| Hotline: 0983.970.780

Thứ Năm 28/03/2024 , 19:53 (GMT+7)
Lê Thiếu Nhơn

Lê Thiếu Nhơn

Nhà thơ 19:53 - 28/03/2024

Trái phiếu doanh nghiệp bao giờ lấy lại niềm tin khách hàng?

Trái phiếu doanh nghiệp là kênh thu hút tài chính đang đối mặt không ít thử thách, khi nhiều chủ doanh nghiệp bị xử lý vì hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Trái phiếu doanh nghiệp là loại chứng khoán có kỳ hạn từ 01 năm trở lên do doanh nghiệp phát hành, xác nhận nghĩa vụ trả nợ gốc, lãi và các nghĩa vụ khác (nếu có) của doanh nghiệp đối với người sở hữu trái phiếu. Thế nhưng, thị trường trái phiếu doanh nghiệp lại đang khá ảm đạm do nhà đầu tư nghi ngại những thủ đoạn gian trá của vài doanh nghiệp "con sâu làm rầu nồi canh". 

Những vụ án "lừa đảo chiếm đoạt tài sản" đã phanh phui, được hội đồng xét xử đánh giá hành vi phạm tội của các bị cáo là đặc biệt nghiêm trọng, trực tiếp xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản của người khác, với số tiền đặc biệt lớn của rất nhiều người. Bằng hình thức phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, họ đã huy động vốn và sử dụng không đúng mục đích phát hành trái phiếu, hòng chiếm đoạt hàng ngàn tỷ đồng.

Không khó khăn để thấy rằng, thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang tồn tại nhiều rủi ro, từ báo cáo tài chính bị chỉnh sửa, hợp đồng kinh tế bị ngụy tạo đến chứng thư thẩm định bị phù phép tùy tiện. Vậy thì, cần làm gì để lấy lại niềm tin khách hàng?  

Về mặt pháp lý, các văn bản quy định dành cho trái phiếu doanh nghiệp đã khá đầy đủ, nhưng lại không bảo đảm cơ chế giám sát và kiểm tra. Ngay cả trái phiếu không chuyển đổi hoặc trái phiếu không kèm theo chứng quyền, thì nhà đầu tư cũng không thể nắm rõ khả năng đáp ứng các tỷ lệ an toàn tài chính lẫn đảm bảo dư nợ phát hành riêng lẻ, khi cơ quan chuyên môn không tham gia một cách tích cực.

Một nền kinh tế, nếu không củng cố và phát triển trái phiếu doanh nghiệp thì sẽ lãng phí nguồn lực cộng đồng. Bởi lẽ, quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp của Việt Nam vẫn còn rất khiêm tốn, chỉ khoảng 11% GDP. Trong khi đó, trái phiếu doanh nghiệp ở các nước xung quanh đều vượt trội, Trung Quốc khoảng 36% GDP, Hàn Quốc khoảng 89% GDP, Singapore khoảng 26% GDP, Thái Lan khoảng 27% GDP….

Muốn tránh hệ lụy tương tự các vụ án "lừa đảo chiếm đoạt tài sản" từng xảy ra, nhằm vực dậy thị trường trái phiếu doanh nghiệp, không có biện pháp nào khác là nâng cao vai trò điều phối và quản lý. Cần nhanh chóng chấn chỉnh các tổ chức trung gian tài chính, các tổ chức tư vấn phát hành, các tổ chức kiểm toán, các tổ chức định giá… Mặt khác, cần nỗ lực tăng cường tính minh bạch của thị trường trái phiếu doanh nghiệp, làm sao những nhà đầu tư thứ cấp được tiếp cận thông tin đầy đủ nhất khi quyết định hợp tác.