| Hotline: 0983.970.780

Chính quyền các cấp tại Hà Tĩnh có bất lực trước nỗi khổ của người dân

Thứ Tư 04/08/2021 , 22:14 (GMT+7)

Doanh nghiệp tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ nuôi bò, gà sang nuôi lợn để 1.600 con lợn đầu độc môi trường, hàng vạn dân hai xã trong vùng điêu đứng.

Người dân kéo đến bao vây trang trại lợn Khánh Giang mấy ngày nay. Họ kêu gào chính quyền và lãnh đạo Công ty này phải di dời đàn lợn. Ảnh: Tiến Phương.

Người dân kéo đến bao vây trang trại lợn Khánh Giang mấy ngày nay. Họ kêu gào chính quyền và lãnh đạo Công ty này phải di dời đàn lợn. Ảnh: Tiến Phương.

Che mắt chính quyền, thối mũi người dân

Năm 2015, Công ty TNHH Khánh Giang có địa chỉ tại 121 đường Quang Trung, phường Nam Hồng, thị xã Hồng Lĩnh do ông Đậu Tiến Sỹ làm Giám đốc được UBND tỉnh Hà Tĩnh phê duyệt quy hoạch và cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho dự án chăn nuôi bò sữa với quy mô 500 con.

Mục tiêu của dự án này là phát triển vùng nguyên liệu và xây dựng mô hình liên kết với các hộ nông dân; tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động và nhà đầu tư; góp phần thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới.

Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh yêu cầu Công ty Khánh Giang phải thực hiện dự án đúng tiến độ, đúng mục tiêu, quy hoạch, quy mô thiết kế được cấp có thẩm quyền phê duyệt và sử dụng đất đúng mục đích.

“Trường hợp Công ty TNHH Khánh Giang thực hiện dự án chậm tiến độ cam kết và quy định tại Giấy chứng nhận đầu tư thì UBND tỉnh sẽ chấm dứt hoạt động dự án, thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư theo quy định của pháp luật. Nhà đầu tư không được Nhà nước hoàn trả mọi chi phí đã đầu tư vào dự án”, văn bản UBND tỉnh Hà Tĩnh ngày 30/6/2015 nêu rõ.

Song thực tế từ chính quyền các cấp tại tỉnh Hà Tĩnh đã bị Công ty TNHH Khánh Giang lừa một cách ngoạn mục.

Lừa gì? Xin thưa, chủ đầu tư đã tự ý cải tạo các chuồng chăn nuôi gà để làm thành 4 chuồng chăn nuôi lợn thương phẩm. Hiện Công ty đang nuôi 1.600 con lợn với trọng lượng từ 50-100 kg. Trong khi dự án nuôi bò quy mô 500 con, hiện giờ theo báo cáo của Công ty chỉ có 20 con bò nái và 30 con trâu thịt.

Từ số lợn này được chăn nuôi trong điều kiện trang trại cải tạo bởi công năng của một loài vật nuôi khác là gà sang nuôi lợn và hệ thống xử lý nước thải cũng tạm bợ khiến hàng tấn phân lợn và nước thải đang tạo nên một bầu không khí nồng nặc mùi hôi thối phủ kín dân làng hai xã An Dũng và Thường Nga mà trọng tâm là mùi nồng nặc ấy đang đầu độc dân cư của các thôn Ngoại Xuân, Trà Liên, Chùa Hội, Đất Đỏ…

Người dân nói chỉ cần một tác động nhẹ là túi khí có thể bục ra mà phủ kín mùi nồng nặc cho cả dân làng. Ảnh: Tiến Phương.

Người dân nói chỉ cần một tác động nhẹ là túi khí có thể bục ra mà phủ kín mùi nồng nặc cho cả dân làng. Ảnh: Tiến Phương.

