| Hotline: 0983.970.780

Trắng đêm canh cá, chống lũ lớn

Thứ Ba 01/08/2023 , 17:40 (GMT+7)

Đồng Nai Do mưa lớn kéo dài cùng với lũ trên sông Đồng Nai bất ngờ dâng nhanh, hàng trăm tấn cá lồng bè ở trên sông Đồng Nai bị chết, người nuôi phải bán tháo.

Ghi nhận của phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam, do mưa lớn kéo dài cùng với lượng nước ở thượng nguồn sông Đồng Nai và La Ngà đổ về, khoảng 10 hộ dân cùng nhiều diện tích hoa màu trên địa bàn xã Phú Lợi, huyện Định Quán bị ngập sâu trong nước. Đặc biệt, nhiều lồng bè nuôi cá của người dân đang chuẩn bị thu hoạch bị thiệt hại nặng.

Mưa lớn kéo dài cùng với lượng nước ở thượng nguồn sông Đồng Nai và La Ngà đổ về khiến nhiều diện tích hoa màu trên địa bàn xã Phú Lợi, huyện Định Quán bị ngập sâu trong nước. Ảnh: VT.

Mưa lớn kéo dài cùng với lượng nước ở thượng nguồn sông Đồng Nai và La Ngà đổ về khiến nhiều diện tích hoa màu trên địa bàn xã Phú Lợi, huyện Định Quán bị ngập sâu trong nước. Ảnh: VT.

Đỉnh điểm trong 2 ngày 30 và 31/7, cá bị ngợp chết quá nhiều, người nuôi vớt nhưng tiêu thụ không kịp. Họ chỉ biết chất đống bán làm phân. Thống kê sơ bộ cho thấy, riêng xã Phú Vinh, huyện Định Quán đã có trên 40 gièo (lồng bè) của 8 hộ nuôi cá bè bị chết với tổng thiệt hại ước cả trăm tấn cá.

Ngoài ra, tình trạng cá chết hàng loạt cũng xảy ra tại các xã Thanh Sơn, Ngọc Định, Phú Ngọc và La Ngà. Bà Nguyễn Thị Thơm, người nuôi cá bè tại xã Phú Vinh than vãn: “Gia đình tôi nuôi được 6 gièo cá đang vào độ thu hoạch nhưng mấy ngày nay trời mưa kéo dài khiến cá bị ngợp chết nhiều. Nhất là trong hai ngày nay, cá chết nổi trắng trong gièo, giờ tôi cũng không biết làm sao nữa, bao nhiêu vốn liếng, công nuôi cá đến ngày thu bán bỗng… trôi theo sông nước”.

Người nuôi cá trên sông thức trắng đêm lo lắng canh cá và tìm cách cột chặt bè cá trong dòng nước lũ do mưa lớn kéo dài. Ảnh: VT.

Người nuôi cá trên sông thức trắng đêm lo lắng canh cá và tìm cách cột chặt bè cá trong dòng nước lũ do mưa lớn kéo dài. Ảnh: VT.

Tương tự tình cảnh này, anh Nguyễn Đình Long, xã Phú Vinh cũng cho biết, gia đình anh có hơn 100 tấn cá diêu hồng đang chuẩn bị thu hoạch, khi thấy nước lớn từ thượng nguồn đổ về, anh đã thuê người xuyên đêm vớt cá đem bán chạy để giảm bớt thiệt hại.

Đồng thời, anh còn phải nhờ bà con chòm xóm hỗ trợ cột bè để khỏi bị trôi theo nước lũ. "Mấy đêm nay, tất cả những người nuôi cá trên sông như chúng tôi rất lo lắng cho bè cá”, anh Long chia sẻ.

Mưa lũ khiến nước dâng cao, cá bị ngợp chết quá nhiều khiến người dân vớt và tiêu thụ không kịp, chỉ biết chất đống bán làm phân. Ảnh: VT.

Mưa lũ khiến nước dâng cao, cá bị ngợp chết quá nhiều khiến người dân vớt và tiêu thụ không kịp, chỉ biết chất đống bán làm phân. Ảnh: VT.

Theo những người dân sinh sống lâu năm tại địa phương, liên tục hai năm gần đây, cứ mỗi lần mưa lớn, kéo dài, toàn bộ khu vực này bị ngập sâu trong nước. Nguyên nhân do toàn bộ khu vực này là vùng trũng, cứ mưa lớn là nước không thoát kịp và xảy ra tình trạng ngập úng cục bộ.

Cũng do mưa lớn kéo dài nên có khu vực bị ngập cục bộ, mực nước từ 30 - 40cm, nhiều hộ dân bị ảnh hưởng. Bà Thạch Thị Sang ở ấp 4, xã Phú Lợi than vãn: “Gia đình tôi ở đây đã mấy chục năm rồi, đây là năm thứ 2 liên tiếp bị ngập sâu như vậy, vì cứ mưa to bão lũ là nước đổ dồn về đây với lượng lớn, cống thoát nước không kịp, gây ngập úng cục bộ, mực nước cứ mỗi lúc càng dâng cao rồi chảy ào vào các nhà dân như thế này khổ dữ lắm”.

Tình trạng nước đổ về quá nhanh, khiến các hộ nuôi cá bị thiệt hại nặng. Ảnh: VT.

