| Hotline: 0983.970.780

Nam Bộ ứng phó ngập lụt, triều cường cuối năm

Thứ Bảy 03/12/2022 , 15:23 (GMT+7)

Những tháng cuối năm 2022, bão/ATNĐ và mưa lũ lớn, triều cường dự báo vẫn diễn biến phức tạp, nguy cơ gây ngập lụt, ảnh hưởng tới các tỉnh Nam bộ.

Nhiều khu vực có nguy cơ ngập lụt

Theo nhận định của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, những ngày đầu tháng 12/2022, Trung bộ, Tây Nguyên và Nam bộ có khả năng xuất hiện một đợt mưa to trên diện rộng. Khoảng từ 1 - 3/12, trên khu vực phía Nam Biển Đông có khả năng xuất hiện vùng áp thấp có khả năng mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) với xác suất 65 - 75% và khả năng mạnh lên thành bão với xác suất 15 - 25%.

trieu cuong thang 10

Triều cường gây ngập ở Cần Thơ vào cuối tháng 10/2022. Ảnh: Sơn Trang.

Như vậy, có thể thấy, vào những ngày cuối cùng của năm, nguy cơ mưa to gây ngập lụt bởi ảnh hưởng từ ATNĐ ở Nam bộ vẫn đang khá lớn. Không những thế, các tỉnh, thành phố ở Nam bộ, nhất là khu vực ĐBSCL vẫn đang phải đối mặt với những đợt triều cường lớn vào cuối năm, mà mới đây là đợt triều cường cuối tháng 11 và sắp tới là đợt triều cường cuối tháng 12.

Viện Quy hoạch Thủy lợi Miền Nam dự báo từ nay đến cuối năm, triều cường ở mức cao nên sẽ có nguy cơ xảy ra ngập úng trên những vùng thấp trũng thuộc vùng giữa và vùng ven biển ĐBSCL, đặc biệt là trong trường hợp triều cường kết hợp mưa lớn.

Khu vực Đông Nam bộ cũng đang trong mùa mưa lũ, cần đề phòng tình trạng ngập lụt nếu có mưa lớn xảy ra, nhất là khi các hồ chứa ở thượng lưu xả lũ, kết hợp triều cường..., đặc biệt là ở các khu vực gồm: Vùng dọc sông Sài Gòn đoạn qua tỉnh Bình Dương, TP.HCM (khu vực hạ du hồ Dầu Tiếng); vùng ven sông Đồng Nai đoạn chảy qua địa bàn huyện Tân Phú, Định Quán, Vĩnh Cửu (tỉnh Đồng Nai); khu vực hạ du sông Buông đoạn qua huyện Trảng Bom và TP Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai); sông Thị Tính đoạn qua phường Mỹ Phước (Thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương); khu vực ven Suối Rạt (TP Đồng Xoài và huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước).

Ông Vũ Quốc Việt, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Thủy lợi Đồng Nai cho biết, theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Đồng Nai, từ nay đến hết năm 2022 còn có khả năng xẩy ra khoảng 2 - 4 cơn bão/ATNĐ trên khu vực Biển Đông và khả năng có 1 - 2 cơn bão/ATNĐ ảnh hưởng đến nước ta.

Empty

Mưa lớn kết hợp triều cường và xả lũ hồ chứa thường gây ngập lụt nghiêm trọng trên diện rộng tại TP.HCM. Ảnh: Thanh Sơn.

Tổng lượng mưa trên khu vực hầu hết cao hơn trung bình nhiều năm (TBNN) cùng thời kỳ, trong đó, tháng 12/2022 tổng lượng mưa cao hơn TBNN; thời kỳ kết thúc mùa mưa muộn hơn TBNN (khoảng đầu tháng 12/2022). Vì vậy, Đồng Nai cần chủ động đề phòng các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như dông, sét, tố, lốc vào cuối mùa mưa.

Không chỉ đối mặt với ngập lụt, các tỉnh Nam bộ cũng có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi hạn hán, xâm nhập mặn trong những tháng cuối năm nay. Cũng theo Viện Quy hoạch Thủy lợi Miền Nam, nguy cơ xuất hiện tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn trong mùa khô 2022 - 2023 vẫn có khả năng xảy ra nhưng không căng thẳng như các năm 2016 và năm 2020.

