người là không đúng. Virus này chỉ gây xuất huyết cho lợn đi kèm với tả. Tôi cho rằng, người dân khi chọn mua thịt heo nên chọn ở địa điểm uy tín, không ham rẻ mà mua thịt kém chất lượng, thịt không rõ nguồn gốc xuất xứ, khi chế biến phải đúng và hợp vệ sinh. Bởi nếu mua phải thịt heo trôi nổi, dù không có DTLCP thì cũng có nguy cơ mắc những bệnh khác. Người tiêu dùng hãy tự bảo vệ mình, bảo vệ gia đình mình.
Hiện nay chúng tôi đã yêu cầu tiểu thương các chợ phải cung cấp đủ hồ sơ, sổ sách hàng hóa để từ đó có thể truy xuất xuất xứ sản phẩm. Đó chính là bằng chứng để truy xuất nguồn gốc, đảm bảo hàng hóa cung ứng ra thị trường đảm bảo VSATTP khi đưa đến tay người tiêu dùng”, bà Lan nhấn mạnh.
Hiện TP.HCM thực hiện mô hình thí điểm chợ ATTP được xây dựng dựa trên 3 tiêu chí: điều kiện cơ sở vật chất, điều kiện vệ sinh của chợ; kiến thức và trách nhiệm của tiểu thương và kiểm soát toàn bộ nguồn gốc của thực phẩm mua bán tại chợ.
Theo BQL ATTP TP.HCM, năm 2019, TP.HCM bắt đầu nhân rộng mô hình này tại 24/24 quận, huyện; trong đó mỗi địa phương chọn ra một chợ để thực hiện thí điểm, sau đó sẽ nhân rộng ra tất cả các chợ trên địa bàn thành phố.