Khi người dân đang bị môi trường sống đầu độc bởi hàng ngàn con lợn mỗi ngày thải ra cả tấn phân và nước tiểu ấy thì ông Chủ tịch UBND huyện Đức Thọ nên đến đó để có một báo cáo thật từ thực tế mà chia sẻ với dân. Giải quyết ngay việc cho dân yên là yêu cầu Công ty Khánh Giang này di dời toàn bộ số lợn và tiến hành chăn nuôi theo đúng quy mô, quy hoạch của dự án. Đừng để dân nói rằng, chỉ người dân biết phân lợn là thối.

Kiểm tra ô nhiễm môi trường… trong phòng họp

Chiều 4/8, trong chương trình kiểm tra và làm việc của đoàn công tác do một lãnh đạo cấp phòng của Sở TN - MT tỉnh Hà Tĩnh dẫn đầu cùng lãnh đạo cấp phó và chuyên viên các xã Thường Nga, An Dũng tham dự tại phòng truyền thống xã An Dũng. Trong văn bản gửi các đơn vị tham dự cuộc họp, Sở TN - MT Hà Tĩnh yêu cầu lãnh đạo Công ty TNHH Khánh Giang chuẩn bị đầy đủ tài liệu phục vụ cuộc làm việc.

Được biết, trong chương trình, đoàn sẽ đi thực địa kiểm tra tại trang trại chăn nuôi lợn này của Công ty Khánh Giang nhưng có thể do trời nắng và mùi hôi thối nồng nặc nên đoàn khoảng 20 người đã không đi kiểm tra thực địa nữa mà nhóm họp luôn trong phòng điều hòa tại UBND xã An Dũng dưới sự điều hành của ông Phạm Hữu Tình, Trưởng phòng Môi trường, Sở TN - MT Hà Tĩnh.

Đoàn thừa hành chỉ đạo của lãnh đạo Sở về kiểm tra thực trạng ô nhiễm môi trường mà không ra thực địa thì không biết họ sẽ ngửi mùi gì để thẩm thấu nỗi đau của người dân mà báo cáo với cấp trên?

Không biết ở trong phòng làm việc, lãnh đạo chính quyền các cấp Hà Tĩnh mà trước hết là Chủ tịch UBND xã An Dũng và Chủ tịch UBND huyện Đức Thọ có thấu hiểu cho nỗi khổ người dân không? Ảnh: Tiến Phương.

Không biết ở trong phòng làm việc, lãnh đạo chính quyền các cấp Hà Tĩnh mà trước hết là Chủ tịch UBND xã An Dũng và Chủ tịch UBND huyện Đức Thọ có thấu hiểu cho nỗi khổ người dân không? Ảnh: Tiến Phương.

Trong xóm Ngoại Xuân này từng xảy ra việc một ông chồng vác dao sang nhà hàng xóm yêu cầu tháo khoán đàn lợn 20 con vì mùi hôi thối khiến cho người vợ mới sinh và cháu bé chưa đầy 10 ngày tuổi liên tục lên cơn nấc. Thế thì huống hồ gì bây giờ 1.600 con lợn với hàng tấn phân, nước tiểu tràn ra khắp như thế, ngay trước cửa làng thì dân tình nào mà chịu đựng được.

Ông Đào Xuân Nam, cựu Chủ tịch UBND xã An Dũng

Rất tình cờ, PV có mặt cùng thời điểm tại xã An Dũng và có đề nghị nếu được thì xin tham dự cuộc họp để được nghe đầy đủ hơn ý kiến các bên. Tuy nhiên, chủ trì cuộc họp từ chối và cho rằng đây chỉ là bước đầu Phòng lắng nghe cái đã rồi sau báo cáo với lãnh đạo Sở xem thế nào mới cung cấp thông tin cho báo chí sau.

Lịch làm việc của PV là có hẹn với bà Chủ tịch UBND xã Bùi Thị Bảy xung quanh vấn đề này. Tuy nhiên đầu giờ bà có cuộc họp đột xuất ở huyện nên bà đã không ở nhà. Sau đó PV đã ra thực địa nơi trang trại chăn nuôi lợn của Cty Khánh Giang.

