Nâng khống, gửi giá, hối lộ để độc quyền bán test xét nghiệm
Cáo buộc của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao (VKSNDTC) cho biết, căn cứ trên kết quả thực nghiệm điều tra; kết quả điều tra tại Bộ Y tế và các đơn vị cung cấp hóa chất đầu vào cho Công ty Việt Á phục vụ sản xuất test xét nghiệm; hồ sơ, tài liệu, hóa đơn, chứng từ và hạch toán chi phí của Công ty Việt Á trong sản xuất test xét nghiệm; kết quả trưng cầu giám định chất lượng test xét nghiệm; kời khai của Phan Quốc Việt và các bị can, đối tượng liên quan, xác định:
Trong các năm 2020, 2021, tổng số tiền Việt Á đã chi để mua 11 hóa chất trực tiếp là hơn 386,465 tỷ đồng; hóa chất còn tồn kho trị giá hơn 21,6 tỷ đồng; tổng số tiền thực chi là hơn 364 tỷ đồng. Tổng số test xét nghiệm sản xuất là 8.778.986 bộ. Như vậy, chi phí nguyên vật liệu trực tiếp trung bình 41.557 đồng/bộ test.
Giá thành sản xuất gồm chi phí nguyên vật liệu; các loại chi phí khác, lợi nhuận 5%, thuế tương đương hơn 147 ngàn đồng/bộ test.
Tính toán theo công thức: Hậu quả thiệt hại = Số lượng test xét nghiệm (4.573.640 test) x giá bán test xét nghiệm của Việt Á là 143.461 đồng/test), số tiền thiệt hại là 1.235.597.697.353 đồng (hơn 1.235 tỷ đồng) tại 19 tỉnh, thành phố trên cả nước; gây thiệt hại tài sản nhà nước hơn 402 tỷ đồng.
Sau khi được Bộ Y tế cấp sổ đăng ký lưu hành tạm thời test xét nghiệm, Việt Á sản xuất và tiêu thụ test xét nghiệm tại các địa phương trên cả nước. Để tiêu thụ được số lượng lớn và thanh toán theo giá đã nâng khống, Phan Quốc Việt nhờ Nguyễn Thanh Long (khi đó là Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế), Nguyễn Huỳnh (Phó trưởng phòng Quản lý giá – Cục Quản lý Dược – Bộ Y tế; nguyên Thư ký của Nguyễn Thanh Long); Nguyễn Văn Trịnh (Thư ký Phó Thủ tướng) can thiệp, tác động một số lãnh đạo cấp tỉnh cho Việt Á được cung cấp test xét nghiệm tại các địa phương; trực tiếp chỉ đạo 7 nhân viên phụ trách vùng của Công ty Việt Á liên hệ, thỏa thuận, thống nhất với lãnh đạo, cán bộ của Sở Y tế, bệnh viện, CDC các tỉnh hoặc công ty trung gian để bàn giao test xét nghiệm, các thiết bị, vật tư y tế cho đơn vị sử dụng trước sau đó thông đồng hợp thức hồ sơ thầu, chào hàng cạnh tranh, ký kết hợp đồng mua bán để được chuyển tiền thanh toán.
Công ty Việt Á/công ty trung gian cung cấp thông số kỹ thuật sản phẩm và báo giá của Việt Á và các công ty trong hệ thống Việt Á hoặc của các đơn vị có mối quan hệ quen biết, đối tác của Phan Quốc Việt để thể hiện mức báo giá thấp nhất. Tiếp đó, các Sở Y tế, bệnh viện, CDC các tỉnh sử dụng báo giá này tiếp tục thông đồng với các công ty thẩm định giá, hợp thức thủ tục, ban hành chứng thư thẩm định giá theo giá Việt Á đưa ra hoặc trực tiếp đưa vào hồ sơ dự toán, hồ sơ thầu bằng 4 hình thức (đấu thầu rộng rãi, chào thầu qua mạng hoặc chỉ định thầu thông thường, chỉ định thầu rút gọn).