Chủ động ứng phó lũ lụt, triều cường

TP.HCM là một trong những địa phương ở Nam bộ thường xuyên phải đối mặt với nhiều rủi ro từ thiên tai như ATNĐ, mưa lớn, xả lũ, ngập lụt, triều cường… Để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, trong năm nay, TP Thủ Đức và các quận, huyện trên địa bàn Thành phố đã triển khai nhiều công việc quan trọng, nổi bật là đã cơ bản hoàn tất việc xây dựng, kiện toàn lực lượng xung kích phòng chống thiên tai cấp xã, phát huy hiệu quả trong công tác ứng phó tại chỗ ngay giờ đầu khi có tình huống thiên tai xảy ra.

Ông Nguyễn Xuân Hoàng, Phó Trưởng ban Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự - Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP.HCM cho biết, trên địa bàn Thành phố hiện đã có 287 đội xung kích phòng chống thiên tai cấp xã với tổng số thành viên gần 18 nghìn người.

ngap lut

Ngập lụt do triều cường ở Nam bộ. Ảnh: Sơn Trang.

Để ứng phó hiệu quả với mưa lớn, ngập lụt, triều cường… và các thiên tai khác trong những tháng cuối năm, TP.HCM đã yêu cầu các địa phương, đơn vị trên địa bàn tiếp tục tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên theo dõi tình hình thời tiết, thiên tai, nhất là bão, ATNĐ, triều cường để kịp thời triển khai các phương án, biện pháp và giải pháp chủ động phòng, chống, ứng phó thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và khắc phục hậu quả khi có sự cố xảy ra.

Trước những đợt triều cường lớn, Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự - Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP.HCM đều có văn bản đề nghị UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện thông báo thường xuyên trên các phương tiện truyền thông về diễn biến của đợt triều cường cho nhân dân địa phương biết để chủ động ứng phó; chủ động tổ chức kiểm tra, rà soát bờ bao, cống, cửa van ngăn triều xung yếu và chuẩn bị vật tư (cừ tràm, lưới B40, vải bạt, bao tải đất, cát…) để kịp thời xử lý, gia cố bờ bao xung yếu ngay từ giờ đầu theo phương châm “4 tại chỗ”, không để xảy ra tình trạng vỡ, tràn bờ bao, sự cố cửa van gây ngập úng, ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt và sản xuất của nhân dân.

Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự - Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP.HCM cũng đã đề nghị Công ty TNHH MTV Khai thác Thủy lợi Miền Nam phối hợp và kịp thời đề xuất Ban trong việc vận hành hồ Dầu Tiếng nhằm đảm bảo an toàn công trình và giảm ngập lụt cho hạ du, tránh tổ hợp bất lợi do triều cường, mưa lớn kết hợp xả lũ.

Empty

Cuộc sống người dân ở TP.HCM bị đảo lộn do triều cường. Ảnh: Thanh Sơn.

Đồng Nai là tỉnh có nhiều hồ chứa. Để đề phòng nguy cơ lũ lụt trên địa bàn, Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Thủy lợi Đồng Nai đã đề nghị Phòng NN-PTNT/Kinh tế huyện Cẩm Mỹ, Trảng Bom, Vĩnh Cửu, TP Long Khánh chủ động phối hợp với đơn vị quản lý khai thác công trình thủy lợi (CTTL) theo dõi, yêu cầu đơn vị quản lý công trình nghiêm túc thực hiện điều tiết mực nước các hồ chứa bảo đảm dung tích phòng lũ tại các hồ: Giao Thông, Suối Đôi, Suối Ran, Thanh Niên, Bà Hào, Cầu Dầu, Suối Tre... trong mùa mưa lũ.

Đồng thời kiểm tra, đôn đốc đơn vị quản lý khai thác CTTL tổ chức triển khai thực hiện các quy định của nhà nước về quản lý an toàn đập, hồ chứa nước như: Quy trình vận hành, phương án bảo vệ, quy chế phối hợp; kiểm định an toàn đập; phương án phòng chống lụt bão vùng hạ du đập và các nội dung liên quan khác.