Do nhìn thấy có nhiều người dân tụ tập ở khu vực quanh trang trại nên chúng tôi đã không ra ngay đó mà ghé vào một số hộ dân còn có người ở nhà để tìm hiểu.

Gõ cửa một quán tạp hóa bên đường, may mắn cho chúng tôi lại gặp cựu công chức Tư pháp xã An Dũng, ông Nguyễn Viết Lượng. Hỏi chuyện về trang trại lợn Khánh Giang, ông Lượng cho hay, mùi hôi thối tập trung vào các khung giờ buổi sáng và sau 21h đêm. Buổi chiều thì ở hướng gió bên kia làng còn vào trong trại thì đương nhiên nồng nặc rồi.

“Mùi hôi thối từ phân lợn làm đảo lộn hết cuộc sống của dân chúng”, ông Lượng thở dài.

Còn cựu Chủ tịch UBND xã An Dũng, ông Đào Xuân Nam nhà cách đó mấy ngõ thì đặt nghi vấn việc rửa chuồng lợn của Công ty có thể diễn ra vào sau 21h nên tầm đấy dân chúng rất tức tưởi, không tài nào chịu nổi mùi hôi thối. Khổ sở nhất là người già và trẻ em.

Cũng theo ông Nam và ông Lượng, chiều 3/8, Chi bộ tiếp tục triệu tập cuộc họp và trọng tâm là đề nghị cấp ủy báo cáo với Đảng bộ có chính kiến gửi lên cấp trên nhằm sớm giải quyết dứt điểm khu trang trại chăn nuôi lợn này.

Còn trước đó, người dân hai xã An Dũng và Thường Nga đã kéo nhau lên cổng Công ty yêu cầu dừng việc xả thải nước tiểu ra cánh đồng và ra dòng nước đập Kẻ Chuần. Người dân yêu cầu Công ty trong ngày một ngày hai phải di dời toàn bộ số lợn đi nơi khác.

Tuy nhiên, mọi kêu gào của người dân vẫn chưa thấy hướng giải quyết nào thể hiện rõ trách nhiệm và nhất là đúng với yêu cầu các quy định pháp luật và Quyết định trước đó của UBND tỉnh.

Địa phương có nhiều người chết trẻ vì ung thư

Chiều gần tà, nắng miền Trung vẫn như đổ lửa. Chúng tôi quyết định đi vào khu trạng trại với mong muốn gặp người có trách nhiệm. Tiếc thay, có mấy người trong trại ra can ngăn xua đuổi. Trong khi bên ngoài, người dân kéo về khu vực trang trại mỗi lúc một đông. Anh bạn đi cùng tôi, đã nhanh chóng trong lúc tôi đang đặt vấn đề để làm việc, anh đã tiếp cận được một số khu vực để ghi lại được hình ảnh bên trong khu chăn nuôi tạm bợ ấy.

Quan sát kỹ, chúng tôi thấy một hệ thống đường ống nối sâu từ phía trong trạng trại vắt qua đường bờ kênh Linh Cảm, bám qua cầu, vượt kênh. Người dân chỉ vào đường ống này và nói với chúng tôi, một lượng lớn nước thải của lợn được bơm lên tưới cho vạt cỏ trên đồi kia. Mỗi lần công nhân tưới cỏ và gió lên thì toàn bộ dân chúng gào lên như có cháy nhà. Họ nói, chúng tôi không thể sống nổi nữa rồi.

Người của Công ty Khánh Giang không cho chúng tôi vào gặp người có trách nhiệm để làm việc. Ảnh: Tiến Phương

Người của Công ty Khánh Giang không cho chúng tôi vào gặp người có trách nhiệm để làm việc. Ảnh: Tiến Phương

Bà Nguyễn Thị Thư, Bí thư Chi bộ thôn Chùa Hội, xã Thường Nga, nói với chúng tôi rằng, nhà ở gần trang trại lợn nên cũng dần xa anh em, bạn bè. Mấy tháng trời mùi phân lợn nồng nặc, ăn không ngon, ngủ không yên. Đang chuẩn bị ăn cơm bỗng đâu mùi phân lợn ập đến cứ như ai đổ cả đống phân trước sân. Thế thì bảo, anh em bạn bè, nhất là người ở xa muốn đến chơi cũng ngại.