Quá trình thông đồng để hợp thức hồ sơ thầu, thanh toán theo hợp đồng mua bán, Việt trực tiếp hoặc chỉ đạo việc thỏa thuận ăn chia tiền % ngoài hợp đồng để đưa hối lộ/cảm ơn cho các cá nhân thuộc các đơn vị liên quan bằng hình thức chuyển khoản hoặc tiền mặt.
Chiếm đoạt đề tài nghiên cứu của Nhà nước để kinh doanh
Cơ quan truy tố báo buộc, đầu năm 2020, dịch Covid-19 bùng phát ở Trung Quốc và lây lan đến nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam. Trước tình hình trên, Chính phủ đã triển khai nhiều chủ trương, biện pháp để ứng phó trong đó có giao cho Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan chủ động, tích cực triển khai việc nghiên cứu, chế tạo sinh phẩm phục vụ công tác phòng, chống dịch.
Với mục đích để Công ty Việt Á được tham gia đề tài nguyên cứu, chế tạo test xét nghiệm (viết tắt Đề tài) do Bộ Khoa học và Công nghệ duyệt, Việt đã thông đồng với Trịnh Thanh Hùng – Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ các ngành kinh tế, kỹ thuật đề xuất, tác động với lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ ký các văn bản triển khai thực hiện Đề tài.
Trong đó, giao Học viên Quân y chủ trì, Công ty Việt Á phối hợp thực hiện các nhiệm vụ của Đề tài với nguồn kinh phí 18,9 tỷ đồng từ ngân sách Nhà nước; ký thành lập Hội đồng nghiệm thu Đề tài (nghiệm thu giai đoạn 1, không có trong kế hoạch của Đề tài) để Công ty Việt Á sử dụng kết quả nghiệm thu này làm và nộp hồ sơ xin cấp số đăng ký lưu hành Test xét nghiệm không đúng quy định của pháp luật, vi phạm quyền sở hữu của Nhà nước đối với sản phẩm nghiên cứu của Đề tài.
Phan Quốc Việt sau đó tiếp tục thông đồng với Trịnh Thanh Hùng tác động đến các bị cáo có thẩm quyền tại Bộ Y tế, Văn phòng Chính phủ, nhờ những người này trực tiếp thực hiện hoặc can thiệp với cơ quan, người có thẩm quyền khác thực hiện việc thẩm định test xét nghiệm, cấp số đăng lý lưu hành không đúng chủ sở hữu, hiệp thương giá, công bố giá hiệp thương (nâng khống giá test xét nghiệm gấp nhiều lần so với giá trị thực), xử lý kết quả kiểm tra giá hiệp thương trái quy định của pháp luật.
Các việc này nhằm tạo điều kiện cho Công ty Việt Á sản xuất, bán thương mại test xét nghiệm trên phạm vi cả nước.
Ngoài việc sử dụng mối quan hệ quen biết cá nhân, Phan Quốc Việt còn dùng tiền để tác động các bị cáo có vị trí, chức vụ, quyền hạn thực hiện hành vi trái pháp luật, tạo lợi thế bất hợp pháp cho Công ty Việt Á gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Công ty Việt Á được thành lập từ năm 2007 với vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng gồm 4 cổ đông: Phan Quốc Việt (Chủ tịch HĐQT - Tổng giám đốc), Đồng Sỹ Huy, Hồ Thị Thanh Thủy (vợ Việt); Võ Anh Triết đều là Phó Tổng Giám đốc.
Ngoài ra, Việt còn thành lập và điều hành hệ thống 15 công ty, cửa hàng để phục vụ hoạt động đấu thầu tại các tỉnh/thành phố trên cả nước để làm “quân xanh”, cung cấp báo giá khi hợp thức hồ sơ đấu thầu các gói thầu mua bán test xét nghiệm, sinh phẩm, vật tư y tế; sử dụng tài khoản cửa hàng Âu Lạc để chuyển tiền % ngoài hợp đồng cho các đơn vị, cơ sở y tế.