| Hotline: 0983.970.780

Trao giải Cuộc thi viết 'Những kỷ niệm sâu sắc về thầy cô và mái trường' năm 2023

Thứ Bảy 30/12/2023 , 19:02 (GMT+7)

Chiều 29/12, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Lễ tổng kết và Trao giải Cuộc thi viết 'Những kỷ niệm sâu sắc về thầy cô và mái trường' năm 2023.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng phát biểu tại Lễ tổng kết.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng phát biểu tại Lễ tổng kết.

Tham dự buổi lễ có ông Phạm Ngọc Thưởng, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT; ông Nguyễn Ngọc Ân, Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam; nhà báo Triệu Ngọc Lâm, Tổng Biên tập Báo Giáo dục và Thời đại; ông Đặng Văn Bình - Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý; ông Đỗ Đức Quế - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học; bà Trịnh Hoài Thu - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học; ông Lê Đình Nghị - Phó Chánh Thanh tra Bộ; ông Trần Văn Lam - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Thể chất (Bộ GD-ĐT); bà Vương Hương Giang - Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội; ông Phạm Quỳnh, Phó Tổng Biên tập Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam; Thiếu tướng, Nhà văn, TS Nguyễn Hồng Thái (nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử CAND, Tổng biên tập Tạp chí Công an nhân dân), UV Hội đồng Lý luận VHNTTW.

Đến tham dự chương trình còn có các đồng chí lãnh đạo đại diện các Cục, Vụ thuộc Bộ GD-ĐT, Công đoàn Giáo dục Việt Nam, đại diện Lãnh đạo các Sở GD-ĐT, các cơ quan thông tấn báo chí của Trung ương và Hà Nội. Đặc biệt, chương trình còn có sự hiện diện của các tác giả có tác phẩm đoạt giải và các nhân vật nổi bật trong một số bài viết dự thi.

Quang cảnh buổi lễ.

Quang cảnh buổi lễ.

Cuộc thi nhằm biểu dương các nhà giáo có tình cảm, việc làm, thành tích tốt đẹp, đóng góp tích cực cho công cuộc đổi mới giáo dục; Những kỷ niệm, tình cảm sâu đậm, lòng biết ơn của các em học sinh đối với thầy cô và mái trường; Ghi nhận và tôn vinh những cơ sở giáo dục có nhiều đổi mới, sáng tạo trong dạy học và giáo dục học sinh...

Cuộc thi viết những kỷ niệm sâu sắc về thầy cô và mái trường năm 2023 có hơn 80.000 tác phẩm gửi về Ban Tổ chức, Ban Giám khảo Sơ khảo đã lựa chọn được 44 tác phẩm vào vòng Chung khảo. Từ những tác phẩm này, Ban Giám khảo Chung khảo đã đề xuất 2 tác phẩm đoạt giải Nhất; 4 tác phẩm giải Nhì; 6 tác phẩm giải Ba; 10 tác phẩm đoạt giải Khuyến khích; 4 giải thưởng phụ; 2 giải Nhân vật và 2 tập thể có nhiều tác phẩm dự thi, đạt chất lượng tốt.

Theo đánh giá của Ban Giám khảo, chất lượng các tác phẩm dự đầu tư thi năm nay khá tốt. Nhiều tác phẩm đã để lại ấn tượng sâu sắc, bởi có công phu từ nội dung cho đến hình thức thể hiện.

Có thể thấy, hình ảnh thầy cô giáo được nhìn từ góc nhìn đa chiều, đa diện, song dù ở góc độ nào, mối quan hệ nào thì các tác phẩm dự thi đều là những hình ảnh đẹp, độc đáo về các thầy cô giáo. Và còn rất nhiều những tấm gương, câu chuyện cảm động về thầy cô và mái trường được gửi gắm trong các tác phẩm. Đó là tâm tình, yêu thương lan toà và năng lượng tích cực mà cuộc thi mong muốn mang đến cho tất cả những ai đã và đang ngồi trên ghế nhà trường.

Các tác giả đoạt giải Nhất giao lưu với khán giả.

Các tác giả đoạt giải Nhất giao lưu với khán giả.

