| Hotline: 0983.970.780

Trắng tay sau mưa lũ, bò ăn dưa hấu phát ngán!

Thứ Hai 23/07/2018 , 06:01 (GMT+7)

Mưa ròng rã 1 tuần liền. Bão số 3 càn quét. Lúa, rau màu của nông dân Nghệ An ngập sâu dưới nước. Ở những chân ruộng cao, nước đã rút nhưng trên đồng ruộng chỉ còn lại xác hôi thối của cây trồng.

* Nông dân trắng tay

Trên cánh đồng màu xóm 12 xã Nghi Long (Nghi Lộc – Nghệ An), tịnh không một bóng người. Màu xanh đã biến mất, thay vào đó là hình ảnh xác xơ, những ruộng dưa hấu, dưa lê, vừng thối rữa. Mùi bùn, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc. Đó là hệ quả của việc nước đã ngập úng trên cánh đồng này 1 tuần ròng rã.



Cánh đồng dưa hấu, dưa lê, vừng thối rữa

Thất thần bên ruộng dưa hấu thối rữa, chị Nguyễn Thị Hiền, xóm 12 xót xa: “5 sào dưa lê thu hoạch chưa được 1/3 thì mưa đến tận bây giờ. Số còn lại cùng với 3 sào dưa hấu thì mất trắng. Cứ tính bình quân mỗi sào thu về 10 triệu đồng, trừ chi phí, lẽ ra còn lãi ròng trên 50 triệu. Chừng đó đủ để mua lúa ăn cả năm, chi phí cho 3 đứa con chuẩn bị năm học mới. Vậy mà giờ, thu chưa bù đủ chi. Miếng ăn đến miệng rồi mà ông trời nỡ dằng mất”.

Chồng động viên mãi, sáng nay chị Hiền mới chịu ra ruộng, chọn quả nào chưa thối rữa, rửa sạch bằng nước mương đem về cho bò ăn. Số còn lại cứ để trên đồng, nó rữa thì làm phân cho cây trồng luôn.

“Hôm qua còn có người ra đồng hái quả về cho trâu bò, lợn, gà. Nhưng hôm nay trên đồng làng chẳng có ai cả. Ăn mãi, trâu bò, lợn gà cũng đã chán, đem về cũng chỉ tổ bẩn nhà” – chị Hiền buồn bã.

Chị Hiền xót xa vì bao công sức đổ xuống sông xuống bể

Mỗi sào dưa, nếu đầu tư tốt phải mất vài triệu đồng. Nghi Long là vùng trồng màu trọng điểm của huyện Nghi Lộc. Đơn giản vì Nghi Long ở vùng cuối nguồn của hệ thống kênh tưới bắt nguồn từ bara Nam Đàn, lúa chỉ trồng được ở những vùng trũng, chủ động được nguồn nước. Những cánh đồng ở đây chủ yếu trồng dưa đỏ, dưa lê, lạc; hộ không đủ nhân công thì trồng vừng. Nông dân bán hoa màu, mua lúa, mua gạo về ăn. Vì thế, mất màu còn đau hơn mất lúa.

“Dưa lê năm nay được giá. Nhưng vừa thu hoạch được tấn quả thì mưa bão ập đến. Số thu hoạch được thì cũng bán đổ, bán tháo vì sợ mưa đến không ai mua. Thành thử, 3,5 sào dưa lê bán chưa được 5 triệu đồng. Dưa hấu thì chưa bán được xu nào. Trước bão và những ngày mưa, gia đình tập trung nhân lực ra ruộng hái về nhưng đến nay cũng còn tấp đầy sân, chẳng có ai mua. Mà bán giờ cũng chỉ được 3-4 nghìn đồng/kg trong khi đầu mùa có khi lên đến 10 nghìn đồng/kg. Tiếc của cứ để giữa sân, ngày ngày cắt cho bò ăn” – bà Nguyễn Thị An, xóm 12 cho biết.

Thu hoạch về không bán được, bà An đành cắt cho bò ăn

Mưa bão 1 tuần, riêng dưa hấu, toàn xã Nghi Long mất ngót 2 tỷ đồng. Đó là chưa kể 39/39 ha lúa hè thu, 15,5/15,5 ha vừng, 4 ha rau màu mất trắng.

