Cá minh thái Alaska (pollock), thường được sử dụng để chế biến các sản phẩm phổ biến như thanh cá và kẹp bánh mì thức ăn nhanh, có một chuỗi cung ứng phức tạp.
Sau khi được đánh bắt, một công đoạn trong hoạt động của ngành thủy sản thương mại lớn nhất ở Hoa Kỳ, cá được vận chuyển bằng tàu đến New Brunswick, Canada, gần biên giới với Maine. Sau đó, chúng được chất lên các toa tàu để thực hiện một chuyến đi ngắn trên đường ray dài khoảng 30,5 mét ở Canada, trước khi được đưa lên xe tải và băng qua biên giới vào Hoa Kỳ.
Cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới Hoa Kỳ đã cáo buộc rằng các chủ hàng đang vi phạm Đạo luật Jones, trong đó yêu cầu hàng hóa vận chuyển giữa các cảng của Hoa Kỳ phải được vận chuyển trên các tàu thuộc sở hữu của Hoa Kỳ.
Cơ quan này đưa ra hơn 350 triệu USD tiền phạt đối với các chủ hàng. Hai trong số các công ty vận chuyển đã kiện lên tòa án liên bang để ngăn chặn việc thực thi, mà họ cho là quá nặng tay, bất ngờ và không công bằng.
Vụ tranh chấp khiến 26 triệu pound (khoảng 11,8 triệu kg) cá pollock ứ đọng trong kho lạnh ở Canada khi một thẩm phán tòa án liên bang đưa ra lệnh cấm vận chuyển hải sản vào Hoa Kỳ. Các thành viên của ngành cho biết họ lo ngại về sự gián đoạn vĩnh viễn đối với chuỗi cung ứng thủy sản nếu sự bất đồng vẫn tiếp tục.
Gavin Gibbons, người phát ngôn của Viện Thủy sản Quốc gia có trụ sở tại Virginia, cho biết: “Chúng tôi đang nói về việc cung cấp thực phẩm và sử dụng lao động người Mỹ ngay bây giờ”.
Gibbons cho biết không có khả năng cá trong kho lạnh được chuyển đi vào ngày 18/10 vì đó là ngày nghỉ ở cả hai quốc gia.
Cơ quan Hải quan Hoa Kỳ cho biết đã đệ trình các giấy tờ của tòa án vào đầu tháng 10, trong đó tuyên bố họ đồng ý với các chủ hàng trong việc mong muốn có một giải pháp nhanh chóng cho vụ việc. Tuy nhiên, lịch trình mà Cơ quan Hải quan Hoa Kỳ đề xuất tại tòa án để giải quyết vụ việc vẫn sẽ mất vài tuần.
Cơ quan này từ chối bình luận về vụ việc vì vụ kiện tụng đang diễn ra, một phát ngôn viên của chính phủ cho biết. Các công ty vận chuyển đứng sau vụ kiện, Kloosterboer International Forwarding và Alaska Reefer Management, có văn phòng tại Seattle, cũng từ chối bình luận.
Michael Alexander, Chủ tịch của King and Prince, một công ty ở Georgia chuyên sản xuất thủy sản cho ngành dịch vụ thực phẩm, cho biết tranh chấp đang xảy ra vào thời điểm không tốt cho ngành thủy sản vì các doanh nghiệp hiện đang bận rộn chuẩn bị cho Mùa Chay.
Nhiều tín đồ theo đạo Cơ đốc sử dụng cá để thay thế thịt đỏ trong Mùa Chay, và nhu cầu tiêu dùng cá minh thái cao hơn trong suốt thời gian đó của năm. Hầu hết các món cá của các chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh, bao gồm cả món cá Filet-O-Fish của McDonald's, đều được làm từ cá minh thái.
"Nếu không thể sớm có được cá minh thái, thì Hoa Kỳ sẽ hết thời gian và hết cả các nguyên liệu thô khác; khiến các dây chuyền sản xuất - và con người - đứng ngồi không yên", Alexander nói.
Thống đốc bang Massachusetts Charlie Baker, một người thuộc đảng Cộng hòa, đã kêu gọi Tổng thống Joe Biden, một đảng viên Dân chủ, giúp giải quyết tranh chấp. Ông Baker cho biết trong một bức thư gửi Tổng thống vào giữa tháng 9 rằng bang của ông, nơi có một số nhà chế biến thủy sản lớn nhất quốc gia, sẽ bị thiệt hại về mặt kinh tế nếu việc vận chuyển cá không được bắt đầu trở lại.
Ông viết, điều đó có thể phải trả giá bằng việc làm trong một ngành công nghiệp vẫn đang quay cuồng với đại dịch virus Corona.
"Các nhà chế biến ở Massachusetts sẽ đối mặt với việc cạn kiệt lượng hàng tồn kho còn lại, ngừng sản xuất và buộc phải sa thải công nhân", bức thư của Baker viết.
Những chiếc xe tải chở cá vào Hoa Kỳ thông qua địa điểm Calais, một thành phố nhỏ của Maine nằm cách Portland khoảng 220 dặm (khoảng 353 kilomet) về phía đông bắc. Thành phố phụ thuộc chủ yếu vào hoạt động kinh tế xuyên biên giới, vốn đang phải hứng chịu ảnh hưởng nặng nề trong đại dịch Covid-19, theo Michael Ellis - quản lý thành phố.
“Tất cả chúng tôi đều hy vọng biên giới sẽ mở cửa trở lại vì đó là một phần quan trọng của nền kinh tế", vị quản lý cho biết.