| Hotline: 0983.970.780

Người nuôi cá nước lạnh điêu đứng vì nắng nóng

Thứ Năm 08/06/2023 , 16:47 (GMT+7)

LÀO CAI Các đợt nắng nóng kéo dài, nguồn nước mạch cạn kiệt, khiến người nuôi cá nước lạnh ở Sa Pa đối mặt nguy cơ thất thu do cá chết hàng loạt.

Người nuôi cá nước lạnh ở Sa Pa thiệt hại nặng do thời tiết. Ảnh: DH.

Người nuôi cá nước lạnh ở Sa Pa thiệt hại nặng do thời tiết. Ảnh: DH.

Tỉnh Lào Cai hiện có 307 cơ sở nuôi cá nước lạnh tập trung chủ yếu ở xã Ngũ Chỉ Sơn (108 cơ sở) và Tả Van (107 cơ sở) ở Sa Pa. Chỉ riêng năm 2022, các cơ sở này cung cấp ra thị trường 655 tấn cá nước lạnh gồm cá hồi và cá tầm.

Sau ảnh hưởng của dịch Covid-19 thị trường phục hồi, giá tăng nhưng sản lượng của người nuôi không cao. Cho đến nay, người nuôi cá nước lạnh lại đối mặt với một nguy cơ khác, hạn hán và nắng nóng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản lượng và thu nhập của người nuôi cá.

Việc nuôi cá nước lạnh ở Sa Pa hiện nay chủ yếu dựa vào điều kiện tự nhiên trong đó quan trọng là nguồn nước sạch và mát. Chỉ cần một vài yếu tố bất lợi về nhiệt độ, chất lượng nguồn nước, người nuôi cá nước lạnh có thể trắng tay.

Tại Lào Cai, từ đầu năm đến nay có nhiều đợt nắng nóng kéo dài xen kẽ những đợt lạnh đột ngột, chênh lệch nhiệt độ lớn. Đặc biệt, ảnh hưởng của hiện tượng El Nino khiến lượng mưa những tháng gần đây thấp kỷ lục, các mạch nguồn cũng cạn kiệt khiến người nuôi cá gặp vô vàn những khó khăn. 

Ông Trần Đức Sỹ ở xã Ngũ Chỉ Sơn cho biết: Nhà tôi sử dụng nước suối Can Hồ Mông để nuôi cá. Gần 30 cơ sở nuôi cá khác và nhiều hộ dân trên địa bàn sử dụng suối này nuôi cá. Nhưng chưa năm nào như năm nay, không đủ nước để nuôi nên phải dồn ao và sử dụng nước quay vòng nên ao bị nhiễm bẩn cá chết rải rác nhìn mà xót ruột.

Ghi nhận tại xã Ngũ Chỉ Sơn, nhiều hộ dân mặc dù không khai báo với chính quyền nhưng cá chết rải rác đặc biệt từ đầu tháng 5 đến nay do nắng nóng, thiếu nước. Cá tầm, cá hồi đến kỳ thu hoạch của một số hộ bỗng dưng lăn đùng ra chết, khiến người nuôi thất thu.  

“Từ đầu năm đến nay, tôi thiệt hại khoảng 600 triệu đồng nếu thiếu nước và nắng nóng kéo dài thì nguy cơ vụ cá năm nay bỏ bể”, ông Sỹ nói.

Thời tiết bất thường, một số hộ không thể duy trì được số lượng đàn cho đến lúc cá đủ trọng lượng và để giảm thiệt hại họ phải xuất bán non với giá rẻ 170.000 - 180.000 đồng/kg.

Một cơ sở nuôi cá có tiếng khác tại phường Ô Quy Hồ cũng gặp tình trạng khó khăn tương tự. Thác Bạc cung cấp nước sạch và mát cho cơ sở này và nhiều hộ dân xung quanh. Tuy nhiên, năm nay việc thiếu nước ảnh hưởng đáng kể đến việc nuôi và ấp nở cá giống. Theo ông Trần Chung Hưng, năm nay chi phí vận hành máy bơm và vận hành máy sục khí tăng nhưng tỷ lệ ấp nở rất thấp chỉ bằng 1/3 năm trước. 

Mặc dù có nhiều kinh nghiệm trong việc ấp nở cá giống cũng như nuôi cá nước lạnh nhiều năm. Song cơ sở này cũng không tránh khỏi việc hàng vạn cá giống bị hỏng. 

Các cơ sở nhỏ lẻ cũng như người dân cho rằng, có thể áp dụng các kỹ thuật khoa học để xử lý nước và nhiệt độ bằng việc nuôi khép kín trong nhà sử dụng điều hòa, đầu tư hệ thống lọc tuần hoàn hoặc có nguồn nước dự phòng… nhưng rất tốn kém, dẫn tới giá thành sản phẩm cao khó cạnh tranh với cá nước lạnh được nhập về. 

Một cơ sở nuôi có mái che và sục khí cho các nước lạnh. Ảnh: HĐ.

Một cơ sở nuôi có mái che và sục khí cho các nước lạnh. Ảnh: HĐ.

Các cơ sở cũng như những hộ dân nuôi cá nước lạnh ở Sa Pa hầu như đều phụ thuộc vào điều kiện tự nhiên về nguồn nước, nhiệt độ… Mặc dù, điều này cũng tạo ra sức cạnh tranh về chất lượng của con cá Sa Pa song với điều kiện thời tiết hiện nay, nuôi cá nước lạnh rủi ro rất lớn. Chưa kể, việc sử dụng chung nguồn nước, bể trên chảy xuống bể dưới nên khi xảy ra ô nhiễm hoặc dịch bệnh thì đồng loạt các ao trong hệ thống bị ảnh hưởng.

Giảm bớt thiệt hại cho người nuôi, các cơ quan chuyên môn phối hợp với chính quyền địa phương khuyến cáo người dân tăng cường triển khai các biện pháp phòng, chống nắng nóng cho cá; thường xuyên theo dõi để có phương án xử lý hoặc thu hoạch sớm có thể bán cho cơ sở chế biến sâu các sản phẩm về các nước lạnh…

Tuy nhiên, lâu dài, các cơ sở nuôi cần đầu tư bài bản về công nghệ nước tuần hoàn, lọc, làm mát, sục khí ôxy để giảm sự phụ thuộc vào môi trường tự nhiên.

Xem thêm
Liên kết sản xuất để khai thác thế mạnh ngành tôm

NGHỆ AN Ngành tôm Việt Nam đạt được bước tiến dài trên trường quốc tế nhưng chưa khai thác hết tiềm năng sẵn có, đòi hỏi phải đẩy mạnh hơn nữa các chuỗi liên kết.

Chấn chỉnh khai thác thủy sản hồ Sơn La

SƠN LA Từ đầu năm 2024 đến nay, UBND các xã của huyện Quỳnh Nhai đã tổ chức gần 70 đợt kiểm tra, chấn chỉnh việc khai thác thủy sản trái phép.

Nữ giám đốc hợp tác xã đưa nước mắm xuất sang Úc

HÀ TĨNH Sau hơn 3 năm chuyển sang hoạt động theo mô hình hợp tác xã, nữ giám đốc 9x ở Hà Tĩnh đã đưa thương hiệu nước mắm Phú Sáng vươn thị trường quốc tế.

Hỗ trợ trực tiếp cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển

Cà Mau Ngày 20/10, Báo Pháp luật TP Hồ Chí Minh phối hợp Chi cục Kiểm ngư Cà Mau, các nhà tài trợ, tổ chức chương trình 'Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển'.