“Đây là vùng khô hạn, phần lớn diện tích đã chuyển sang trồng màu thay lúa. Lúa hè thu, rau màu, vừng mất trắng, 11 ha/55 ha dưa hấu dưa lê, cũng coi như thất bát. Giờ chỉ còn trông chờ vào hơn 70 ha lúa mùa. Nhưng nước đang ngập băng nhiều vùng, không biết đến khi nào mới gieo cấy được? Nhiều hộ sẽ gặp khó khăn khi năm học mới sắp bắt đầu.” – Ông Nguyễn Tứ Ngọc, Phó Chủ tịch UBND xã Nghi Long trăn trở.

Theo thống kê, toàn huyện Nghi Lộc có trên 3.600 ha cây trồng bị ngập do bão số 3, trong đó có 600 ha màu. Trước bão số 3, các địa phương huy động lực lượng đoàn viên thanh niên giúp bà con thu hoạch chạy lũ. Tuy nhiên, những trận mưa liên tiếp khiến nông dân không thể đem ra chợ bán, tư thương cũng không đến tận ruộng thu mua như những ngày nắng đẹp.

Dưa hấu thối vất đầy trên đường giao thông nội đồng

Chúng tôi gặp bà Đặng Thị Long đang ngồi bán dưa bên QL1. Bà Long cho biết, gia đình bà nhanh tay thu hoạch được một ít khi trời chưa đổ mưa. Nhưng dưa để đã lâu, nay đem ra đường bán, giá chỉ 3 nghìn đông/kg. Trả giá xong, nhìn dưa đã cũ lại có những nốt thâm, khách hàng lại bỏ đi.

Ông Nguyễn Đức Thọ - Phó Chủ tịch UBND huyện Nghi Lộc cho biết: Hiện nay huyện chỉ đạo các địa phương tập trung tiêu úng cho các diện tích sản xuất nông nghiệp, chủ yếu vùng dọc sông Cấm. Địa phương tiếp tục theo dõi hệ thống hồ đập trên địa bàn để khắc phục ngay các sự cố phát sinh; theo dõi mực nước triều lên xuống để phối hợp với Công ty Thủy lợi Nam vận hành hệ thống tiêu nước tối đa tại các ba ra Nghi Quang, Thượng Xá, Nghi Khánh, Rào Đừng Nghi Thái. Huyện đang chỉ đạo các xã có cống tiêu đóng mở vận hành tối đa mở thông tất cả các cống, vớt bèo, khơi thông dòng chảy… tiêu thoát nước nhanh nhất. 

Dưa hấu tấp đầy nhà nhưng không bán được

Tập trung khắc phục hậu quả bão số 3

Nghệ An có trên 28 nghìn ha lúa, trên 7,5 nghìn ha ngô, rau màu các loại bị ngập. Các huyện bị thiệt hại nặng như Diễn Châu, Đô Lương, Quỳnh Lưu, Thanh Chương... Các địa phương đã điều động toàn bộ lực lượng tham gia khắc phục hậu quả mưa lũ. Công an, bộ đội, đoàn thanh niên, hội cựu chiến binh, hội phụ nữ đều tổ chức các đội quân khắc phục hậu quả mưa lũ.


 

Xem thêm
Nuôi dúi má đào, thu tiền tỷ mỗi năm

LÀO CAI Chăn nuôi dúi má đào sinh sản có sức hấp dẫn lớn bởi lợi nhuận cao, trong khi việc chăm sóc, đầu tư chuồng trại không quá tốn kém.

Vật nuôi khốn đốn vì mưa lạnh kéo dài

BÌNH ĐỊNH Thời gian gần đây, Bình Định có mưa lạnh kéo dài, khiến sức đề kháng của vật nuôi giảm sút, đây là cơ hội để dịch bệnh phát sinh, người chăn nuôi lo ngay ngáy.

Triển khai dự án chuyển đổi số ngành nông nghiệp vùng ĐBSCL

Bộ NN-PTNT đầu tư dự án nghiên cứu chuyển đổi số ngành nông nghiệp vùng ĐBSCL phục vụ phát triển nông nghiệp bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu.