Xuyên suốt lịch sử bóng đá Việt Nam, tính từ khi trở lại hội nhập với bóng đá khu vực hồi đầu thập niên 1990, thành công luôn gắn với một thế hệ cụ thể. Chẳng hạn, thế hệ Hồng Sơn, Huỳnh Đức; sau đó là Minh Phương, Công Vinh, Tài Em; và hiện tại là Quang Hải, Công Phượng. Tuy nhiên, xen kẽ những lớp cầu thủ ấy lại là những đứt gãy khó lý giải.
Ví dụ như quãng từ năm 2000 đến 2002, hoặc từ 2009 đến 2013, các đội tuyển Việt Nam hầu như không có cơ hội tiến sâu tại Đông Nam Á. Điển hình là Tiger Cup 2002, thầy trò Calisto còn không có cả nhà tài trợ trang phục, và phải chạy vạy khắp nơi để đảm bảo điều kiện thi đấu.
Phát hiện, bồi dưỡng những cầu thủ tài năng đã khó, nhưng duy trì công tác đào tạo trẻ để đội tuyển liên tục được làm mới lại càng khó hơn. Chúng ta đã có một lứa như thế, khởi nguồn từ vòng chung kết U23 châu Á 2018. Tuy nhiên, tới AFF Cup 2021, sự đứt gãy lại diễn ra. Không một cầu thủ U23 nào đủ khả năng ra sân dù tuổi trung bình của nhóm trụ cột đã là 26-27, ngoại trừ Hoàng Đức - người được phát hiện từ U20 World Cup 2017. Trong khi đó, ở AFF Cup 2018, con số này lên đến 9 người.
Bắt đầu từ U23 Đông Nam Á, đến SEA Games, rồi VCK U23 châu Á và cuối cùng khép lại với đội tuyển Olympic ở Asiad 2022. Tính sơ sơ, đã có gần 20 trận đấu quốc tế. Với một lịch thi đấu liên tục như vậy, không còn chuyện nhập nhằng giữa đội lớn và đội trẻ. Những cầu thủ trẻ cũng sẽ nhiều cơ hội hơn để trải nghiệm không khí thi đấu quốc tế.
Thành công của lứa Quang Hải, Công Phượng sau khi trải qua một loạt đấu trường giàu tính cạnh tranh và chất lượng, là động lực để bóng đá Việt Nam mạnh dạn thay đổi, trước khi nguy cơ "bước hụt" lại xảy ra như trước đây.
Một yếu tố nữa, tạo điều kiện cho các cầu thủ trẻ bước ra ánh sáng, là đội tuyển sẽ không thi đấu suốt từ sau vòng loại World Cup 2022 (cuối tháng 3) cho đến trước AFF Cup 2022. Nói một cách khác, nếu không xây dựng được một đội tuyển tươi mới, trẻ trung hơn trong năm 2022, những cú vấp như đã xảy ra tại SEA Games 2001, hay AFF Cup 2012 có thể tái diễn, nhất là khi những trụ cột như Đoàn Văn Hậu, Trần Đình Trọng... chấn thương liên miên.
Không trái ngọt nào đến một cách tự nhiên. Vấn đề chỉ là chúng ta sẽ chịu "hy sinh" những giải đấu nào để đầu tư cho tương lai?
Từ trước đến nay, V-League luôn chịu thiệt thòi nhất, nhưng sắp tới, mọi chuyện có thể sẽ khác. Bởi dù thế nào, đây vẫn là nguồn phát hiện trực tiếp ra các nhân tố mới cho đội tuyển. Buộc V-League thi đấu "dồn toa", khiến cầu thủ mệt mỏi, chấn thương là tư duy cần thay đổi.
Cùng với việc ông Park thôi kiêm nhiệm đội U23 từ sau SEA Games 31, rất nhiều định hướng và cải tổ sâu rộng nền bóng đá, xuất phát từ hệ thống đào tạo trẻ, được mong chờ.