Theo ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM, khảo sát hơn 500 doanh nghiệp trên địa bàn TP.HCM, quý 1/2023 nhu cầu tuyển dụng là hơn 14.300 lao động, trong đó lĩnh vực may mặc, da giày (khu vực gia công) xấp xỉ 5.000 lao động; cơ điện tử 2.200 lao động; hóa nhựa khoảng 500 lao động và còn lại là các lĩnh vực khác. “Như vậy, trong quý 1/2023, các lĩnh vực khởi động lại sau Tết khá tốt”, ông Lâm nói.
Liên quan đến các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp tuyển dụng lao động, ông Nguyễn Văn Lâm cho biết, Sở LĐ-TB&XH TP.HCM liên tục tổ chức các phiên, sàn giao dịch việc làm trực tiếp và tực tuyến.
“Ngay chiều mai, trên địa bàn TP Thủ Đức sẽ tổ chức sàn lao động với khoảng gần 500 bộ đội xuất ngũ tham gia. Chúng tôi sẽ tổ chức sàn giao dịch việc làm lớn chung cho toàn thành phố tại các Trung tâm dịch vụ việc làm trên địa bàn. Một tuần nữa, sau khi giao quân xong, Sở sẽ mở sàn giao dịch việc làm chuyên đề cho bộ đội xuất ngũ”, ông Lâm cho hay.
Bên cạnh đó, Sở đã chỉ đạo các Trung tâm dịch vụ việc làm mở các sàn giao dịch việc làm trực tiếp ở các địa phương, để các doanh nghiệp trên địa bàn gặp gỡ người lao động. Đồng thời, tổ chức chương trình Tiếp sức người lao động để kết nối người lao động tại khu vực Nam Bộ do Trung tâm dịch vụ việc làm Thanh Niên phối hợp các đơn vị trên địa bàn Thành phố tổ chức.
Đến nay, trên địa bàn TP.HCM có hơn 94% doanh nghiệp hoạt động trở lại, với số lượng lao động trở lại là 98%.
Đối với khu chế xuất – khu công nghiệp hiện có hơn 267.000/281.000 lao động. “Năm nay khác hơn mọi năm trước, tỉ lệ người lao động trở lại làm việc cao sau Tết”, ông Lâm nhận định.
Đối với Khu Công nghệ cao TP.HCM, 100% doanh nghiệp đã quay trở lại làm việc, với tổng cộng 49.000/52.000 lao động trở lại làm việc. Số còn lại người lao động nghỉ Tết, kết hợp với nghỉ phép và sẽ trở lại làm việc trong thời gian tới.
Liên quan đến thông tin thiếu giáo viên của ngành giáo dục, Chánh văn phòng Sở GD-ĐT TP.HCM Hồ Tấn Minh cho biết, hiện nay trên địa bàn TP.HCM chỉ còn thành phố Thủ Đức và 9 quận, huyện (gồm quân 4, 6, 10, 11, 12, Bình Tân, Gò Vấp, Phú Nhuận và huyện Cần Giờ) đang tổ chức tuyển dụng viên chức. Tuy nhiên, việc thiếu giáo viên và đang tổ chức tuyển dụng không ảnh hưởng đến hoạt động giảng dạy của các trường do các trường chủ động sắp xếp, phân công giáo viên của trường dạy thêm giờ và tính lương làm thêm giờ theo quy định.
Đồng thời, thỉnh giảng và hợp đồng lao động ngắn hạn (cho đến khi tuyển dụng được giáo viên) đối với các bộ môn còn thiếu nếu giáo viên của trường đã được phân công làm thêm vượt định mức giờ theo quy định của Bộ luật Lao động.
Việc thiếu nguồn giáo viên tuyển dụng hiện nay tại TP.HCM tập trung vào một số bộ môn như công nghệ, tin học, âm nhạc, mỹ thuật, ngoại ngữ (không bao gồm môn tiếng Anh) đối với cả 3 cấp học; riêng môn tiếng Anh việc thiếu nguồn tuyển dụng tập trung ở cấp tiểu học và trung học cơ sở.
Lý giải về nguyên nhân thiếu giáo viên tại một số bộ môn, ông Minh cho biết, sinh viên tốt nghiệp đầu ra của các chuyên ngành tương ứng với bộ môn thiếu của ngành giáo dục từ các trường thì rất nhiều, tuy nhiên họ chưa có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm nên không đủ điều kiện đăng ký dự tuyển hoặc họ đang theo học khóa đào tạo về chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm (theo quy định hiện nay của Bộ GD-ĐT hiện nay thì thời gian đào tạo chứng chỉ nghiệp vụ sự phạm là 1 năm)
Bên cạnh đó, mức lương khởi điểm của các cấp học từ tiểu học đến trung học phổ thông là như nhau nhưng định mức tiết dạy trong một tuần theo quy định thì có sự chênh lệch giữa các cấp học (tiểu học 23 tiết/tuần, THCS 19 tiết/tuần, THPT 17 tiết/tuần). Đó cũng là nguyên nhân khiến cho những bộ môn như công nghệ, âm nhạc, mỹ thuật... thiếu giáo viên.