Trang viết Thái Sinh có phóng sự, bút ký, truyện ngắn, tiểu thuyết và... thơ. Một gã đàn ông hào sảng đến mức người xa lạ có cảm giác suồng sã, gai góc đến mức kẻ khuất tất có cảm giác dữ dội, mà lại dan díu với thi ca ư? Khó tin quá, vậy mà thật đấy. Thái Sinh đọc thơ rất tinh. Dạo còn công tác ở Hội Văn nghệ Hoàng Liên Sơn, Thái Sinh đã là một tay biên tập thơ cự phách. Sau này, chuyển sang làm báo, Thái Sinh chuyên tâm với phóng sự và ký sự, nhưng thỉnh thoảng vẫn len lén có... thơ!
Nghĩ cũng lạ, một tờ báo ngành riêng biệt như NNVN mà từng có hẳn một đội ngũ tác giả đủ để thành lập chi hội nhà văn Việt Nam. Không chỉ có phóng viên kiêm nhà văn như Đỗ Bảo Châu, Văn Chinh, Vũ Hữu Sự hoặc phóng viên kiêm nhà thơ như Nghiêm Thị Hằng, Phạm Việt Thư, Lưu Trọng Văn mà có cả kế toán trưởng kiêm nhà thơ như Hoàng Trần Cương.
Nhập vào không gian văn chương ấy, trang viết Thái Sinh có thêm thơ cũng bình thường. Thái Sinh có những câu thơ vừa trữ tình bay bổng “Mẹ tôi còng như dáng hình đất nước/ Hái sao trời cấy lúa bên bờ biển Đông” vừa đau đớn thế sự “Mẹ bàng hoàng nhìn cánh đồng đang rên xiết/ Dưới những tòa cao ốc của lũ quan tham”.
Bên cạnh những day dứt “Đường về nhà đầy lũ ma trơi/ Chặn lối mẹ là lũ ma người”, trang viết Thái Sinh cũng có nhiều câu thơ mê đắm, mà bài tứ tuyệt “Buồn” khá tiêu biểu: “Nỗi buồn đổ xuống giếng khơi/ Giếng không lấp được, em lôi lên bờ/ Trách cho người ấy hững hờ/ Buồn em, em bán! Bây giờ ai mua?”.
Tuy nhiên, thơ chỉ giống như phụ phẩm trang điểm cho trang viết Thái Sinh. Sở trường của Thái Sinh vẫn là văn xuôi. Cuộc đời lắm bôn ba từ thời dạy học ở Than Uyên, Lai Châu đến thời xuôi ngược viết báo khắp Yên Bái, Lào Cai đã giúp Thái Sinh có những trải nghiệm phong phú để rút rỉa được nhiều chi tiết đắt giá.
Trong một nền báo chí tự do hao hao một nền kinh tế chỉ huy, có những chuyện không thể phơi bày theo hình thức thông tấn thì phải dành dụm chuyển tải qua văn chương. Lịch sử khi chưa có điều kiện xuất hiện bằng thực sử thì được phép tồn tại bằng huyền sử, mà đôi khi huyền sử lại có thể nuôi nấng và bồi đắp cho thực sử. Thái Sinh hiểu điều ấy, nên ông chấp nhận đi cà kheo giữa hai vai trò nhà báo và nhà văn.
Thái Sinh thành thật tự thú rằng, chính nghề báo đã mang lại thu nhập để ông chăm lo cơm áo gia đình. Thế nhưng, có một điều Thái Sinh không nói ra là chính nghề báo cũng bổ sung những chất liệu để ông theo đuổi nghề văn. Những tích lũy từ quan sát của nghề báo đã làm đầy đặn trang viết Thái Sinh trong nghề văn.
Những tác phẩm ban đầu của Thái Sinh chủ yếu viết theo phương pháp luận đề, chẳng hạn truyện ngắn “Con sáo biết nói” trong tập “Thuyền lá”. Bỏ công huấn luyện cho con sáo nhưng rồi con sáo bay mất, tác giả chỉ nhằm gửi gắm một thông điệp: “Thế là giải thoát nó khỏi sự tù hãm và khỏi phải nói những lời nhạt hoét của con người”.