Với ĐBSCL, trước diễn biến phức tạp của mưa, triều cường và nguy cơ hạn hán, xâm nhập mặn trong những tháng cuối năm, Viện Quy hoạch Thủy lợi Miền Nam kiến nghị các tỉnh ven biển cần đề phòng triều cường dâng cao, gia cố hệ thống đê bao, bờ bao xung yếu bảo vệ sản xuất. Các tỉnh cần xây dựng kế hoạch xuống giống sớm ở những khu vực lũ đã rút nhằm tránh lấy nước tập trung vào thời kỳ căng thẳng.

Các hệ thống thủy lợi khép kín như: Hệ thống thủy lợi vùng Tứ giác Long Xuyên, Nam Mang Thít, Gò Công, U Minh Thượng, U Minh Hạ, Quản Lộ – Phụng Hiệp, Bến Tre, Cần Đước – Cần Giuộc... cần theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa và nguồn nước trên sông Mê Kông để vận hành các công trình nhằm tăng cường trữ nước trên hệ thống.

Các tỉnh cần tiến hành rà soát các vị trí đắp đập tạm, tu bổ các công trình thủy lợi nhằm tăng cường lấy và trữ nước ở các khu vực có nguy cơ bị mặn xâm nhập trong mùa kiệt. Đồng thời, các địa phương cần theo dõi chặt chẽ các thông tin dự báo từ các tổ chức như MRC, Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương, Đài Khí tượng thủy văn tỉnh, Dự báo nguồn nước vùng ĐBSCL của Viện Quy hoạch Thủy lợi Miền Nam... để kịp thời xây dựng kế hoạch ứng phó phù hợp.

Xem thêm
Việt Nam chưa đủ thông tin đánh giá tác động của dự án Funan Techo

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng khẳng định Việt Nam chưa đủ thông tin để có thể đánh giá tác động của dự án Funan Techo.

Cảnh báo tình trạng xả nước thải ao tôm ra môi trường

Bạc Liêu cảnh báo tình trạng xả nước thải liên tục từ các ao nuôi tôm ra môi trường, nhất là các hộ nuôi tôm siêu thâm canh.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Cựu binh Đồi A1 & ký ức 'máu trộn bùn non'

Tròn 70 chiến thắng Điện Biên Phủ nhưng những đồng đội, những nắm cơm, những chiến hào 'máu trộn bùn non'… vẫn còn mãi trong tâm trí nhà giáo ưu tú Đỗ Ca Sơn.

Bình luận mới nhất

Trong bài này, tác giả (sau đây xưng là Nattoi) để cập chủ yếu 03 vấn đề, trong đó chủ yếu tập trung cho giải quyết vấn đề số 1, hai vấn đề còn lại chỉ được nhắc đến: Một: Phương pháp thiết kế điều tiết lũ hiện hành chưa đưa thông số mực nước an toàn ở hạ du vào tính toán nên yêu cầu phòng chống lũ cho hạ du chưa được đảm bảo và không có tiêu chí để xác định hiệu quả vận hành giảm lũ. Vấn đề này đã được Nattoi giải quyết cả về mặt lý thuyết và thực hành (trình bày ở mục 3.4). Hai: Tiêu chí xác định MNCNTL, MNTNĐL không được công khai, minh bạch, làm cho việc kiến nghị điều chỉnh hạ thấp 2 mực nước đối với các hồ chứa thủy điện nhằm tăng dung tích trống phòng lũ là điều bất khả. Về vấn đề này (trình bày tại Mục 3.1), Nattoi chưa nêu cụ thể phương án giải quyết là để tập trung nội dung vào vấn đề số 1 như đã nêu, nhưng hướng giải quyết là đã có. Ba: Vấn đề bán con trâu mà tiếc sợi dây thừng: Thiết kế xây dựng đập, hồ chứa nước được tính toán an toàn ổn định lật, trượt đến mực nước lớn nhất thiết kế và kiểm tra với mực nước lớn nhất kiểm tra, cho phép giữ mực nước hồ không vượt quá mực nước lớn nhất kiểm tra nhưng lại chỉ cho phép sử dụng dung tích trống phòng lũ đến mực nước dâng bình thường là sự lãng phí ghê gớm trong đầu tư xây dựng và quản lý an toàn đập, hồ chứa nước. Hướng giải quyết vấn đề số 3 (trình bày tại Mục 3.2) vốn là tự nhiên đã có nhưng không được sử dụng vì không nghĩ đến giảm lũ cho hạ du.
+ xem thêm