Tự mình trải nghiệm
Bà Khâu Tường Linh (Shiny), Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Phát triển Nông trại Du lịch Đài Loan chia sẻ, để giáo dục thực nông hoạt động bài bản, hiệu quả, khơi dậy tinh thần yêu nông nghiệp và tôn trọng những người làm nông trong thế hệ trẻ, Ủy ban Nông nghiệp và Ủy ban Giáo dục Đài Loan có ký kết quy chế phối hợp xây dựng các tiêu chí, tiêu chuẩn.
Sau đó, Ủy ban Nông nghiệp Đài Loan có trách nhiệm tuyển chọn, thẩm định các nông trại, nhà máy sản xuất nông nghiệp lương thiện, nông nghiệp hữu cơ đủ điều kiện đón học sinh tới tham quan, trải nghiệm và đăng công khai lên website để các nhà trường gần đó lựa chọn.
Có một điểm đặc biệt và đồng nhất ở tất cả các nông trại, nhà máy đón học sinh tới tham quan giáo dục thực nông là đều xây dựng ra những công đoạn an toàn để học sinh tự mình trải nghiệm làm nông dân.
Tại trang trại nấm Bách Cô Trang (Aliang Mushroom Garden) thuộc TP Đài Trung, học sinh đến đây ngoài mục đích chính là tìm hiểu quá trình hình thành và phát triển của cây nấm từ công đoạn làm phôi, cấy giống, chăm sóc tới thu hái còn được học về “nông nghiệp tuần hoàn” tức là nông nghiệp không bỏ đi thứ gì.
Đúng hôm chúng tôi đến có một đoàn các em nhỏ cùng cha mẹ tới thăm trang trại nấm Bách Cô Trang. Tại đây, các em được tự tay làm bịch phôi nấm, tự tay được thu hái nấm.
Đặc biệt, các em được tự mình đi thu nhặt những quả trứng gà được nuôi trên nền đệm lót sinh học từ phế thải bịch nấm sau khi thu hoạch, đồng thời thức ăn cho đàn gà cũng có thành phần là các chân nấm bị loại bỏ trong quá trình sơ chế.
Sau đó, từ những quả trứng gà và cây nấm vừa hái các em học sinh được hướng dẫn và tự mình làm món trứng hấp nấm và thưởng thức tại chỗ trước khi kết thúc một buổi trải nghiệm.
Trong khi Bách Cô Trang ở TP Đài Trung giáo dục học sinh về nông nghiệp tuần hoàn thì trang trại Tiên Hồ (Fairy Lake Leisure Farm) ở TP Đài Nam lại viết lên câu chuyện lịch sử và triết lý làm nông nghiệp của hòn đảo Đài Loan.
Nổi tiếng là một trang trại trồng nhãn kết hợp cà phê, ông chủ đời thứ 6 của Tiên Hồ là Ngô Khản Tường đã viết nên một câu chuyện về quá trình cha ông mình lên núi khai hoang, lập nghiệp, phát hiện ra cây nhãn tổ rồi từ đó nhân giống và phát triển nó đến ngày hôm nay.
Từ thực tiễn các công đoạn chăm sóc, thu hái, chế biến long nhãn, Ngô Khản Tường đã vẽ ra 9 bức tranh để du khách và các em học sinh hiểu được nỗi vất vả của những người làm nông, từ đó quý trọng và sử dụng tiết kiệm các sản phẩm nông nghiệp mà các em sử dụng hàng ngày. Sau đó, tên 9 bức tranh gắn liền với 9 triết lý làm nông này sẽ được chọn đặt tên cho 9 phòng nghỉ tại Tiên Hồ.
Ngoài ra, tại Tiên Hồ, du khách và các em học sinh còn có công đoạn trải nghiệm làm bầu cây cà phê, làm các loại bánh từ long nhãn và đặc biệt là tự tay chế biến bữa ăn dưới sự hướng dẫn của các đầu bếp.
Nhà máy xát gạo cũng có thể thành nơi giáo dục thực nông hiệu quả
Đài Loan là hòn đảo có diện tích khiêm tốn trên 36.000km2, địa hình chủ yếu là đồi núi, dân số gần 24 triệu người, nhưng về cơ bản đến nay Đài Loan đã tự chủ được lương thực, thực phẩm.
Chính bởi vậy, người Đài Loan rất trân quý hạt gạo, điều chúng tôi thường xuyên được nhắc nhở khi tới Đài Loan là trong các bữa ăn hạn chế tối đa việc bỏ thừa cơm hay thực phẩm.
Đó chính là một trong những lý do để một nhà máy xay xát gạo mang tên Hồng Xương (Hung Chang Rice Miller) ở TP Đài Nam thời gian gần đây trở thành địa chỉ đỏ thu hút du khách, đặc biệt là các em học sinh tới tham quan, trải nghiệm tìm hiểu về ngành lúa gạo xứ Đài.