Tình trạng nước đổ về quá nhanh, khiến các hộ nuôi cá bị thiệt hại nặng. Ảnh: VT.

Khu vực bè nuôi thiệt hại nặng nhất là trên địa bàn xã Thanh Sơn, Ngọc Định, Phú Vinh với 269 lồng, bè cá của 38 hộ dân, với các loại cá như diêu hồng, lăng... bị chết, thoát ra ngoài tự nhiên. Ngoài cá chết, trên địa bàn huyện Định Quán còn bị ngập úng, nhiều diện tích lúa, hoa màu thiệt hại. Hàng chục căn nhà bị ngập, một căn bị sập. Do đó, chính quyền huyện Định Quán đã khuyến cáo người dân nhanh chóng thu hoạch cá nhằm hạn chế thiệt hại.

Ngoài cá chết, trên địa bàn huyện Định Quán còn bị ngập úng, nhiều diện tích lúa, hoa màu thiệt hại. Ảnh: VT.

Ngoài cá chết, trên địa bàn huyện Định Quán còn bị ngập úng, nhiều diện tích lúa, hoa màu thiệt hại. Ảnh: VT.

Trước diễn biến phức tạp của mưa lũ trên sông Đồng Nai, để đảm bảo an toàn cho người dân sinh sống gần bờ sông, nuôi thủy sản trên sông Đồng Nai, sông La Ngà, các lực lượng chuyên môn của huyện đã triển khai nhiều biện pháp nhằm kịp thời ứng phó với các tình huống xấu nhất có thể xảy ra. Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện cũng đã chỉ đạo UBND các xã khẩn trương triển khai thực hiện ngay phương án phòng chống thiên tai với phương châm “4 tại chỗ” và “3 sẵng sàng”.

Nhiều diện tích hoa màu của người dân trên địa bàn huyện Định Quán bị ngập sâu trong nước. Ảnh: VT.

Nhiều diện tích hoa màu của người dân trên địa bàn huyện Định Quán bị ngập sâu trong nước. Ảnh: VT.

Ông Trình Đại Quang, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Vinh, huyện Định Quán cho biết: “Qua cập nhật thông tin tình hình lụt bão xảy ra trên sông Đồng Nai, địa bàn xã Phú Vinh, Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão, thiên tai xã Phú Vinh đã huy động toàn bộ lực lượng công an, quân sự cùng các phương tiện, vật dụng cứu nạn cứu hộ vào đây túc trực 24/24 nhằm kịp thời giúp đỡ người dân nếu có sự cố xảy ra”.

Theo ông Quang, mực nước tại khu vực thượng lưu hệ thống sông Đồng Nai có thể sẽ tiếp tục lên cao nên lực lượng chức năng huyện Định Quán đã huy động cán bộ, chiến sỹ cùng các phương tiện tham gia trực chiến tại vùng xung yếu xã Phú Vinh để kịp thời hỗ trợ người dân.

Theo thống kê mới nhất của Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện Định Quán, ước tính đã có 1.845 tấn cá nuôi lồng bè của 38 hộ dân bị thiệt hại, số tiền ước tính trên 20 tỉ đồng. Ngoài ra, đã có 11 căn nhà bị ngập, một nhà kho bị sập hoàn toàn, một căn nhà bị tốc mái, gần 200ha đất trồng lúa và cây lâu năm bị ngập úng, nhiều hộ dân vùng ngập lụt phải di dời đến nơi an toàn.

Sáng 1/8, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Định Quán đã hỗ trợ đột xuất cho 10 hộ dân ở hai xã Ngọc Định và Phú Túc bị thiệt hại nặng do mưa lũ, gồm 1 triệu đồng tiền mặt và các nhu yếu phẩm khác.

“Do ảnh hưởng của thời tiết, khu vực Tây Nguyên và Nam bộ có mưa vừa, mưa to kéo dài trong những ngày qua, mực nước sông Đồng Nai đoạn qua địa bàn huyện Định Quán dâng cao. Lũ sông Đồng Nai lên nhanh còn khiến nhiều tuyến đường và khu thấp trũng xã Nam Cát Tiên, huyện Tân Phú ngập cục bộ. Vườn quốc gia Cát Tiên phải ngừng đón khách tham quan để đảm bảo an toàn. Huyện Định Quán cũng đã sẳn sàng ứng phó với các tình huống xấu nhất có thể xảy ra với mục tiêu cao nhất đảm bảo tuyệt đối an toàn tính mạng, tài sản của người dân”, Đại úy Đặng Đức Trung, Phó Đội trưởng đội Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ - Công an huyện Định Quán, cho biết.

Xem thêm
Nghị quyết về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia

Tổng Bí thư Tô Lâm vừa ký ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Báo Nông nghiệp Việt Nam xin trân trọng giới thiệu toàn văn Nghị quyết.

Nông nghiệp góp phần quan trọng thúc đẩy tăng trưởng cho Nghệ An

Năm 2024, ngành nông nghiệp Nghệ An tiếp đà thắng lợi toàn diện, đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu, kế hoạch được giao.

Tình nguyện hiến đất làm kè chống sạt lở bờ sông

Hà Tĩnh Hơn 30 hộ dân ở huyện Hương Khê đã tình nguyện hiến hàng nghìn m2 đất làm dự án kè chống sạt lở bờ sông Ngàn Sâu, góp phần phòng chống thiên tai hiệu quả.