| Hotline: 0983.970.780

Trạm Tấu - nàng công chúa ngủ trong rừng cổ tích

Thứ Tư 26/01/2022 , 16:33 (GMT+7)

Nằm trên ngọn nguồn dòng Thia, Trạm Tấu có đỉnh Tà Chì Nhù cao 2.979m, thiên đường mây Tà Xùa, thác Háng Đề Chơ, làng Cu Vai đẹp như nàng công chúa ngủ trong rừng…

Thác Háng Đề Chơ. Ảnh: Thái Sinh.

Thác Háng Đề Chơ. Ảnh: Thái Sinh.

Mấy năm trở lại đây du khách thập phương mới biết đến Trạm Tấu, dù là huyện vùng cao khó khăn bậc nhất tỉnh Yên Bái nhưng lại là một vùng đất hoang sơ, đẹp như trong truyện cổ tích.

Không ai có thể ngờ rằng Trạm Tấu - một miền nắng gió mà nhiều năm trước đây bất cứ ai tới vào mùa khô đều kinh hãi bởi những trận gió Lào thổi liên miên 3, 4 tháng trời - lại có những tiên cảnh chỉ có thể gặp ở chốn bồng lai. Giống như vàng trong cát, ngọc trong đá, kim cương trong các miệng núi lửa.

Giờ đây, hẳn bất cứ ai khi đặt chân đến Yên Bái đều muốn lên Trạm Tấu để ngâm mình vào dòng nước khoáng nóng đến 42 độ C của thầy giáo dạy văn Vũ Mạnh Cường. Vốn rất nghệ sĩ, anh Cường đã mang cả gia tài và sức mình để xây dựng khu nghỉ dưỡng suối khoáng với những ngôi nhà sàn mang phong cách dân tộc Thái và các Bungalow bằng thứ vật liệu núi rừng - các cành ngọn pơ mu vốn bà con lấy ở trong rừng về làm củi.

Phụ nữ Mông Trạm Tấu. Ảnh: Thái Sinh.

Phụ nữ Mông Trạm Tấu. Ảnh: Thái Sinh.

Chính những ngôi nhà như thế lại mang hồn cốt của núi rừng, không chỉ hấp dẫn du khách nước ngoài mà du khách người Việt Nam cũng rất thích thú. Bởi họ sống trong các ngôi nhà xây bằng bê tông cốt thép quá ngột ngạt, nay được ngủ trong những ngôi nhà thơm mùi gỗ như hòa mình vào thiên nhiên đầy gió, trăng và mây ngàn.

Khu nghỉ dưỡng Suối khoáng của Vũ Mạnh Cường là cánh cửa mở ra đón du khách đến với Trạm Tấu - lâu đài thiên nhiên đẹp tuyệt trần, để khám phá cảnh thiên nhiên hùng vĩ và con người nơi đây.

Không chỉ Khu nghỉ dưỡng Suối khoáng, du khách còn có thể tới thác Háng Đề Chơ, được mệnh danh là “Đệ nhất thác Tây Bắc”, nằm ở hai xã Làng Nhì và Tà Xi Láng trên ngọn nguồn dòng suối Xuân. Dòng thác chảy từ trên độ cao hơn 1.000m từ Khu Bảo tồn thiên nhiên Tà Xùa thuộc hai huyện Bắc Yên và Phù Yên của tỉnh Sơn La. Chiều dài của dòng thác khoảng 200m, rót qua vách đá dựng đứng, tung bọt trắng xóa. Chẳng thế mà người Mông gọi là Háng Đề Chơ, tức là thác nước bay.

Dòng thác đẹp như nàng công chúa mặc áo trắng nổi bật giữa một vùng rừng nguyên sinh xanh thẳm, thấp thoáng những ngôi nhà mái lợp bằng gỗ pơ mu mốc xỉn. Dân phượt nhiều người đã tới đây, để chiêm ngưỡng vẻ đẹp mê hồn mang dáng hình nàng công chúa của núi rừng. Người ta đang đợi một doanh nghiệp nào đó đến đây đầu tư khu nghỉ dưỡng, giống như chàng Hoàng tử đến đánh thức nàng công chúa thức dậy sau cả triệu năm ngủ trong rừng.

Tuyết ở bản Mù dưới. Ảnh:Thái Sinh.

Tuyết ở bản Mù dưới. Ảnh:Thái Sinh.

Còn một điều đặc biệt nữa là tuyết ở Trạm Tấu. Chắc hẳn không ít du khách còn nhớ tới trận mưa tuyết đêm 23/1/2016 khắp các xã vùng cao Trạm Tấu, khiến cả núi rừng chìm trong tuyết phủ. Đường lên xã Bản Mù như đường ngược lên trời, tuyết trắng phau trông chẳng khác gì mùa đông ở các nước Bắc Âu.

Những mái nhà và các con đường cùng các nương rau hai bản Mù thấp và Mù cao tuyết dày gần một gang tay, những hàng rào bằng gỗ pơ mu run rẩy trong tuyết, khiến du khách cứ nghĩ mình đang lạc vào vùng quê nước Nga đầy huyền bí hiện lên trong tiểu thuyết Sông Đông êm đềm của Sô-lô-khốp. Rét và lạnh, nhưng đẹp đến tê tái, một đặc ân của thiên nhiên tặng cho Trạm Tấu, chỉ tồn tại trong ba ngày rồi tan chảy.

Đường lên đỉnh Tà Xùa: Ảnh: Trịnh Văn Xuê.

Đường lên đỉnh Tà Xùa: Ảnh: Trịnh Văn Xuê.

