| Hotline: 0983.970.780

Trả giá đắt vì chữa trĩ bằng thuốc nam

Thứ Bảy 29/09/2018 , 07:30 (GMT+7)

Dù đã được chẩn đoán bị trĩ nhưng cả hai người phụ nữ đều không đến viện điều trị mà đi đắp bằng thuốc nam. Bệnh chẳng những khỏi mà đến viện trong tình trạng nhiễm trùng nặng, hoại tử hậu môn buộc bác sĩ phải tiến hành phẫu thuật khẩn cấp.

Hoại tử hậu môn

BS Nguyễn Quang Hòa - Trưởng Khoa Ngoại tổng hợp, BV Đa khoa tỉnh Phú Thọ cho hay, khoa vừa tiến hành phẫu thuật cắt trĩ cho 2 trường hợp bị hoại tử hậu môn sau khi đắp thuốc nam điều trị bệnh trĩ.

16-48-54_tri
Ảnh minh họa

Người bệnh H.T.H 36 tuổi, trú tại Cổ Tiết (huyện Tam Nông,  Phú Thọ) sống chung với bệnh trĩ đã 12 năm nay. Gần đây khi nghe nhiều người quen giới thiệu đi điều trị bằng thuốc nam khỏi bệnh nên chị đã xuống Hà Nội để điều trị. Sau khi đắp thuốc, người bệnh ngày càng đau nhiều, điều trị được 6 ngày không chịu nổi, người bệnh xin về và vào cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ. Ngày 18/9/2018, người bệnh được chỉ định phẫu thuật cắt trĩ.

Trường hợp khác cũng rơi vào tình thế nguy hiểm không kém. Chị L.T.H.N (36 tuổi), trú tại Tiên Phú (huyện Phù Ninh, Phú Thọ) bị bệnh trĩ khoảng hơn 1 năm nay, đi khám biết bị bệnh trĩ giai đoạn 1, 2, tuy nhiên chị không điều trị tại bệnh viện. Nghe người quen giới thiệu đắp thuốc nam khỏi bệnh nên chị đã nhờ người mua thuốc từ trong miền Nam gửi về tự điều trị. Thuốc gồm 2 gói, 1 gói màu xanh bôi cho rụng trĩ, 1 gói màu trắng sau khi rụng trĩ thì bôi để mau lành. Sau khi đắp thuốc được 4 ngày, người bệnh đau không chịu nổi, phải đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ.

“Khi biết mình bị bệnh, vì ngại đi điều trị tại cơ sở y tế nên đã tự ý mua thuốc nam về đắp dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. May mắn được các bác sĩ Khoa Ngoại tổng hợp cứu chữa kịp thời, không thì không biết đời tôi ra sao nữa, cạch đến già”, chị H.N nói.

Theo BS Nguyễn Quang Hòa cho biết: “Đây là hai trường hợp điển hình mà Khoa Ngoại tổng hợp tiếp nhận, người bệnh trĩ ở giai đoạn nhẹ nhưng không đến cơ sở y tế uy tín điều trị mà đi điều trị lang băm, khi nhập viện cấp cứu trong tình trạng nhiễm trùng nặng, hậu môn bị hoại tử. Chúng tôi đã phẫu thuật cắt trĩ cho người bệnh”.
 

Đừng để phải ân hận

Trĩ là căn bệnh thuộc vùng hậu môn trực tràng, có tỷ lệ người mắc bệnh cao ở nước ta chiếm hơn 50% dân số mắc phải và ngày càng tăng do lối sống, sinh hoạt. Bệnh thường gặp ở người làm công việc nặng nhọc, phụ nữ thời kỳ sinh đẻ, người hay dùng chất cay nóng. Cường độ làm việc quá nhiều, căng thẳng, thức khuya, sinh hoạt đảo lộn, ăn uống không đúng giờ, ăn uống không lành mạnh, nhiều rượu bia, ngồi nhiều ít vận động... là yếu tố gây bệnh.

