Không phải đến Asian Cup, những pha bóng chết mới khiến thầy Park nhức đầu. Ông thầy người Hàn Quốc đã nghĩ trăm phương ngàn kế trong gần một năm qua để giảm bớt nguy hiểm ở những tình huống này. Đáng tiếc, nỗ lực của “Ngài Park nhiệm màu” chưa đem tới hiệu quả đáng kể nào, mỗi khi Việt Nam phải tổ chức phòng ngự.
Hồng Duy tiếc nuối khi phạm lỗi dẫn tới quả đá phạt thành bàn của Iraq |
Đáng nhớ nhất có lẽ là bàn thua trong phút cuối hiệp phụ ở chung kết U23 châu Á 2018. Đó là thời điểm mà cả Việt Nam lẫn Uzbekistan đều nghĩ tới chuyện sút luân lưu. Tuy nhiên, chỉ một thoáng thiếu tập trung của hàng phòng ngự, tiền đạo cao kều Andrey Sidorov đã đánh đầu cận thành, mang về chiến thắng chung cuộc cho đại diện Trung Á.
Nỗi lo về bóng chết tạm thời thuyên giảm ở Asiad 2018, nhưng rồi bùng phát ở AFF Cup 2018. 3 trong 4 bàn thua Việt Nam phải nhận ở giải đấu này đều đến từ những tình huống cố định, gồm 2 quả đánh đầu từ đá phạt, và 1 cú sút phạt trực tiếp thành bàn. Căn bệnh trầm kha của Việt Nam có dịp hiển hiện ngay trận ra quân Asian Cup 2019. Dù 2 lần dẫn trước Iraq, các học trò của Park Hang-seo chịu thua chung cuộc 2-3 bởi cú đá phạt quyết định phút 90 của Ali Adnan.
Trong tất cả những bàn thua ấy, lỗi phần nhiều thuộc về hàng phòng ngự Việt Nam. Hoặc họ phạm lỗi ở khu vực nguy hiểm, hoặc không chịu kèm sát những cầu thủ có khả năng không chiến tốt của đối phương. Riêng bàn thua tối 8/1 trong trận gặp Iraq, việc chọn vị trí của Văn Lâm cũng “góp công” không nhỏ. Tân binh của Muangthong United tiếp tục đứng sai, và khi muốn bay người sang cột đối diện để cản phá, anh không tài nào chạm tay vào bóng.
Chính HLV Park Hang-seo cũng thừa nhận điều này trong phát biểu sau trận. Chiến lược gia 60 tuổi nói Văn Lâm đứng không đúng vị trí. Điều đáng nói, chưa cần tới cú sút ở đẳng cấp thế giới, đưa bóng đi vào góc cao như của Ali Adnan, thủ thành Việt kiều cũng không thể cản phá những cú sút dễ hơn, bởi tay của anh vẫn cách cột dọc bên kia tới nửa mêt, ở thời điểm bóng chuẩn bị bay qua vạch vôi.
Nỗi buồn thua trận phút cuối của Việt Nam |
Văn Lâm là một thủ môn giỏi, tâm lý thi đấu ổn định nhưng kỹ thuật của anh chưa thật hoàn hảo. Cựu cầu thủ Hải Phòng yếu ở những tình huống ra vào hoặc khi cần phải chỉ huy hàng thủ. Những điểm yếu đó lộ rất rõ trước các pha đá phạt. Văn Lâm từng bị Safawi Rasid (Malaysia) làm tung lứoi bằng một pha đá phạt, dù bóng đi sát vị trí Văn Lâm chọn ban đầu. Tới quả phạt của Ali Adnan (Iraq) ở một góc sút gần tương tự, Văn Lâm rút kinh nghiệm và chủ động chặn cột xa. Đáng tiếc, anh chọn vị trí không hợp lý, cụ thể là tỷ lệ chia khung thành của anh là 8-2, thay vì 7-3 như công thức chuẩn. Hệ quả, Văn Lâm trở tay không kịp.
Sai sót của Văn Lâm chỉ là phần nổi trong tảng băng chìm trong hệ thống phòng ngự Việt Nam khi chống bóng chết. Các hậu vệ Việt Nam bọc lót cho nhau tốt, phán đoán chuẩn xác, nhưng tất cả chỉ nằm ở các tình huống bóng sống. Khi phải đối diện với những đối thủ to cao hơn, hoặc có nhiều bài phối hợp lạ, thầy Park rõ ràng chưa có những đối sách cụ thể, kip thời.
Việt Nam là một trong số ít những đội tuyển ở châu Á có lối chơi định hình và rõ nét. Nhưng chúng ta lại thiếu những mảng miếng ở các pha bóng cố định, một xu thế của bóng đá thế giới hiện nay. Thiếu sót ấy sẽ trở nên trầm trọng khi Việt Nam chạm trán với các đội to cao như Iraq vừa qua, và sắp tới là Iran.