Phát biểu tại buổi lễ, nhà báo Triệu Ngọc Lâm - Tổng Biên tập Báo Giáo dục và Thời đại, Trưởng Ban Tổ chức Cuộc thi cho biết, Cuộc thi do GD-ĐT giao cho Báo Giáo dục và Thời đại là đơn vị thường trực tổ chức hàng năm. Cuộc thi năm nay sau hai tháng phát động đã đón nhận sự hưởng ứng, tham gia của đông đảo tác giả trên cả nước và nhiều tác phẩm chất lượng.

Ban Tổ chức đã nhận được hơn 80.000 bài dự thi, được gửi qua email và đường bưu điện. Số lượng bài tham gia cho thấy cuộc thi đã có sức sống, lan tỏa mạnh mẽ trong các nhà trường. Đồng thời cũng thể hiện sự quan tâm, ủng hộ của đông đảo độc giả, các tầng lớp nhân dân về ý nghĩa của cuộc thi.

Nhà báo Triệu Ngọc Lâm - Tổng Biên tập Báo Giáo dục và Thời đại, Trưởng Ban Tổ chức Cuộc thi phát biểu tại buổi lễ.

Nhà báo Triệu Ngọc Lâm - Tổng Biên tập Báo Giáo dục và Thời đại, Trưởng Ban Tổ chức Cuộc thi phát biểu tại buổi lễ.

Ông Nguyễn Ngọc Ân - Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam, đại diện Ban giám khảo chung khảo cuộc thi, cho biết: "Mỗi tác phẩm dự thi là minh chứng cho giá trị mà thầy cô và nhà trường dâng hiến cho cuộc đời".

Ông Nguyễn Ngọc Ân bày tỏ sự trân trọng đối với các tác giả, tác phẩm dự thi. Ông nhận định, cuộc thi đã tạo tiếng vang lớn và hiệu ứng tích cực trong các nhà trường nói riêng và xã hội nói chung.

Tại Lễ tổng kết cuộc thi, Thiếu tướng, Nhà văn, TS Nguyễn Hồng Thái - thành viên Ban Giám khảo, nhìn nhận, cuộc thi dường như không phải để thi thố về văn chương mà là nơi ghi chép lại những điều tử tế, hy sinh có thực trong đời sống của nhà trường, giáo dục.

Không cần phải là một nhà văn, mỗi thầy cô, mỗi em học sinh của các thế hệ viết về kỷ niệm của mình. Không cứ là nhân vật điển hình, chỉ cần những thầy cô bình dị, chúng ta sẽ có hàng triệu tượng đài bằng chữ viết, những tượng đài có thật sẽ dựng lên bền vững trong trái tim mình, trong trái tim mọi người. Ngọn lửa trí tuệ, tình yêu thương và lòng tốt đã được truyền tải qua các bài viết. Đạo thầy trò của dân tộc Việt Nam sẽ sáng mãi qua các thế hệ.

Thiếu tướng, Nhà văn Nguyễn Hồng Thái cũng cảm ơn Ban tổ chức đã phát động một cuộc thi hết sức tốt đẹp, từ đó, giúp gieo mầm, ươm mầm phát triển những cá nhân đang có nhiều đóng góp trong ngành giáo dục; người tốt, việc tốt trong toàn xã hội.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng chụp ảnh với các tác giả đoạt giải.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng chụp ảnh với các tác giả đoạt giải.

Phát biểu tại Lễ tổng kết và trao giải Cuộc thi, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh, tất cả tác giả đoạt giải hay không đoạt giải đều là người chiến thắng. Mỗi tác phẩm là tình cảm, sự tri ân, hồi ức tốt đẹp về thầy cô và mái trường. Mỗi người đặt bút viết về thầy cô và mái trường đều trở nên trong sáng, thánh thiện hơn và có thêm sức mạnh để tiếp tục hành trình. Đó là thành công lớn nhất, cuộc thi không chỉ là cơ hội để các em học sinh thể hiện lòng biết ơn và tình cảm của mình đối với những người đã dìu dắt, mà còn là dịp để những người làm công tác giáo dục nhìn nhận, đánh giá lại giá trị, tầm quan trọng của nghề giáo trong việc định hình tương lai của thế hệ trẻ.

