Khu chăn nuôi an toàn, thân thiện với môi trường
Hiện nay, Thanh Hóa là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi với 40 dự án chăn nuôi quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, với công suất mỗi năm hơn 90.000 lợn nái, hơn 1,3 con triệu lợn thương phẩm, gần 1 triệu gà thịt/lứa...
Trong những năm qua, Thanh Hóa trở thành điểm đến của hàng loạt doanh nghiệp chăn nuôi công nghệ cao với số vốn đầu tư lên tới hàng nghìn tỷ.
Điển hình từ “làn sóng” đầu tư này có thể kể đến Tập đoàn DABACO và Tập đoàn Xuân Thiện với các dự án chăn nuôi lợn quy mô lớn, áp dụng công nghệ cao và an toàn, thân thiện với môi trường.
Ông Trần Xuân Mạnh, Giám đốc DABACO Thanh Hóa cho biết, việc doanh nghiệp lựa chọn Thanh Hóa là điểm đến để đầu dự án nuôi lợn công nghệ cao xuất phát từ các lợi thế sẵn có của địa phương.
“Sau khi Luật Chăn nuôi năm 2018 ra đời và một số quy định về khoảng cách từ trang trại chăn nuôi đến khu dân cư xa hơn, doanh nghiệp đã tìm hiểu và định chọn xã Thạch Tượng, huyện Thạch Thành để đầu tư. Đây là địa phương có quỹ đất rộng, mật độ dân cư thưa, tỷ lệ che phủ rừng cao sẽ giảm được mức độ ảnh hưởng đến môi trường so với các địa phương khác trong tỉnh.
Dự án chăn nuôi của Tập đoàn DABACO có khoảng từ khu vực chăn nuôi đến các hộ dân là 5km theo đường chim bay, bao quanh dự án là các dãy núi cao, tạo ra lớp đệm sinh học tự nhiên rất tốt cho quá trình sản xuất, chăn nuôi của doanh nghiệp”, ông Mạnh chia sẻ.
Cũng theo ông Mạnh, ngoài tiềm năng, lợi thế về đất đai, lao động, nhà đầu tư khi đến Thanh Hóa được chính quyền địa phương giới thiệu tiềm năng, lợi thế đầu tư tại các vị trí được hoạch định sẵn.
Bên cạnh đó, tỉnh và các sở, ngành, đơn vị có liên quan cùng các địa phương đã chú trọng triển khai các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp công nghệ cao trong chăn nuôi, hỗ trợ giúp đỡ nhà đầu tư trong công tác giải phóng mặt bằng, tập trung tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc về thủ tục đầu tư, đất đai, tạo điều kiện tốt nhất để doanh nghiệp yên tâm đầu tư.
Dự án chăn nuôi của Tập đoàn Dabaco Việt Nam tại xã Thạch Tượng và xã Thạch Lâm huyện Thạch Thành có tổng mức đầu tư 773 tỷ đồng, quy mô 5.600 lợn nái, hơn 158.000 lợn thịt/năm.
Đây là dự án lớn nhất từ trước đến nay của Tập đoàn DABACO Việt Nam. Theo đại diện Tập đoàn DABACO Thanh Hóa, dự án có quy mô đầu tư lớn, sản xuất theo chuỗi giá trị hàng hóa, do đó việc quản lý trang trại nghiêm ngặt cùng việc áp dụng khoa học kỹ thuật hiện đại trong chăn nuôi sẽ là yếu tố cốt lõi để phát triển chăn nuôi bền vững.
“DABACO đã đầu tư hệ thống chuồng trại theo tiêu chuẩn châu Âu, với các trang thiết bị hiện đại như hệ thống ăn, uống, điều hòa không khí hoàn toàn tự động... được nhập khẩu từ nước ngoài.
Hoạt động sản xuất chăn nuôi tại đây được thực hiện theo quy trình khép kín, từ hệ chuồng kín, máng ăn, uống tự động, đệm lót sinh học, sử dụng công nghệ xử lý chất thải tuần hoàn, nuôi các giống lợn có năng suất cao, chất lượng cao, đồng thời chú trọng tới việc kiểm soát dịch bệnh để tạo ra sản phẩm an toàn vệ sinh thực phẩm”, ông Mạnh chia sẻ.
