| Hotline: 0983.970.780

TP.HCM tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16 với biện pháp mạnh đến ngày 1/8

Thứ Sáu 23/07/2021 , 15:37 (GMT+7)

Thông tin được đưa ra chiều 23/7 tại Hội nghị sơ kết 15 ngày thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ trên toàn TP.HCM.

Hội nghị sơ kết 15 ngày thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ trên toàn TP.HCM diễn ra chiều 23/7. Ảnh: TTBC.

Hội nghị sơ kết 15 ngày thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ trên toàn TP.HCM diễn ra chiều 23/7. Ảnh: TTBC.

Tham dự có Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên.

Báo cáo về kết quả sơ kết thực hiện 15 ngày thực hiện Chỉ thị 16, ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM nhìn nhận, mặc dù Thành phố đã cố gắng kiểm soát tình hình dịch trên địa bàn nhưng số ca nhiễm vẫn còn tăng cao; đa số là tại các khu phong tỏa, cho thấy việc quản lý tại các khu phong tỏa còn chưa chặt chẽ, bộc lộ một số hạn chế.

Việc triển khai các giải pháp theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ có nơi có lúc chưa hiệu quả, thống nhất, chưa đủ mạnh trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp trên địa bàn TP.HCM.

Bên cạnh đó, vẫn còn tình trạng đưa thông tin xấu, bịa đặt, gây hoang mang, dư luận ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch.

Chuỗi cung ứng bị khó khăn dẫn đến chi phí vận chuyển hàng từ các tỉnh về TP.HCM tăng, đồng thời việc ngưng hoạt động ba chợ đầu mối dẫn đến kênh tiếp cận hàng của các tiểu thương khó khăn nên giá cả biến động tăng mạnh tại một số điểm bán.

Việc thực hiện của các doanh nghiệp đối với mô hình vừa sản xuất, vừa cách ly người lao động tại chỗ với phương châm “3 tại chỗ”: sản xuất tại chỗ - ăn tại chỗ - nghỉ ngơi tại chỗ hoặc thực hiện được phương châm “1 cung đường - 2 địa điểm” còn gặp một số vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện, hầu hết các doanh nghiệp đều đáp ứng được các yêu cầu theo quy định.

Tuy nhiên, khi tổ chức vừa sản xuất vừa cách ly, một số lao động ban đầu đồng thuận, nhưng sau đó lại không muốn tham gia; có tình trạng một số trường hợp chủ doanh nghiệp không thực hiện cùng ăn, cùng ở với công nhân mà vẫn đi về hàng ngày; điều này được xác định là mối nguy cơ lây lan dịch bệnh.

Việc hỗ trợ cho các đối tượng còn hạn chế do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, TP.HCM đang áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch, hạn chế việc đi lại, nhiều khu vực bị cách ly, phong tỏa, các quận, huyện phải tăng cường nhân lực để vừa đảm bảo nhiệm vụ phòng, chống dịch vừa đảm bảo công việc chuyên môn nên tiến độ chi hỗ trợ thời gian đầu gặp nhiều khó khăn.

Nhiều chủ sử dụng lao động phải tạm thời đóng cửa, ngừng hoạt động trong thời gian giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19 nên việc lập danh sách đề nghị hỗ trợ lao động tự do còn chậm.

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức. Ảnh: TTBC.

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức. Ảnh: TTBC.

Về phương hướng trong thời gian tới, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức cho biết, TP.HCM sẽ tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ đến ngày 1/8 với các giải pháp mạnh hơn nữa nhằm kiểm soát, đẩy lùi dịch bệnh, theo hướng phong tỏa, kiềm chế tốc độ lây lan của dịch; giữ vững, mở rộng vùng an toàn và kiểm soát sự lây lan vùng nguy cơ cao với mục tiêu hạ thấp số ca nhiễm mới và tập trung điều trị các bệnh nhân nặng, giảm tỷ lệ tử vong.

Trong đó, thu hẹp diện các nhóm đối tượng hoạt động trong thời gian thực hiện cách ly toàn TP.HCM. Tạm dừng các hoạt động sản xuất kinh doanh và hoạt động của các công trường, công trình xây dựng, giao thông chưa thật sự cấp bách.

Ngân hàng, chứng khoán bảo đảm hoạt động mức độ duy trì công suất để cung ứng kịp thời dịch vụ cần thiết, riêng đối với các chi nhánh hoặc phòng giao dịch, có thể hoạt động luân phiên, bố trí nhân sự làm việc trực tiếp theo ca kíp, thực hiện nghiêm giãn cách.

Chỉ những doanh nghiệp dịch vụ thiết yếu về y tế, dược phẩm, lương thực, thực phẩm, cung cấp suất ăn cho các bệnh viện, khu cách ly, khu thu dung điều trị; cung cấp điện, nước, gas, bưu chính, viễn thông, vệ sinh công cộng, vận chuyển hàng hóa thiết yếu; kho bạc nhà nước, dịch vụ tang lễ và một số dịch vụ thiết yếu khác do cấp có thẩm quyền quy định được hoạt động theo yêu cầu phục vụ và bảo đảm an toàn.