Thứ trưởng bày tỏ mong muốn cuộc thi ngày càng được lan tỏa, tiếp tục được tổ chức chất lượng hơn, để thầy cô và mái trường luôn là nỗi nhớ mong của mọi người. Qua cuộc thi, tình cảm về thầy cô và mái trường luôn là niềm tự hào, nơi các em hướng tới, nơi ươm mầm tương lai, nhân cách, xây dựng đất nước giàu đẹp, văn minh.

Thứ trưởng bày tỏ sự trân trọng, ghi nhận tất cả tình cảm tốt đẹp của các tác giả đã hướng về thầy cô và mái trường, đặc biệt bày tỏ sự trân trọng với 30 tác giả đoạt giải. Các tác phẩm là những kỷ niệm thiêng liêng, trong sáng làm nên nhân cách của mỗi người.

Ông Phạm Ngọc Thưởng - Thứ trưởng Bộ GD-ĐT trao giải cho các tác giả Nguyễn Thị Hiền và Cao Văn Dũng có tác phẩm đoạt giải Nhất.

Ông Phạm Ngọc Thưởng - Thứ trưởng Bộ GD-ĐT trao giải cho các tác giả Nguyễn Thị Hiền và Cao Văn Dũng có tác phẩm đoạt giải Nhất.

Ban tổ chức đã trao 30 giải (gồm 2 giải tập thể và 28 giải cá nhân). Cụ thể:

Trao 10 giải Khuyến khích cho các tác phẩm:

1. "Nghị lực phi thường của cô giáo mang trong mình căn bệnh hiểm nghèo". Tác giả: Hoàng Thị Sáu, Giáo viên Trường Tiểu học Nghi Hưng, huyện Nghi Lộc tỉnh Nghệ An.

2. “Người thầy vĩ đại”. Tác giả: Nguyễn Trâm Anh, học sinh Lớp 11C6, Trường THPT Chuyên Phan Bội Châu, tỉnh Nghệ An.

3. "Hãy viết tiếp ước mơ của thầy, các em nhé!". Tác giả: Vũ Thị Kim Thoa, giáo viên Trường TH&THCS Tân Liên, tỉnh Quảng Trị.

4. "Nơi tôi tìm về". Tác giả: Nguyễn Khánh Vy, học sinh Lớp 10A1, trường THPT Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau.

5. Tác phẩm: Bài học sâu sắc. Tác giả: Lê Thị Thu Hiền, giáo viên Trường THPT Xuân Vân, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang.

6. "Thầy tổng phụ trách trong em!". Tác giả: Trần Hà Giang, học sinh lớp 6A7, Trường THCS Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội.

7. "Người chắp cánh ước mơ". Tác giả: Nguyễn Thị Thảo, giáo viên Trường THCS Tiên Phú, huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ.

8. "Người thầy gieo mầm con chữ". Tác giả: Nguyễn Hà Chi, Nguyễn Thị Minh Ngọc, giáo viên Trường THPT Số 2, tỉnh Lào Cai.

9. "Người Thầy - Dấu xưa". Tác giả: Vũ Thị Thu Hoài, giáo viên Trường THCS Hải Anh, huyện Hải Hậu, Nam Định.

10. "Người nâng cánh ước mơ cho em". Tác giả: Đào Thị Ánh Linh, học sinh lớp 9A, Trường THCS Đình Cao, huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên.

Trao 6 giải Ba cho các tác phẩm:

1. "Bông xương rồng trên cát". Tác giả: Võ Thị Bê, giáo viên Trường THPT Vĩnh Định, Triệu Trung, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị.

2. "Người cô gieo yêu thương nơi đá núi". Tác giả: Phạm Thị Yến, giáo viên trường THCS 19/5 xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La.

3. "Người học trò năm ấy". Tác giả: Phạm Thị Hường, giáo viên Trường THCS Phan Đình Phùng, Huyện M’Đrăk, Đăk Lăk.

4. "Vượt lên số phận". Tác giả: Hoàng Thị Thanh Huyền, giáo viên Trường THCS Hồng Kỳ, huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang.