Sau này, Thái Sinh nhận ra ưu điểm của mình không nằm ở khả năng khái quát vấn đề hay đột phá ý tưởng, nên ông lặng lẽ chỉnh sửa nhiều trang viết cũ. Ví dụ, chỉnh sửa lại truyện ngắn “Người ngồi trước tôi hai hàng ghế” đã viết vào tháng 7/1992, hoặc chỉnh sửa lại truyện ngắn “Rừng có nhiều hoa cúc dại” đã viết vào tháng 4/1996.
Sự thấu hiểu nông dân khu vực miền núi của Thái Sinh đã cho ông nhiều truyện ngắn sinh động. Những số phận con người nơi heo hút bước vào trang viết Thái Sinh có sự hồn nhiên lẫn sự khổ ải, càng cơ cực thì họ càng nỗ lực lương thiện, dẫu bị vùi dập, dẫu bị đọa đày. Truyện ngắn “Muôn thuở người ơi” viết về bản Khoanh hoặc truyện ngắn “Trong cơn giông mùa hạ” viết về bản Na Ngo là kết quả cộng hưởng từ ánh mắt soi rọi của nhà báo và chiêm nghiệm sâu lắng của nhà văn.
Thái Sinh thành danh ở Yên Bái, nhưng quê quán ở xã Ngọc Tảo, huyện Phúc Thọ, Hà Nội. Thái Sinh thổ lộ nơi chôn nhau cắt rốn: “Mẹ tôi bảo tôi sinh ra ở đất nhà trường, nơi có cây trôi cổ thụ rất to và bên này đường là cây muỗm lớn. Cách xa làng vài ba cây số, người ta vẫn còn nhìn thấy cây trôi đó vượt lên trên luỹ tre làng. Nó là cây đánh dấu vị trí làng tôi, là nơi tụ hội của lũ trẻ trong làng, nơi mùa hạ để mọi người ra đây hóng mát”.
Những ngày rong ruổi, Thái Sinh bần thần: “Tôi vẫn không thể quên được bờ ô rô giăng đầy dây tơ hồng, những trận mưa tháng mười nổi bong bóng cho lũ trẻ thi nhau ra đồng bắt châu chấu, những đêm ngồi trên bậc cầu ao lát bằng đá xanh mát lịm nghe tiếng sáo diều vi vút… Đấy là hồn quê, tình quê đã thấm vào tôi, thấm vào tâm hồn mỗi con ngwời dẫu xa quê bao nhiêu năm vẫn không thể nào quên nổi”.
Sau khi nghỉ hưu, Thái Sinh lấy địa danh Ngọc Tảo làm cảm hứng để sáng tác một truyện dài, hay đúng hơn là những truyện ngắn liên hoàn, đặt tên “Chuyện làng Tào”. Dĩ nhiên, làng Tào hay Ngọc Tảo chỉ là niềm thương nhớ, còn các nhân vật và chi tiết được Thái Sinh gom nhặt suốt hành trình làm báo. “Chuyện làng Tào” thể hiện rõ nét phong cách văn chương của Thái Sinh, trong sự trào lộng có sự đắng cay, trong nỗi phẫn nộ có nỗi xót xa, trong lời giễu nhại có lời ngậm ngùi.
Những con người được miêu tả trong “Chuyện làng Tào” từ thằng Thụ, lão Tư Lâm, đội Nhung Khùng hay mụ Tuyền Bếp... đều không phải sản phẩm của trí tưởng tượng. Thái Sinh chắp nối những mệnh kiếp lêu bêu và trớ trêu mà mình đã chứng kiến khi làm báo, để xây dựng hình tượng văn chương.
Thái Sinh trút hơi thở cuối cùng vào chiều 6/11/2022, sau mấy năm chống chọi bạo bệnh, hưởng thọ 69 tuổi. Cả đời Thái Sinh dùng sự trung thực để cầm bút, cả viết báo lẫn viết văn. Sự trung thực không phải dấu hiệu duy nhất để khẳng định một tài năng, nhưng sự trung thực là thước đo ngàn vàng trên từng trang viết. Sự trung thực làm nên trang viết Thái Sinh, và sự trung thực làm nên phẩm cách Thái Sinh.