Cán bộ bịt khẩu trang làm việc
8 giờ sáng, công sở xã Tân Phúc (Lang Chánh, Thanh Hóa) im phăng phắc. Nhiều phòng chức năng tầng 1 đóng cửa kín mít như thể không có người làm việc. Phòng làm việc của ông Lê Văn Quý - Phó Chủ tịch UBND xã Tân Phúc chỉ hé cửa như ám hiệu vẫn có người phía trong. Ông Quý đeo chiếc khẩu trang trên mặt có vẻ khiên cưỡng, trông chẳng khác thời chống dịch Covid-19 là mấy.
Sáng 28/6, Công sở xã Tân Phúc sặc sụa mùi thối từ trại lợn cách đó không xa. Mùi hôi thối nồng của chất thải chăn nuôi hòa lẫn trong không khí như thể đang cố bám dính vào áo quần, khiến người qua lại không kịp mở lời chào nhau. Cán bộ Quý cùng công chức xã Tân Phúc có vẻ khá quen với cảm giác ô nhiễm mùi tại nơi làm việc nên khá đồng cảm, chia sẻ với những phản ứng của người dân mỗi khi cả làng phải ngửi mùi thối từ trại lợn.
“Trại lợn cách UBND xã khoảng 4km và cách điểm dân cư gần nhất hơn 1km theo đường chim bay. Mùi hôi thối phát tán trong không khí tùy theo từng hôm, có thời điểm kéo dài 30 phút, nhưng có lúc kéo dài cả tiếng. Hôm nay mùi nặng hơn so với đợt trước. Khi nào mùi thối quá thì công sở phải đóng cửa phòng, bịt khẩu trang làm việc. UBND xã đã làm văn bản báo cáo huyện về tình trạng trên nhưng tình trạng mùi thối vẫn chưa được khắc phục triệt để", ông Quý chia sẻ.
Cán bộ Quý xin phép vắng họp sáng nay để cùng phóng viên vào thôn Tân Lập - nơi gần trang trại lợn nhất và chịu ảnh hưởng lớn bởi mùi thối. Theo cán bộ Quý, xã Tân Phúc có 2 thôn (Tân Thủy, Tân Lập) với khoảng 400 hộ dân bị ảnh hưởng nặng nhất bởi mùi hôi thối vì giáp ranh với trại lợn.
Dọc tuyến đường dẫn vào thôn Tân Lập, dân làng đang bắt tay vào vụ cấy. Lịch thời vụ có vẻ lệch hẳn so với dưới xuôi. Phía xa bờ thửa là con suối nhỏ, được người dân tận dụng sức nước để lắp vài ba cọn nước, phục vụ khách du lịch check-in. Khung cảnh vùng sơn cước buổi sáng sớm trông khá bắt mắt. Vậy nhưng theo cán bộ Quý, nơi đây ít khi thấy khách dừng chân để thưởng ngoạn phong cảnh, bởi chẳng ai dám vừa đi du lịch trải nghiệm, vừa ngửi mùi thối.
Thôn Tân lập bao quanh là những rặng tre, luồng và nhiều đồi thoải. Vị trí này cách trại hơn hơn 1km theo đường chim bay. Dù bản làng được che chắn bởi “hàng rào sinh học” tự nhiên, thế nhưng mùi thối vẫn bay vào khu dân cư mỗi khi trời trở gió.
“Năm ngoái đến năm nay, rất nhiều lần trại lợn phát ra mùi thối khó chịu. Dân làng phải đóng cửa, thậm chí bịt khẩu trang để tránh mùi. Có thời điểm mùi phát ra lúc giữa trưa, hoặc khi trời tối khiến cuộc sống, sinh hoạt của người dân bị đảo lộn. Nếu cứ thế này thì dân không thể sống nổi”, anh Hà Văn Tuyền, thôn Tân Lập, xã Tân Phúc cho hay.
Vị trí nhà anh Tuyền và thôn Tân Lập nằm ở phía sau chân đồi, phía bên kia là trang trại lợn. Khu vực này có địa hình khá cao, được che chắn bởi những quả đồi hình cánh cung. Tuy nhiên, giữa hai quả đồi xuất hiện đường rãnh tự nhiên thấp, kéo dài, ít được che chắn, nên mỗi khi gió từ trại lợn thổi vào là cả khu dân cư hứng chịu mùi hôi thối.
Mặc dù trại lợn đóng ở xã Tân Phúc nhưng nơi chịu ảnh hưởng của mùi hôi thối nhiều nhất lại là thị trấn Lang Chánh. Nghe vô lý nhưng lại không bất ngờ, bởi thị trấn Lang Chánh là địa phương giáp ranh xã Tân Phúc, nhưng do ít có núi cao che chắn, mật độ dân cư dày, chịu tác động của hướng gió thổi nên mùi hôi thối bay vào khu dân cư nhiều hơn.
Cán bộ Vũ Thế Vinh - Bí thư Đảng ủy thị trấn Lang Chánh thuộc diện luân chuyển về cơ sở đã hơn 2 năm. Trong thời gian công tác, ông dành khá nhiều thời gian để theo dõi, tiếp nhận phản ánh và giải quyết kiến nghị của người dân xung quanh trại lợn của Công ty Agri-Vina.
Ông Vinh vừa là quản trị viên trang fanpage “Thị trấn Lang Chánh - Tỉnh Thanh Hóa” với gần 10 nghìn người theo dõi, vừa là cầu nối giữa người dân và chính quyền để giải quyết kiến nghị và nguyện vọng của cử tri. Suốt nhiều tháng trời, trang fanpage đã tiếp nhận, xử lý hàng trăm ý kiến phản ánh của người dân xung quanh hoạt động sản xuất chăn nuôi của Công ty Agri-Vina.