Tuy nhiên điều đáng lo ngại là số người bệnh tự giác đi khám để chữa bệnh triệt để lại rất ít. Có 3 dạng trĩ là trĩ nội, trĩ ngoại và trĩ hỗn hợp. Mỗi loại có những triệu chứng riêng. Do đó người bệnh cần biết rõ thông tin để phát hiện sớm, chọn cách điều trị phù hợp. Bệnh nếu không được điều trị có thể dẫn đến một số biến chứng như xuất huyết, búi trĩ sa xuống, nghẹt lại gây hoại tử, áp xe hậu môn, viêm tắc. Thậm chí cục máu đông có thể theo hệ thống tuần hoàn gây tình trạng áp xe gan, áp xe mật, áp xe phổi...

Biểu hiện ban đầu và thường gặp nhất của bệnh là đại tiện ra máu. Chảy máu thường xảy ra ở bệnh nhân có kèm theo táo bón. Người bệnh cũng có thể bị sa búi trĩ, là triệu chứng cảnh báo tình trạng bệnh chuyển biến nặng. Ở độ 2, búi trĩ sa xuống rồi có thể tự co lên được, đến độ 3 trĩ sa xuống phải dùng tay nhét vào. Ở độ 4, trĩ sa hoàn toàn. Một số bệnh nhân có thể đau rát hậu môn khi đi vệ sinh, táo bón hoặc tiêu chảy.

Để tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra, BS Nguyễn Quang Hòa khuyến cáo người dân khi có những dấu hiệu bất thường ở vùng hậu môn, cần đi khám để được chẩn đoán đúng bệnh và điều trị kịp thời, tuyệt đối không chữa trị bằng thuốc nam tránh những biến chứng có thể xảy ra.

4 điều cần lưu ý

BS Hoàng Đình Lân, Phó Chủ tịch Hội hậu môn trực tràng Việt Nam: “Với người chưa mắc bệnh hoặc với bệnh nhân đã điều trị trĩ, cần thực hiện các biện pháp phòng bệnh trĩ, phòng trĩ tái phát như:

1. Chế độ ăn nhiều rau xanh quả tươi, uống đủ nước (>1.5 lít nước/ngày), hạn chế đồ ăn cay, nóng như rượu bia, cà phê, ớt, hạt tiêu để tránh táo bón và suy mạch.

2. Vận động cơ thể hàng ngày khoảng 30 phút như đi bộ, bơi lội... Tránh đứng nhiều, ngồi lâu hoặc ngồi xổm.

3. Tập thói quen đi cầu hàng ngày bằng cách xoa bụng vòng theo khung đại tràng vào một giờ nhất định.

4. Vệ sinh bằng nước ấm hoặc sau mỗi lần đi cầu.

 

(Kiến thức gia đình số 39)

Xem thêm
Sàng lọc ung thư thực quản bằng bọt biển

Trong vòng 3 năm tới, những người bị ợ nóng sẽ được xét nghiệm lâm sàng ung thư thực quản thông qua một xét nghiệm kéo dài khoảng 10 phút.

Nguyên nhân gây bệnh tim mạch và cách phòng ngừa hiệu quả

Bệnh tim mạch là một trong những bệnh nguy hiểm, với tỷ lệ tử vong cao. Cùng tìm hiểu nguyên nhân gây ra bệnh tim mạch.

Gợi ý những món canh giàu dinh dưỡng tốt cho người tiểu đường

Chế độ dinh dưỡng có vai trò và tác động rất lớn đối với sức khỏe của người bị tiểu đường.

9 tác dụng bất ngờ của trà gừng đối với sức khỏe

Trà gừng là thức uống quen thuộc trong đời sống, đặc biệt được nữ giới ưa chuộng. Không chỉ giúp làm ấm cơ thể, trà gừng còn mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe.