Bản danh sách này có tất cả 39 đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân hứa thưởng U23 Việt Nam với tổng số tiền mặt lên tới 31,5 tỷ. Ngoài ra, có 7 công ty hứa thưởng bằng hiện vật và 12 đơn vị, doanh nghiệp khác hứa thưởng bằng dịch vụ cho U23 Việt Nam.
Tuy nhiên, 4 ngày sau khi U23 Việt Nam về nước, mới có 1/4 trong số những đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hứa thưởng tiền mặt, sản phẩm, dịch vụ đã thực hiện lời hứa.
Cụ thể, theo thông tin từ VFF, tính đến trưa ngày 31/1, đơn vị đứng ra nhận thưởng thay cho U23 Việt Nam này mới chỉ nhận được khoảng 7 tỷ đồng tiền thưởng. Cũng bởi vậy, VFF chưa thể chuyển tiền tới đội U23 Việt Nam. Và nhiều khả năng tiền thưởng, hiện vật, VFF phải chuyển thành nhiều đợt tới thầy trò HLV Park Hang Seo.
Việc những đơn vị, tổ chức, cá nhân hứa thưởng có thực hiện đúng lời hứa với U23 Việt Nam hay không đang là những lo ngại. Bởi không loại trừ khả năng, những lời hứa đó chỉ là hứa suông trong lúc đang cao hứng, lâng lâng cảm xúc vui sướng với những gì mà U23 Việt Nam mang lại.
Trong quá khứ, không ít VĐV thể thao Việt Nam từng phải nhận những lời hứa suông. Điển hình như “nữ hoàng điền kinh” một thời của Việt Nam Vũ Thị Hương hay nhà vô địch Olympic Hoàng Xuân Vinh.
Trong đội hình U23 Việt Nam dự giải U23 châu Á vừa qua, có không ít cầu thủ đến từ những miền quê nghèo khó, luôn thi đấu với hy vọng một ngày có một khoảng tiền thưởng để giúp gia đình vượt qua khó khăn. Vì thế, khoản tiền hơn 30 tỷ kia thực sự là một giấc mơ.
Không ai bắt ép các tổ chức, cá nhân hứa thưởng cho U23 Việt Nam cả. Nhưng một khi đã hứa thì phải thực hiện để giữ danh dự cho mình, đồng thời qua việc thực hiện lời hứa đó, hiện thực hóa giấc mơ cho các cầu thủ U23 Việt Nam thoát nghèo.
Còn nếu cố tình “ăn quỵt” thì đó chỉ là những kẻ ăn hôi, ăn bám vào hào quang của những người hùng dân tộc.