5. "Khắc nhẹ hình bóng ấy lên tim". Tác giả: Nguyễn Lê Văn Quỳnh, học sinh lớp 8A5, Trường THCS Vân Canh, huyện Hoài Đức, TP Hà Nội.

6. "Cô giáo vùng cao". Tác giả: Võ Ngọc Tường Vy, học sinh lớp 11A3, Trường THPT Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi.

Trao 4 giải Nhì cho các tác phẩm:

1. "Hai mươi năm, nơi tình yêu bắt đầu". Tác giả: Nguyễn Thị Liên, giáo viên Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị.

2. "Người thầy đầu tiên". Tác giả: Nguyễn Phạm Gia Nhi , học sinh lớp 9A2, trường THCS Chất lượng cao huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La.

3. “'Vượt sướng' không khó vì thầy ở bên". Tác giả: Nguyễn Duy Minh, học sinh Lớp 11A1, trường THPT Hàm Yên, Tuyên Quang.

4. “Người truyền lửa”. Tác giả: Hoàng Thị Phương, giáo viên Trường THPT Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên.

Trao 2 giải Nhất:

1. “Tấm huy chương của Hoàng Minh Hiếu!”. Tác giả: Cao Văn Dũng, giáo viên Trường THPT Chuyên Hà Nội Amsterdam (TP Hà Nội).

2. “Hơi ấm tỏa từ bàn tay”. Tác giả Nguyễn Thị Hiền, giáo viên Trường Phổ thông dân tộc nội trú THPT số 2, tỉnh Nghệ An.

Trao 2 giải Nhân vật:

1. Thầy giáo Trần Thọ Đổng, nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Nghi Lộc 3, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An - nhân vật trong tác phẩm “Hơi ấm tỏa từ bàn tay”.

2. Thầy giáo Ma Văn Sản, nguyên giáo viên môn Tiếng Anh, trường THPT số 2 thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai – nhân vật trong tác phẩm “Người thầy gieo mầm con chữ”.

Trao 4 giải dành cho các tác giả có tác phẩm ấn tượng:

1. "Khoảng lặng". Tác giả: Đỗ Ngọc Minh Châu, học sinh Lớp 5A3, Trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu, Hà Nội.

2. "Người truyền cảm hứng và vun đắp những ước mơ cho học trò của mình". Tác giả Nguyễn Thị Hằng, Biên tập viên Tạp chí Giáo dục lý luận chính trị quân sự, Học viện Chính trị.

3. "Trong từng nét chữ". Tác giả Phạm Thế Quang, Giáo viên Trường THPT Thới Long, số 144, KV Thới Mỹ, P Thới Long, Q Ô Môn, TP Cần Thơ.

4. "Kỉ niệm sâu sắc về thầy cô và mái trường". Tác giả: Tạ Nguyễn Minh Châu, Học sinh lớp 7A7 Trường THCS Hoàng Mai, TP Hà Nội.

Trao 2 giải tập thể: Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hà Nội và Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nghệ An.

Cuộc thi viết "Những kỷ niệm sâu sắc về thầy cô và mái trường" được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2011 với tên gọi "Những kỷ niệm sâu sắc về giáo viên chủ nhiệm và công tác chủ nhiệm lớp". Từ 2018, cuộc thi mang tên "Những kỷ niệm sâu sắc về thầy cô và mái trường" và được tổ chức thường niên.

Xem thêm
Ông Đinh Thế Huynh nhận huy hiệu 50 năm tuổi Đảng

Trao quyết định và tặng hoa, ông Trần Cẩm Tú chúc mừng ông Đinh Thế Huynh đón nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng - phần thưởng cao quý của Đảng.

Nhiều dự án nông nghiệp do Ngân hàng Thế giới tài trợ đạt kết quả tốt

Chiều 22/11, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan tiếp Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới vùng Đông Á – Thái Bình Dương Manuela V. Ferro.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Hơi ấm cộng đồng giúp người dân Lục Yên gượng dậy sau bão

Yên Bái Vượt qua những đau thương, mất mát do thiên tai càn quét, những ngày này chính quyền và người dân ở huyện Lục Yên đang gượng dậy khôi phục sản xuất, dựng lại nhà ở.