Số trẻ khám và nhập viện tại các Bệnh viện (BV) Nhi đồng 1, 2 và BV quận Thủ Đức đều tăng so với cùng kỳ năm 2017.
![]() |
Ảnh: N.T |
Theo thống kê tại BV Nhi Đồng 2 vào ngày 25/9 số ca mắc tay chân miệng (TCM) khám ngoại trú là 6.986 lượt, điều trị nội trú là 644 lượt. BS Huỳnh Minh Thu, Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp cho biết, từ đầu năm đến nay, BV Nhi đồng 2 điều trị cho 1.094 trẻ bị TCM, riêng trong tháng 8, số ca đến khám là 1.010 ca (tăng 41,46% so với tháng 7). Trung bình mỗi tuần, BV Nhi đồng 2 đã tiếp nhận khoảng 300 ca đến khám và hơn 100 ca nhập viện điều trị.
BS Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm BV Nhi đồng 1 cho biết: “Khoảng 3 tuần nay, số bệnh nhi mắc TCM tăng đột biến. Tại khoa Nhiễm ngày 26/9 có 179 ca, trong đó có 25-30 ca nặng, có 10 bệnh nhi phải thở máy và 4-5 bé phải lọc máu”. Cũng theo BS Khanh, 50% trẻ mắc TCM do vi rút EV71, đặc tính của loại vi rút này là lây lan rất nhanh và diễn tiến nặng, sốt cao, có thể bị các biến chứng như thần kinh, tim mạch, phù phổi, sốc, suy tim và tử vong nhanh.
Còn tại BV quận Thủ Đức trong tháng 9/2018 có 26 ca nội trú (cùng kỳ năm 2017 là 25 ca), 751 ca ngoại trú (cùng kỳ năm 2017 là 507 ca),.
Để phòng chống bệnh TCM, Sở y tế TP.HCM cũng đã chỉ đạo các đơn vị y tế tăng cường giám sát các nhà trẻ, nhóm trẻ để truyền thông, hướng dẫn các biện pháp kiểm soát bệnh trong trường lớp. TCM là bệnh chưa có vắc xin dự phòng, nên việc phòng bệnh cho bản thân cũng như trẻ nhỏ trong gia đình phụ thuộc phần lớn vào ý thức tự giác của mỗi người.