| Hotline: 0983.970.780

Trải nghiệm xe buýt… đường sông

Thứ Sáu 05/01/2018 , 08:58 (GMT+7)

Lần đầu tiên tại Việt Nam, TP.HCM vận hành tuyến xe buýt đường sông với mong muốn người dân thành phố có thêm một loại hình vận tải mới nhằm giảm nạn kẹt xe.

Phải mất hai ngày tôi mới "săn" được tấm vé chuyến số 1 khởi hành từ Bến Đằng (quận 1) và kết thúc tại phường Linh Đông (quận Thủ Đức) với chiều dài chừng 10km.

19-08-21_1
Hành khách xếp hàng chờ đợi nhận vé ở bến Bạch Đằng giữa cái nắng nóng của Sài Gòn

6h, tôi đến bến Bạch Đằng đã thấy đoàn người xếp hàng dài trước phòng vé. Họ đến đông không phải bởi vì vé miễn phí trong 10 ngày đầu mở cửa mà muốn được trải nghiệm cảm giác đầu tiên trên phương tiện mới lạ trên dòng sông Sài Gòn mênh mông.

Hành khách Trần Minh Dương (59 tuổi) cho biết: Tôi ở Bình Dương, xem truyền hình thấy lần đầu tiên tại TP. Hồ Chí Minh đưa tuyến xe buýt đường sông vào hoạt động phục vụ công cộng, tôi cũng muốn đi thử cho biết.

Theo ghi nhận của chúng tôi, nhiều hành khách may mắn được trải nghiệm trên buýt sông (chiều đi) nhưng khi cập bến muốn mua vé chiều về thì phòng vé thông báo đã hết. Bản thân tôi phải xếp hàng ngày thứ hai mới mua được tấm vé (15.000 đ/vé) chiều đi, khi quay về do hết vé đành phải đi xe ôm, nhiều người phải bắt taxi, uber, grab.

Hành khách Nguyễn Thị Thu Thảo (quận Thủ Đức) chia sẻ: Tôi làm ở quận 1, thấy có tuyến buýt đường sông nên đi thử. Từ bến Linh Đông tới bến Bạch Đằng phải đứng chờ mấy tiếng mới mua được tấm vé  và phải đợi gần hai tiếng đồng hồ tàu bắt đầu khởi hành. Lên tàu được đi trên sông nước cảm giác rất thích vì gió mát và tốc độ của tàu cũng nhanh. Tuy nhiên, giá vé còn cao (15.000 đồng/vé) và bất tiện bởi đến bến lại phải bắt xe đi tiếp để đến chỗ làm thì đã muộn giờ làm.

19-08-21_4
Người già được bảo vệ bến Bạch Đằng đỡ lên cẩn thận

Ông Trần Long (ngụ quận Bình Thạnh) chia sẻ: Tôi tò mò muốn đi xe buýt đường sông như thế nào nên đến bến Bạch Đằng từ 5h sáng mới mua được vé chuyến 8h30. Khi đi tới bến Linh Đông (quận Thủ Đức) nhân viên ở đây chẳng một ai hướng dẫn chỉ lối đi đâu hay có chuyến đi về được không.

Bản thân tôi để có được tấm vé cũng phải đi thật sớm đến bến Bạch Đằng cho chuyến 8h. Như bao hôm trước, có rất nhiều người xếp hàng. Ông Châu Minh Chinh, TGĐ Công ty RDCO, chia sẻ: Vì công ty hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp nên khi biết thành phố có xe buýt đường sông, tôi khuyến khích nhân viên của mình đi xe buýt đường thuỷ để bảo vệ môi trường góp phần giảm thiểu nạn kẹt xe đường bộ. Hôm nay, chúng tôi đi thử, nếu thuận tiện thì công ty sẽ hỗ trợ kinh phí cho nhân viên đi tuyến buýt này. Mặc dù tôi cùng mọi người xếp hàng từ 6h sáng nhưng sau đó phòng vé thông báo đã hết vé 4 chuyến sáng, trưa, chỉ còn chuyến 17h30 và 18h nên nhiều người bỏ về.

