Thông tin trên được chia sẻ tại Hội nghị tổng kết công tác chăm lo Tết Quý Mão và tình hình kinh tế - xã hội tháng 1, nhiệm vụ, giải pháp tháng 2/2023 của UBND TP.HCM ngày 1/2.
Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) TP.HCM, tính đến ngày 30/1 (mùng 9 tháng Giêng), tình hình lao động tại các doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố ổn định. Đa số các doanh nghiệp chọn ngày mùng 9 tháng Giêng để trở lại hoạt động sau Tết nhằm tạo điều kiện để người lao động có ngày nghỉ liên tục (do mùng 6 âm lịch rơi vào ngày cuối tuần) và thời điểm Tết được nhiều người lao động chọn kết hợp phép năm để có kỳ nghỉ dài trước khi quay trở lại làm việc, nhất là người lao động ở các tỉnh xa.
Tính đến nay, Thành phố có 94% doanh nghiệp đã trở lại hoạt động sản xuất kinh doanh, tỉ lệ lao động vào làm việc khoảng 95% (267/281 ngàn lao động).
Một số doanh nghiệp đến ngày 31/1, ngày 1/2 mới hoạt động lại, một số ít doanh nghiệp đến ngày 6/2 (thứ hai tuần sau) mới hoạt động lại sau Tết. Trong đó, có 2 doanh nghiệp có quy mô lao động đông là Công ty TNHH Freetrend Industrial với 20.080 lao động, Công ty TNHH Freetrend Industrial A với 11.757 lao động cho biết hoạt động trở lại bình thường (không còn nghỉ 1-2 ngày/1 tuần như quý 4/2022) do tìm được các đơn hàng sản xuất trong năm 2023.
Đối với doanh nghiệp hoạt động trong khu công nghệ cao, 100% doanh nghiệp đã hoạt động trở lại sau tết, tỉ lệ lao động vào làm việc đạt trên 95% (49/52 ngàn lao động), một số lao động ở các tỉnh xa chưa quay trở lại do kết hợp nghỉ lễ với nghỉ phép năm.
Đối với các doanh nghiệp bên ngoài Khu chế xuất - Khu công nghiệp, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội các quận-huyện và thành phố Thủ Đức đang nắm tình hình tại các doanh nghiệp có quy mô từ 200 lao động trở lên.
Là doanh nghiệp có đông lao động với 50.563 lao động, Công ty TNHH Pouyuen bố trí lao động vào làm việc thành 2 đợt (đợt 1: làm việc vào ngày 30/1 là 37.310/41.063 người chiếm 91%; đợt 2: số lao động còn lại sẽ vào làm vào ngày 1/2); doanh nghiệp tiếp tục bố trí thời gian làm việc như thời điểm quý 4/2022 (người lao động không tăng ca).
Theo Sở LĐ-TB&XH, dịp Tết Nguyên đán Quý Mão mức thưởng bình quân của người lao động 12,88 triệu đồng/người, cao hơn 45% so với Tết Nhâm Dần năm 2022 (8,88 triệu đồng/người).
Đánh giá về tình hình kinh tế, xã hội Thành phố trong tháng 1/2023, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức cho rằng, Thành phố đã đạt nhiều kết quả tích cực. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 5,7% so với cùng kỳ (cùng kỳ giảm 28%); Giá trị sản xuất nông, lâm ngư nghiệp ước đạt 911,2 tỷ đồng, tăng 3,8% so với cùng kỳ. Thu hút đầu tư đạt khoảng 179,04 triệu USD, tăng 73,8% so với cùng kỳ, trong đó, có 50 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư đăng ký là 86,86 triệu USD, tăng 127,8% so với cùng kỳ. So với cùng kỳ năm 2022, số lao động được giải quyết việc làm tăng 0,04%; số chỗ việc làm mới tăng 0,07%.
Bên cạnh những mặt tích cực đạt được, ông Đức cũng nhìn nhận còn có một số vấn đề khó khăn. Tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 3,6 tỷ USD giảm 13% so với cùng kỳ năm 2022; tổng kim ngạch nhập khẩu ước đạt 4,3 tỷ USD, giảm 21% so với cùng kỳ. Tổng thu ngân sách nhà nước tháng 1/2023, ước thực hiện là 49,5 nghìn tỷ đồng, đạt 10,6% dự toán năm và giảm 13% so với cùng kỳ. Tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ mặc dù có tăng nhưng chưa đạt như kỳ vọng. Thị trường bất động sản có dấu hiệu lệch pha cung cầu thể hiện rõ sự phát triển thiếu bền vững.
"Một số doanh nghiệp không có đơn hàng, đơn hàng từ thị trường thế giới giảm dần, tình trạng có thể kéo dài giữa năm 2023. Số lượng thành lập doanh nghiệp mới giảm cả về lượng và số vốn đăng ký so với cùng kỳ, phần nào cảnh báo những khó khăn trong quá trình phục hồi và thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội Thành phố năm 2023. Trước tình hình đó, UBND TP.HCM cũng đã đưa ra những nhiệm vụ giải pháp cho tháng 2/2023", Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức nói.