"Có thời điểm người dân đăng tải hàng trăm hình ảnh trang trại kèm theo những dòng trạng bức xúc lên mạng xã hội, yêu cầu trại lợn dừng hoạt động. Người dân còn làm đơn kiến nghị tập thể và đăng ký tuần hành để phản đối trại lợn gây mùi. Để ổn định tình hình, chính quyền địa phương đã tổ chức nhiều cuộc đối thoại với dân, đồng thời kiến nghị cấp trên tìm giải pháp tháo gỡ trong thời gian sớm nhất", ông Vinh chia sẻ.
Mùi hôi phát tán do… thời tiết
Tại biên bản đối thoại hôm 24/6 giữa đại diện chính quyền, doanh nghiệp và người dân, nhiều ý kiến cho rằng, việc không khí bị ô nhiễm do hít thở mùi hôi thối từ hoạt động chăn nuôi lợn ảnh hưởng không nhỏ tới tâm lý, sức khỏe người dân đặc biệt là trẻ em đang tuổi trưởng thành. Mặt khác, cuộc sống của người dân quanh vùng đang bị xáo trộn kể từ khi trại lợn đi vào hoạt động.
“Sau một ngày làm việc mệt mỏi, đến giờ cơm lại phải hít mùi hôi thối từ trại lợn, gây cảm giác khó chịu, không muốn ăn. Cuộc sống và sinh hoạt của người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi trại lợn. Chúng tôi đề nghị doanh nghiệp phải cam kết thời hạn xử lý dứt điểm mùi hôi thối, không để phát tán mùi ra môi trường. Nếu không xử lý được tình trạng này phải di chuyển trại lợn đi nơi khác”, ông Lê Văn Minh, khu phố Lê Lai cho biết.
Một số ý kiến khác đề nghị công ty dừng hoạt động chăn nuôi, trả lại môi trường sống trong lành cho khu dân cư.
“Khi phát hiện mùi hôi thối, chính quyền địa phương đã 5 lần vào cuộc để yêu cầu Công ty khắc phục. Tuy nhiên việc khắc phục không có nhiều chuyển biến khiến người dân không tin tưởng vào lời hứa của doanh nghiệp.
Chúng tôi yêu cầu doanh nghiệp thực hiện nghiêm chỉ đạo của cấp có thẩm quyền nhằm khắc phục triệt để mùi hôi thối; xuất bán di chuyển đàn lợn, tạm dừng việc chăn nuôi để khắc phục các công trình bảo vệ môi trường”, ông Nguyễn Trung Kiên, khu phố Bàn, thị trấn Lang Chánh cho biết.
Tại buổi đối thoại, đai diện Công ty Agri-Vina thừa nhận trách nhiệm và xin lỗi người dân xung quanh việc trại lợn phát tán mùi hôi thối ra môi trường. Tuy nhiên, trả lời câu hỏi của người dân về tình trạng mùi hôi thối chưa được khắc phục, đại diện Công ty Agri - Vina cho rằng, việc này có nguyên nhân do... thời tiết.
“Dù đã nỗ lực áp dụng các giải pháp trong xử lý mùi hôi trong chuồng, tuy nhiên tình trạng trên có lúc vẫn chưa giảm. Cá nhân tôi nhận thấy đây có thể là do vấn đề thời tiết oi nóng trong những ngày qua, đồng thời công nghệ đang áp dụng hiện nay đối với dự án tại Lang Chánh chưa phù hợp với điều kiện khí hậu, thời tiết, hướng gió tại địa phương, dẫn tới tình trạng phát tán mùi hôi thối từ đầu tháng 4 đến nay”, ông Phạm Bá Hữu, Phó Giám đốc Công ty Agri-Vina nhận định.
Tại buổi đối thoại, đại diện Công ty Agri - Vina đề xuất kéo dài thời gian thêm 4 tháng để khắc phục và thay thế công trình xử lý mùi hôi sau chuồng nuôi. Thế nhưng đề nghị này không được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận.
Ông Lê Đức Tiến, Phó Chủ tịch UBND huyện Lang Chánh cho biết, từ đầu tháng 4/2024 đến nay, UBND huyện đã ban hành 3 văn bản gửi Công ty Agri-Vina yêu cầu khẩn trương khắc phục, giải quyết dứt điểm tình trạng phát tán mùi hôi thối đến các khu dân cư. Tuy nhiên, việc khắc phục của công ty rất chậm, khiến người dân bức xúc.
“UBND huyện đã yêu cầu doanh nghiệp trong thời gian 2 tháng (từ ngày 5/6 đến ngày 5/8) phải khắc phục được tình trạng phát tán mùi hôi thối từ hoạt động chăn nuôi. Yêu cầu công ty thực hiện nhanh việc xuất bán, giảm đàn lợn. Chỉ được phép chăn nuôi lại khi đã hoàn thành việc cải tạo các công trình bảo vệ môi trường và được các ngành, chính quyền địa phương, đại diện nhân dân kiểm tra, xác nhận, đồng thuận”, ông Tiến cho hay.
Vậy là, trong thời gian chờ đợi doanh nghiệp "giải phóng" đàn lợn, khắc phục tình trạng mùi, người dân tại xã Tân Phúc và thị trấn Lang Chánh vẫn phải tìm cách đối đối phó với khí thối phát ra từ hoạt động chăn nuôi lợn.