Đúng 17h30 tôi xếp hàng qua trạm soát vé lên chiếc tàu số 2 với hơn 50 hành khách, có vẻ ai cũng phấn khích. Cảm giác đầu tiên lên tàu đó là trang thiết bị khá đầy đủ từ rèm cửa, máy lạnh, áo phao, bình chữa cháy… cùng bảng hướng dẫn rất chi tiết. Đặc biệt trên tàu có nhà vệ sinh sạch sẽ nằm cuối boong, giúp nhiều người không lo đi đường xa…

19-08-21_nh_11
Ảnh: Văn Quân

Khoảng 5 phút sau tàu bắt đầu chạy sau tiếng còi báo hiệu, tôi được ngồi đằng sau boong. Tàu chạy xa dần bến phà Bạch Đằng, không gian rộng lớn hiện ra như một bức tranh phong thủy được vẽ lên từ màu sông nước. Lúc này, trước phong cảnh sông nước hữu tình, nhiều hành khách cầm lòng không đặng đã đua nhau chụp hình với đủ kiểu cùng những nụ cười tươi… Quả thật, hiếm có khi nào tôi thấy trên một chuyến xe có nhiều nụ cười đến thế.

Tàu đi khoảng 15 phút thì dừng 5 phút ở trạm Bình An sau đó đi tiếp đến trạm Thanh Đa, Hiệp Bình Chánh… Từ Trạm Bình An đến trạm Linh Đông hành khách luôn cảm nhận những hình ảnh lung linh trong ánh đèn đang dần hiện lên trong buổi xế chiều. Nhiều nhà hàng ven sông bắt đầu nhộn nhịp ca hát, cùng những tiếng cụng ly cùng những âm thanh náo nhiệt… Sau đó, khi tới trạm Bình Quới thì không gian hiện ra bình yên đến lạ. Những bụi lau sậy, những đám dừa nước cứ trải dài ven sông như đưa hành khách về xứ miền Tây sông nước.

19-08-21_9
Những du thuyền cùng các chung cư cao cấp hiện ra trước mắt hành khách

Bạn Trần Thị Ngọc, ngụ quận 3 vui vẻ cho hay: Em đi từ sáng sớm xếp hàng lấy được tấm vé đi buýt cho biết, xem có thuận tiện để mình sử dụng dịch vụ vào công việc không. Đi rồi mới biết không phù hợp cho đi làm. Khi lên tàu thì rất thích vì mát mẻ, chạy êm và nhanh, nhưng thực tế khâu dịch vụ từ bán vé còn chưa tốt, rất mong nhà điều hành khắc phục tình trạng này.

Sau hơn 45 phút, chúng tôi cũng đến được bến cuối. Ai nấy đều nở nụ cười thích thú khi cũng được trải nghiệm đi buýt trên sông Sài Gòn. Lúc này tuy đã tối nhưng ai cũng tỏ ra thoải mái, nhiều người thì đi về bằng taxi với số tiền đắt hơn nhiều lần vé tàu.

19-08-21_6
Nụ cười phấn khích của hành khách sau khi trải nghiệm

Có thể nói, dù còn nhiều bất tiện khi đi xe buýt đường thuỷ nhưng cũng phải nói nếu tạo ra sự thuận tiện về mua vé hay các trạm lên xuống thì xe buýt đường thuỷ sẽ là lựa chọn của rất nhiều người. Bởi ở đó người ta không chỉ coi là một phương tiện vận chuyển công cộng mà còn là dịp để tận hưởng không khí sông nước hữu tình sau một ngày làm việc mệt mỏi…

Xem thêm
Nghị quyết về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia

Tổng Bí thư Tô Lâm vừa ký ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Báo Nông nghiệp Việt Nam xin trân trọng giới thiệu toàn văn Nghị quyết.

Nông nghiệp dẫn lối, tương lai rộng mở trên vùng đất Si Ma Cai

LÀO CAI Si Ma Cai đổi thay từng ngày từ nông nghiệp, nơi những mùa quả ngọt không chỉ mang lại thu nhập mà còn thắp sáng hy vọng về một tương lai no đủ, bền vững.

Nậm Tông hồi sinh giữa lòng núi rừng

Lào Cai Giữa sương mai bồng bềnh, Nậm Tông thức giấc trong ánh vàng dịu nhẹ, những mái nhà mới khoác màu đất ấm áp vẽ nên bức tranh hồi sinh kỳ diệu.