Anh Tăng Diêu Tân, con trai thứ 3 cũng là thế hệ thứ 3 của Nhà máy xay xát gạo Hồng Xương chia sẻ, dù thu nhập từ hoạt động du lịch trải nghiệm đóng góp rất nhỏ trong cơ cấu doanh thu của Nhà máy, nhưng anh Tân cùng bố mẹ và các anh chị trong gia đình vẫn quyết định cải tạo Nhà máy xay xát gạo Hồng Xương thành địa điểm giáo dục thực nông thực sự ý nghĩa với thế hệ trẻ. Chúng tôi nhận thấy trách nhiệm với đất nước với nền nông nghiệp của một trong những nhà máy xay xát gạo lớn nhất Đài Nam.
Hồng Xương hiện sở hữu 2 nhà máy xay xát gạo, nhà máy đầu tiên có 7 silo, mỗi silo chứa được 500 tấn thóc và nhà máy thứ 2 với 3 silo, công suất chứa 4.500 tấn thóc.
Theo quy định của Đài Loan, với đất nông nghiệp, diện tích xây dựng không vượt quá 40% nên những diện tích đất trống còn lại, Nhà máy Hồng Xương tiến hành xây dựng cảnh quan cây xanh và không gian trải nghiệm cho du khách và học sinh.
Tới Nhà máy Hồng Xương, du khách và học sinh được trải nghiệm mọi công đoạn, quy trình của người làm nông, từ cấy lúa, gặt lúa, tuốt lúa, tới xay xát gạo tự động thành nhiều công đoạn sao cho hạt gạo giữ được chất lượng tốt nhất, đạt tỷ lệ đồng đều nhất.
Ngoài ra, du khách và học sinh còn được tự tay học cách nấu cơm sao cho ngon, cách phân biệt các loại gạo, được làm cơm nắm, cơm cuộn và đặc biệt được tham gia vào công đoạn đóng gạo hỷ, gạo phúc, lộc, thọ (Đài Loan có văn hóa tặng gạo tại đám cưới, dịp lễ, tết, chúc thọ - PV).
Anh Tăng Diêu Tân cho biết, hiện Nhà máy Hồng Xương đang trồng và xay xát ba giống lúa chủ lực của Đài Loan là Đài Nam 08, Đài Nam 20 và Đài Nông 84. Tại Đài Loan, toàn bộ các giống cây trồng đều trực thuộc sở hữu, quản lý của nhà nước.
Còn một điều đặc biệt khác tại Nhà máy xay xát gạo Hồng Xương, khi tới đây trải nghiệm, du khách và học sinh không chỉ được học và hiểu tường tận quy trình làm ra hạt thóc, hạt gạo mình ăn hàng ngày mà còn được chiêm nghiệm câu chuyện quản trị và chuyển giao thế hệ của gia đình họ Tăng.
Theo đó, ông Tăng có 3 người con trai, như Việt Nam hay nói đùa với nhau là “tam nam bất phú”, tức nhà nào có 3 người con trai thì khó mà giàu có được, nhưng với gia đình ông Tăng thì lại là “tam nam vẫn phú”.
Ngoài Tăng Diêu Tân là con trai út phụ trách khâu bán hàng và thương mại, hai người con trai khác của ông Tăng một phụ trách nhập và sấy thóc và một phụ trách xay xát gạo.
Mỗi người trong gia đình ông Tăng đều cố gắng làm tốt nhất công việc của mình, chính nhờ vậy mà Nhà máy Hồng Xương hiện là một trong những nhà máy xay xát gạo lớn nhất Đài Loan và cũng là nhà máy dẫn đầu hòn đảo xinh đẹp này về xuất khẩu sản phẩm gạo đi những quốc gia tiêu chuẩn hàng đầu thế giới như Nhật Bản, EU, Mỹ, Anh… nhiều năm liên tiếp.
Ủy ban Nông nghiệp Đài Loan có một đơn vị gọi là Trung tâm cải tạo giống cây trồng. Trung tâm này có chức năng tuyển chọn, lai tạo các giống cây bản địa cũng như giống nhập ngoại sao cho phù hợp và hiệu quả nhất với đồng đất, khí hậu và canh tác, chế biến của Đài Loan.
Bình quân hàng năm, Trung tâm cải tạo giống cây trồng Đài Loan sẽ đưa ra thị trường 5 giống lúa mới để doanh nghiệp, nông dân trồng thử nghiệm.
Quá trình đưa vào thực tế, nếu giống lúa nào đáp ứng được tất cả các công đoạn từ gieo trồng, chăm sóc đến xay xát, chế biến và hương vị sẽ được đưa vào cơ cấu sản xuất chính.