Các doanh nghiệp sản xuất khác chỉ được phép hoạt động với điều kiện phải bảo đảm an toàn; kiên quyết dừng ngay lập tức và xử phạt nghiêm đối với các trường hợp hoạt động không bảo đảm các yêu cầu công tác phòng, chống dịch. Cơ quan nhà nước tổ chức làm việc luân phiên cách ngày hoặc buổi trong ngày tại cơ quan.

Huy động các tổ chức chính trị - xã hội từ Thành phố đến cơ sở tiếp tục vận động các nguồn lực, kịp thời chăm lo cho người dân, nhất là các hoàn cảnh khó khăn, yếu thế.

Về công tác đảm bảo nguồn lương thực, thực phẩm, tổ chức hoạt động trở lại các chợ truyền thống đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh, chỉ được phép hoạt động theo mô hình mới, có quy định nghiêm ngặt và kiểm soát chặt chẽ, bảo đảm không gian mở, thoáng (có thể sử dụng mặt đường làm nơi họp chợ), có màng ngăn giữa người mua và bán, niêm yết giá và khuyến khích bán hàng vào túi sẵn, thực hiện nghiêm giãn cách; chỉ cho phép kinh doanh lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu và giảm quy mô còn khoảng 30%; các hộ kinh doanh hoạt động luân phiên theo ngày chẵn - lẻ để giảm tối đa lượng người tương tác. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để quản lý chợ và tiểu thương.

Đồng thời, triển khai giải pháp thiết lập điểm tập kết và trung chuyển hàng hóa tạm thời gần các chợ đầu mối nhằm điều tiết, lưu thông hàng hóa từ các tỉnh về TP.HCM.

Ông Đức cũng cho biết, trong thời gian tới tiếp tục siết chặt công tác quản lý các khu cách ly, khu phong tỏa, không để xảy ra lây nhiễm chéo trong khu phong tỏa. Tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc thực hiện nghiêm các quy định về giãn cách, nhất là việc bảo đảm giãn cách giữa cá nhân với cá nhân; gia đình với gia đình; thực hiện nghiêm yêu cầu, quy định cách ly, phong tỏa, “nhà cách ly với nhà, người cách ly với người”.

Yêu cầu các địa phương tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra, kiểm soát trong khu phong tỏa với sự tham gia của lực lượng công an, quân đội, thanh niên xung phong; phát huy vai trò của đoàn viên, hội viên các đoàn thể chính trị xã hội, hoạt động của Tổ giám sát và tuyên truyền phòng, chống COVID-19 tại cộng đồng tham gia kiểm soát chặt chẽ khu phong tỏa.

Trường hợp vi phạm thì phải xử lý thật nghiêm; nơi nào vẫn để tiếp diễn tình trạng tụ tập, vi phạm giãn cách dẫn đến lây nhiễm thì sẽ xử lý trách nhiệm người đứng đầu địa phương nơi đó.

Hướng dẫn cụ thể việc thực hiện cách ly tại nhà đối với F1 và F0 không có triệu chứng. Khắc phục vướng mắc hiện nay trong việc phối hợp điều chuyển F0, F1 trong quá trình cách ly và điều trị. Theo đó, hướng dẫn rõ công tác vận chuyển, phối hợp giữa các khu cách ly và bệnh viện điều trị khi “F1 chuyển thành F0” và “F0 không triệu chứng thành F0 có triệu chứng nặng”...

Tính đến nay, TP.HCM có 46.178 ca mắc Covid-19, trong đó từ ngày 9/7 đến 23/7 có 40.255 ca nhiễm, chủ yếu ghi nhận là tại khu cách ly, khu phong tỏa. Hiện đang điều trị 36.569 trường hợp dương tính mới, trong đó có 562 bệnh nhân nặng đang thở máy, 11 bệnh nhân can thiệp ECMO. Trong ngày 22/7 có 2.046 bệnh nhân xuất viện.

Xem thêm
Ông Đinh Thế Huynh nhận huy hiệu 50 năm tuổi Đảng

Trao quyết định và tặng hoa, ông Trần Cẩm Tú chúc mừng ông Đinh Thế Huynh đón nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng - phần thưởng cao quý của Đảng.

Trang bị kỹ năng tận dụng phụ phẩm nông nghiệp cho nông dân

Trung tâm Khuyến nông Tây Ninh vừa tổ chức lớp tập huấn về 'Quy trình sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng từ phụ phẩm nông nghiệp địa phương'.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Xúc tiến, quảng bá, kết nối du lịch Đồng bằng sông Cửu Long

Đồng bằng sông Cửu Long từ lâu đã nổi tiếng là vùng đất bình yên của những người dân chất phác, thân thiện với phong cảnh thiên nhiên hữu tình, thơ mộng.