Đỉnh Tà Chì Nhù mùa đông năm ấy tuyết phủ dày đến hơn một mét, kéo dài một tuần lễ mới tan, đây là đỉnh núi cao thứ hai sau đỉnh Phan Xi Păng. Muốn lên đỉnh Tà Chì Nhù phải đi bằng đôi chân dẻo dai, nên không mấy người leo được. Do đó, niềm khát khao của nhiều người là được lên đỉnh, ngắm tuyết vào mùa đông, ngắm hoa “Tri pâu" vào mùa thu.

Hoa “Tri pâu”, tiếng Mông nghĩa là không biết. Khi du khách lên đỉnh Tà Chì Nhù sẽ thấy một loài hoa màu hồng có mùi thơm nhẹ, cánh nhỏ li ti mọc thành thảm chỉ cao đến đầu gối. Khi họ hỏi bà con người dân địa phương đây là hoa gì, bà con lắc đầu “Tri pâu è” (không biết đâu), thế là người ta gọi là hoa “Tri pâu”. Mùa hoa “Tri pâu” nở rực rỡ giống như hoa Tử đinh hương ở các nước châu Âu, đẹp mê hồn.

Rừng rêu trên đỉnh Tà Xùa. Ảnh: Trịnh Văn Xuê.

Rừng rêu trên đỉnh Tà Xùa. Ảnh: Trịnh Văn Xuê.

Tà Xùa là thiên đường mây, nơi du khách săn mây trên đỉnh núi cao 2.865m. Mây như cánh đồng bông trắng toát, cuồn cuộn với đủ hình thù. Đi săn mây, du khách cảm giác như đang đứng trên mây vô cùng huyền ảo. Trên đỉnh Tà Xùa còn có mỏm núi đầu rùa - một tảng đá như đầu con rùa nhô ra cánh đồng mây. Chỉ những người dũng cảm mới dám đứng trên mỏm núi đầu rùa để ngắm hoàng hôn và ban mai rực rỡ đủ sắc màu dưới chân.

Du khách đã chinh phục đỉnh Tà Xùa. Ảnh: Thanh Miền.

Du khách đã chinh phục đỉnh Tà Xùa. Ảnh: Thanh Miền.

Đường lên đỉnh Tà Xùa phải vượt qua đường phân thủy của dãy núi tựa như đang đi trên sống lưng con khủng long khổng lồ, tiếp đến là cánh rừng rêu dài hơn hai cây số. Rừng rêu ở đây có tuổi đời cả ngàn năm tuổi, phủ đầy trên những cây cổ thụ từ gốc đến ngọn.

Đi qua rừng rêu người ta như lạc vào khu rừng cổ tích của nàng Bạch Tuyết và bảy chú lùn. Những cây hoa Đỗ quyên gốc bằng cả người ôm, vào cuối tháng ba, đầu tháng tư rực rỡ đủ màu sắc làm bừng sáng cả khu rừng rêu nhuốm màu huyền thoại.

Mỏn núi đầu rùa trên đỉnh Tà Xùa. Ảnh: Thanh Miền.

Mỏn núi đầu rùa trên đỉnh Tà Xùa. Ảnh: Thanh Miền.

Trạm Tấu với vẻ đẹp như cổ tích đang trở thành điểm đến khát khao của rất nhiều du khách.

Xem thêm
Đàm Vĩnh Hưng xác lập kỷ lục

Đàm Vĩnh Hưng nhận bằng kỷ lục 'Ca sĩ trình diễn nhiều tiết mục mashup nhất trong một chương trình ca nhạc' tại liveshow 'Ngày em thắp sao trời'.

Quảng Trị Marathon 2024: Chốt phương án bảo đảm an toàn cho vận động viên

Sau khi thực địa đường chạy, Ban tổ chức Quảng Trị Marathon 2024 - Hành trình về Đất lửa đã thống nhất các phương án đảm bảo an toàn cho vận động viên.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.

Bình luận mới nhất

Trong bài này, tác giả (sau đây xưng là Nattoi) để cập chủ yếu 03 vấn đề, trong đó chủ yếu tập trung cho giải quyết vấn đề số 1, hai vấn đề còn lại chỉ được nhắc đến: Một: Phương pháp thiết kế điều tiết lũ hiện hành chưa đưa thông số mực nước an toàn ở hạ du vào tính toán nên yêu cầu phòng chống lũ cho hạ du chưa được đảm bảo và không có tiêu chí để xác định hiệu quả vận hành giảm lũ. Vấn đề này đã được Nattoi giải quyết cả về mặt lý thuyết và thực hành (trình bày ở mục 3.4). Hai: Tiêu chí xác định MNCNTL, MNTNĐL không được công khai, minh bạch, làm cho việc kiến nghị điều chỉnh hạ thấp 2 mực nước đối với các hồ chứa thủy điện nhằm tăng dung tích trống phòng lũ là điều bất khả. Về vấn đề này (trình bày tại Mục 3.1), Nattoi chưa nêu cụ thể phương án giải quyết là để tập trung nội dung vào vấn đề số 1 như đã nêu, nhưng hướng giải quyết là đã có. Ba: Vấn đề bán con trâu mà tiếc sợi dây thừng: Thiết kế xây dựng đập, hồ chứa nước được tính toán an toàn ổn định lật, trượt đến mực nước lớn nhất thiết kế và kiểm tra với mực nước lớn nhất kiểm tra, cho phép giữ mực nước hồ không vượt quá mực nước lớn nhất kiểm tra nhưng lại chỉ cho phép sử dụng dung tích trống phòng lũ đến mực nước dâng bình thường là sự lãng phí ghê gớm trong đầu tư xây dựng và quản lý an toàn đập, hồ chứa nước. Hướng giải quyết vấn đề số 3 (trình bày tại Mục 3.2) vốn là tự nhiên đã có nhưng không được sử dụng vì không nghĩ đến giảm lũ cho hạ du.
+ xem thêm