Tết nào cũng như Tết nào. Từ ngày theo con về thành thị để sống, xa cái thị xã heo hút nằm ngay ở ngã ba sông, chữ “quê” trong lòng tôi bỗng trở nên xa xăm, đầy ao ước. Như tất cả, ở quê cũng có nhiều sự biến chuyển theo thời gian, mà rõ nhất là một ngày nó cũng được gọi tên thành phố. Vậy là cứ hết năm, mấy mẹ con lại đùm túm từ thành phố lớn trở về thành phố nhỏ. Hỏi Tết có khác gì không? Khác chứ, bởi đó là những ngày dường như ai cũng muốn quay về cội nguồn, nơi họ được sinh ra, bỏ qua những lo âu tất bật của thường nhật để trở về với chính mình.
Chính mình của các con tôi nằm trong giới hạn hồi nhỏ, còn chính mình của tôi là hồi trẻ, khi bắt đầu cuộc sống gia đình. Một phần đã thuộc về ký ức và một phần đang là hiện tại.
Nhà má chồng tôi có khu vườn trồng dừa và vài loại cây trái khác. Mít, ổi, lê và mận hồng đào đã có từ thời ông bà còn trẻ. Ổi sẻ rất thơm, mận hồng đào vị hơi chua, giòn, da hồng nhạt, thân cây chắc lõi, dáng uốn lượn như bonsai. Có vài gốc mận lai anh tôi mang về trồng trong vườn gần đây thì có vẻ mau lớn, thân to, cành lá sum xuê cho bóng mát, trái ngọt lạt theo mùa, nhưng hay bị sâu bệnh, quả của nó màu đỏ sẫm trông bắt mắt. Má tôi không ưng nó. Bà bực dọc khi nhìn thấy bầy trái chín rụng đỏ sân, nên giận dỗi chửi bâng quơ là “cái đồ tốt mả rã đám”.
Tuổi thơ của con tôi nằm ở gốc mận, gốc dừa với những trò vui đùa của bọn trẻ cùng xóm. Còn tôi thì mỗi lần về hay quanh quẩn bên chái bếp của má. Tôi nhớ mùi khen khét của lá dừa, tiếng nổ tanh tách của nó mỗi khi nhóm bếp, nhớ tiếng chổi tre quét rẹt rẹt sau hè, con gà cục ta cục tác trong đám cỏ khô.
Nhà má có ba gian, dù các con muốn thay đổi kiểu gì bà cũng không đồng ý. Má muốn giữ nếp nhà kiểu xưa của cha mẹ. Gia đình anh Hai ở cặp bên hông, nhà chị Ba cất sau hè bên trái, nhà anh Tư ở bên phải. Có chín người con, má chia ra tám hướng, riêng má ở một mình, vì má biết mình khó tính, chắc không con dâu nào chịu ở chung. Má kệ, má chỉ thích đàn con ở quanh quẩn và tự lực cánh sinh. Dù vậy, chỉ cần nghe má khục khặc một tiếng là cả đám con xẹt qua xẹt lại suốt ngày. Những ngày giáp Tết, không cần má ho hen đàn con cũng vô ra nhộn nhịp, đứa cắt lá chuối phơi cho héo và lau sạch từng lá để sẵn cho má, đứa trèo hái dừa, trái tươi lấy nước kho nồi thịt, trái dẻo cơm thì sên đường làm mứt, trái già thì nạo vắt nước cốt để xào nếp xào nhân gói bánh ít, bánh tét…
Giáp Tết là nhà má rộn ràng. Tôi về, lại được vo gạo nấu cơm. Má tôi có thói quen dùng nước vo gạo để tráng sơ các loại chén dĩa khi vừa ăn xong, sau đó mới rửa nó qua dung dịch rửa chén khác, vì vậy mà chén bát rửa xong luôn rất sạch sẽ thơm tho. Ấn tượng nhất phải kể đến là chiếc nồi gang dùng để nấu cơm của má. Chiếc nồi to có thể nấu được tầm sáu lon sữa bò đong gạo. Nó đã làm tôi chật vật và lo lắng khi mới về làm dâu nhà má, bởi qua nhiều năm tháng nung lửa, cái đáy nồi ấy bị lõm xuống phần giữa. Chỗ lõm ấy to cỡ cái miệng chén, tròn vo. Cơm sôi vừa cạn phải nhanh tay chắt lấy nước, gạt lửa ra xung quanh thành nồi, giúp hơi nóng giãn ra để đừng bị khét đáy. Nồi cơm chín đều, nở ráo, ngon cơm và có một lớp cháy vàng giòn dưới đáy là tiêu chí của má. Đơn giản vậy nhưng không phải ai cũng làm được. Nhà tôi bây giờ 360 ngày nấu cơm bằng nồi điện cỡ nhỏ nhất, chuyện nấu cơm bằng củi lửa bỗng trở thành niềm vui. Chỉ có Tết, nhà mới nấu nồi cơm to tướng, không thể thiếu nồi khổ qua hầm và thịt kho hột vịt lộng lẫy, nhiều bánh trái thơm ngon hòa trong niềm vui sum vầy. Rộn ràng tiếng trống múa lân, những chiếc bao đỏ lì xì kèm theo lời chúc tụng của người già và trẻ nhỏ dành cho nhau thì mới ra ngày Tết.
Từ ngày vắng ba, nhà đã không còn ai chịu khó chăm sóc cội mai già tứ quý để nó nở nhiều bông đúng dịp. Anh trai tôi, gần đến ngày đưa ông Táo về trời, tranh thủ qua nhà má dọn dẹp, lau chùi lư hương trên bàn thờ, lặt lá và cắt tỉa các nhành mai cho tươm tất. Thế nên, làm thế nào mà nó đơm bông cho kịp? Chăm hoa phải chăm hàng ngày, giống như yêu thương phải được vun vén từng chút mới có được.
Giao thừa, má tôi ngồi trông ra cửa, lặng im. Sớm mai mùng Một, nắng xuân sẽ trải vàng, hoa thược dược, cúc tây, vạn thọ… nở rộ đầy sân. Nhưng tôi có cảm giác sắc màu ấy không đủ để lấp đầy khoảng trống trong lòng má. Vậy mới nói, có những người trong cuộc đời, khi còn sống tưởng họ hiển nhiên ở bên cạnh ta, lúc mất đi rồi, thì không ai có thể thay thế được.