Ngồi bên cạnh chị Thư, ông Trần Xuân Hà, thôn trưởng cho biết, nhiều lãnh đạo xã cũng kêu gào, bất lực trước mùi hôi thối này. Nhiều hôm làm việc mà không tài nào chịu nổi. Hôm họp HĐND xã mới đây có đại diện lãnh đạo huyện về dự họp mà vừa ngại ngần vừa khổ sở về mùi hôi thối ấy.

“Tôi từng đề nghị địa phương tổ chức điều tra trong khoảng 5 -10 năm trở lại đây về số người chết bị bệnh ung thư trên địa bàn xã. Thấy người dân ngày càng nhiều bị căn bệnh quái ác này. Không đâu xa, quanh chỗ này, cũng đã có 6-7 người bị ung thư ác tính rồi, đầu năm lại nay đã mấy người chết trẻ”, bà Thư lo lắng.

Qua điện thoại, ông Nguyễn Trung Kiên, Phó Chủ tịch UBND xã Thường Nga cho biết, xã đã có nhiều lần kiến nghị đến HĐND tỉnh và văn bản lên huyện rồi nhưng đến nay vẫn chưa thấy ai trả lời.

Nói như bà Bí thư Chi bộ thôn Chùa Hội, dường như chính quyền đang bất lực trước nỗi đau khổ của người dân.

Bí thư và Trưởng thôn Chùa Hội nói dường như chính quyền bất lực trước nỗi khổ của người dân. Ảnh: Tiến Phương

Bí thư và Trưởng thôn Chùa Hội nói dường như chính quyền bất lực trước nỗi khổ của người dân. Ảnh: Tiến Phương

Khi biết tôi về đây, em Hà, một thanh niên trẻ đã từng làm việc ở TP Vinh với nhiều hoài bão chẳng may năm ngoái bị bệnh quái ác nằm liệt giường, nhà cách khu trang trại chưa đầy cây số, nhắn tin: "Anh ơi, cứu dân làng mình với. Em nhiều hôm quằn quại trên giường, không thể nào đi được để tránh cái mùi nồng nặc ấy. Mùi hôi thối từ phân lợn càng khiến bệnh tình em trầm kha hơn, anh ạ!".

Không biết ở trong phòng làm việc, lãnh đạo chính quyền các cấp Hà Tĩnh mà trước hết là Chủ tịch UBND xã An Dũng và Chủ tịch UBND huyện Đức Thọ có thấu hiểu cho hay không? Xin nhắc lại rằng, doanh nghiệp Khánh Giang che được mắt chính quyền nhưng không thể bịt được cái mũi của người dân!   

Xem thêm
Công tác nhân sự đại hội Đảng các cấp phải thực hiện nghiêm, đúng nguyên tắc

Ngày 20/11, Đảng ủy Bộ NN-PTNT tổ chức Hội nghị tập huấn công tác tổ chức đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2025 - 2030 cụm khu vực huyện Thanh Trì, Hà Nội.

Quảng Nam sẽ là trung tâm sản xuất, cung ứng giống sâm Ngọc Linh

Mục tiêu đến năm 2035, tỉnh Quảng Nam phấn đấu trồng 10.000ha sâm Ngọc Linh, phát triển sâm Ngọc Linh thành ngành hàng mang thương hiệu quốc tế, có giá trị xuất khẩu cao.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Ghi ở 'thủ phủ' phế liệu Hà Nội [Bài 3]: Cân bằng là thách thức!

Mặc dù có thể giảm thiểu nhưng việc loại bỏ hoàn toàn ô nhiễm song song với phát triển kinh tế tại các làng nghề hiện vẫn là thách thức lớn.