Huyện Ngọc Lặc nhiều năm về trước là huyện miền núi nghèo của tỉnh Thanh Hóa, nay dần thay da đổi thịt và được xem là “thủ phủ” chăn nuôi công nghệ cao tại Thanh Hóa với nhiều dự án chăn nuôi lớn như: Dự án chăn nuôi công nghệ cao của Tập đoàn Xuân Thiện; Dự án chăn nuôi của Công ty TNHH New Hope Singapore.
Ngoài ra, huyện Ngọc Lặc đã hình thành nhiều trang trại sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao, như: trang trại chăn nuôi gà theo chuỗi công nghệ cao tại xã Minh Tiến của Công ty CP Giống và Phát triển chăn nuôi Thọ Xuân; trang trại chăn nuôi gà tại xã Lam Sơn của Công ty CP Nông sản Phú Gia...
Việc định hướng phát triển và dành quỹ đất cho phát triển chăn nuôi công nghệ cao tại Thanh Hóa thời gian vừa qua không chỉ giúp nhà đầu tư dễ dàng tiếp cận nguồn lực đất đai mà còn giúp phát triển kinh tế địa phương miền núi, tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho bà con. Ngoài ra, các sản phẩm chăn nuôi được đầu tư bài bản, theo chuỗi giá trị sẽ đem lại sức cạnh tranh cho các sản phẩm nông nghiệp của Thanh Hóa trên thị trường.
"Trong chăn nuôi, DABACO đặt vấn đề môi trường lên hàng đầu. Doanh nghiệp xác định, nếu môi trường bị ảnh hưởng hiệu quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp cũng bị ảnh hưởng theo. Do đó, để vận hành hoạt động trang trại, DABACO Thanh Hóa đã đầu tư hệ thống xử lý nước thải, chất thải khoảng 150 tỷ đồng, hoạt động theo nguyên lý tuần hoàn, nâng cao mức độ tái sử dụng và tái chế chất thải trong hoạt động sản xuất.
Xác định rõ chiến lược phát triển
Trong sản xuất nông nghiệp, tỉnh Thanh Hóa đã ban hành kế hoạch Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thông minh; hình thành các vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa quy mô lớn, chất lượng cao và phát triển các chuỗi giá trị từ sản xuất đến chế biến tiêu thụ trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2022 - 2030.
Bởi vậy, trong những năm qua, tỉnh Thanh Hóa đã tích tụ, tập trung đất đai để phát triển chăn nuôi quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, với 4,6 nghìn ha, đồng thời định hướng vật nuôi và ứng dụng công nghệ cao cho các vùng sản xuất.
Trong chiến lược phát triển ngành chăn nuôi, tỉnh Thanh Hóa xác định: Các huyện Cẩm Thủy, Ngọc Lặc, Thạch Thành, Như Thanh, đẩy mạnh phát triển chăn nuôi theo hướng tập trung quy mô lớn đảm bảo an toàn sinh học, ứng dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường gắn với cơ sở nhà máy giết mổ, chế biến, chế biến sâu và tiêu thụ sản phẩm, bảo vệ môi trường.
Các huyện đồng bằng, chủ trương giảm chăn nuôi nông hộ, nhỏ lẻ và trang trại quy mô nhỏ trong khu dân cư; phát triển hợp lý các trang trại chăn nuôi quy mô lớn, tập trung xa khu dân cư, các trang trại đã và đang hoạt động đảm bảo các điều kiện về chăn nuôi theo quy định, đặc biệt là chăn nuôi bò sữa.
Song song với việc “quy hoạch phân vùng”, thu hút đầu tư chăn nuôi công nghệ cao, từ năm 2016 đến nay, tỉnh Thanh Hóa đã ban hành hàng chục cơ chế, chính sách liên quan đến phát triển nông nghiệp.
Nổi bật chính là cơ chế, chính sách khuyến khích thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa, trong đó, chính sách hỗ trợ hạ tầng khu trang trại tập trung quy mô lớn và quy định hỗ trợ 100% kinh phí, không quá 3 tỷ đồng/khu đối với miền xuôi và 3,5 tỷ đồng/khu đối với miền núi.
Tỉnh hỗ trợ kinh phí xây dựng hạ tầng đến chân hàng rào khu trang trại chăn nuôi tập trung được quy hoạch trong quy hoạch xã nông thôn mới.
