Lứa Công Phượng từng nhiều lần gặp Nhật Bản trong quá khứ |
Chúng ta vẫn thường được nghe đất nước mặt trời mọc nổi tiếng về khả năng đào tạo trẻ. Cùng với Hàn Quốc, Nhật đi đầu cho xu hướng xã hội hóa thể thao. Với riêng môn thể thao vua, Nhật Bản đã biến bóng đá trở thành một môn được giảng dạy tại các trường học. Thành công của Nhật Bản, tính từ thập niên 90, có dấu ấn lớn từ nền bóng đá học đường.
Miệt mài đào tạo trẻ nhưng thành tích của xứ hoa anh đào tại các giải trẻ châu lục ở mức khá khiêm tốn. Đến năm 2016, Nhật Bản mới có lần đầu tiên vô địch U19 châu Á. Tại đấu trường ASIAD, Nhật cũng mới chỉ một lần đăng quang, vào năm 2010 khi Á vận hội tổ chức tại Quảng Châu, Trung Quốc.
Tại sao một nước đi đầu về đào tạo trẻ lại không có thành tích tương xứng như vậy? Câu trả lời nằm ở triết lý đào tạo của Nhật Bản. Họ gần như bỏ ngỏ chuyện thắng thua khi các đội trẻ tham dự giải đấu quốc tế. Với Nhật Bản, một cầu thủ chỉ được xem là tài năng nếu khẳng định được chỗ đứng tại ĐTQG, bằng không, anh ta sẽ không được xem trọng.
Đó cũng là lý do tại sao Nhật Bản chỉ cử đội U21 tham dự ASIAD 2018, thậm chí 5 gương mặt của họ đến Indonesia khi vẫn đang là sinh viên. Giới chuyên môn đánh giá, Nhật Bản đã chuẩn bị cho Olympic Tokyo 2020 từ bây giờ, và chính những tuyển thủ dự ASIAD 2018 sẽ là bộ khung để đội Olympic nước này chinh chiến ở Thế vận hội sau 2 năm nữa.
Trước một đối thủ đá như thể chấp người như vậy, cơ hội cho Việt Nam tại ASIAD là không nhỏ. HLV Park Hang-seo mang tới xứ vạn đảo đội hình ưng ý nhất, gồm cả 3 cầu thủ trên 23 tuổi. Chúng ta khát khao tái lập kỳ tích ở vòng chung kết U23 châu Á 2018, giải đấu mà Nhật Bản sớm dừng bước ở tứ kết. Như tiền đạo Văn Đức thổ lộ, hy vọng đứng trên Nhật Bản là có cơ sở, và chúng ta có thể làm được với đội hình đã chơi gắn bó với nhau suốt một năm qua.
Nhật Bản không mặn mà với môn bóng đá nam ASIAD. Đó cũng là xu thế của một số nền bóng đá lớn khác tại châu lục, nhưng với Việt Nam, đây lại là cơ hội để khẳng định bản thân. Như HLV Oman và Uzbekistan đánh giá sau giải U23 quốc tế vừa diễn ra, Việt Nam đang có một thế hệ vàng không sợ bất kỳ đối thủ nào, chúng ta có cơ hội chiến thắng, ngay cả trước các đội trên cơ.
Mong muốn ấy được nhen nhóm khi Việt Nam gặp Nhật Bản, ở trận cuối vòng bảng hôm 19/8. Và thay vì chỉ dám mơ đến 1 vé đi tiếp, từ vị trí thứ nhì hoặc vị trí thứ ba xuất sắc, chúng ta hướng tới mục tiêu trực diện và cụ thể hơn, đó là giành điểm trước đội bóng hàng đầu châu Á.