Giai đoạn 2016-2020, tỉnh hỗ trợ đầu tư hạ tầng cho 34 khu trang trại tập trung quy mô lớn, với tổng kinh phí hơn 105,4 tỷ đồng.
Ông Đặng Văn Hiệp, Chi Cục trưởng, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Thanh Hóa cho biết: “Các chính sách này đã tạo động lực cho các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển các khu trang trại tập trung, quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, góp phần thúc đẩy chăn nuôi phát triển, tạo ra những sản phẩm an toàn gắn với chuỗi giá trị, hạn chế dịch bệnh, giảm thiểu ô nhiễm môi trường”.
Hiện nay, tỉnh Thanh Hóa đã quy hoạch và phát triển các vùng chăn nuôi tập trung, quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao (vùng chăn nuôi lợn hướng nạc, vùng chăn nuôi bò sữa, vùng chăn nuôi bò thịt chất lượng cao).
Toàn tỉnh đã hình thành và phát triển 47 cụm, khu trang trại tập trung, hưởng chính sách hạ tầng phát triển khu trang trại tập trung của Hội đồng nhân dân tỉnh. Chỉ tính từ năm 2020 đến nay, tỉnh Thanh Hóa đã thu hút đầu tư 37 dự án chăn nuôi quy mô lớn với tổng mức đầu tư 17.493 tỷ đồng.
Toàn tỉnh Thanh Hóa hiện có 72 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chăn nuôi quy mô lớn, trong đó các doanh nghiệp chăn nuôi lớn có vốn đầu tư nước ngoài như: Công ty chăn nuôi C.P. Việt Nam, CJ, Japfa comfeed, Golden, Mavin, Newhope.
Hình thành chuỗi chăn nuôi theo hình thức gia công, đem lại hiệu quả cao cho người chăn nuôi khi tham gia vào chuỗi liên kết (Công ty C.P Việt Nam liên kết gia công 92 trang trại lợn, 42 trại gia cầm; Công ty CJ liên kết 18 trang trại lợn; Công ty Japfa Việt Nam liên kết với 4 trang trại lợn, 125 trang trại gia cầm…).
Các chuỗi liên kết đang phát huy hiệu quả và đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người chăn nuôi. Tại Thanh Hóa đã xuất hiện nhiều doanh nghiệp trong nước đầu tư xây dựng các dự án chăn nuôi quy mô lớn gắn với nhà máy chế biến hoặc giết mổ và định hướng xuất sản phẩm chăn nuôi như: Tập đoàn Vinamilk, Tập đoàn TH True milk, Tập đoàn DABACO...
Theo ông Đặng Văn Hiệp - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Thanh Hóa: "Trong thời gian tới, tỉnh Thanh Hóa tiếp tục phát triển ngành chăn nuôi theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đồng thời đẩy mạnh chăn nuôi hữu cơ, chăn nuôi truyền thống theo hướng hàng hóa chất lượng cao, an toàn.
Đẩy mạnh việc xã hôi hóa các hoạt động chăn nuôi, ứng dụng chuyển đổi số trong chăn nuôi, phát triển chăn nuôi phù hợp với kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế. Song song đó, đẩy mạnh công tác xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh và xây dựng được những chuỗi liên kết bền vững trong chăn nuôi, đáp ứng tốt thị trường xuất khẩu".
Khi được hỏi về chính sách để thu hút các nhà đầu tư trong nước và ngoài nước để phát triển nông nghiệp công nghệ cao, đặc biệt là trong lĩnh vực chăn nuôi, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cho biết: "Chúng ta đã thiết lập được một hệ thống văn bản quy phạm pháp luật rất đồng bộ. Luật chăn nuôi hiện có Một nghị định và bốn Thông tư. Gần đây, Thủ tướng Chính phủ đã ký bốn đề án và một đề án đang chờ ký. Năm đề án này bao gồm: Đề án phát triển công nghiệp sản xuất giống vật nuôi, đề án phát triển công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi, đề án phát triển ngành công nghiệp môi trường, đề án công nghiệp hỗ trợ, và đề án hướng đến đào tạo, bồi dưỡng nhân lực cho các lĩnh vực khoa học và công nghệ.
Khi thực hiện cùng lúc cả năm đề án này một cách đồng bộ, chúng ta sẽ có năm "binh chủng" để thúc đẩy ngành chăn nuôi, tiến tới mục tiêu công nghiệp hoá và hiện đại hoá cũng như nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường".