Việc mua bán thuốc tập trung sẽ khắc phục được tình trạng mỗi nơi một giá. Ảnh người dân xếp hàng lấy thuốc bảo hiểm y tế tại Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: N.Phương.
Ông Đỗ Văn Đông, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế cho biết, theo luật Đấu thầu, mua sắm tập trung được áp dụng trong trường hợp hàng hóa, dịch vụ cần mua sắm với số lượng nhiều, chủng loại tương tự ở một hoặc nhiều cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp hoặc chủ đầu tư. Mặt hàng thuốc được Luật quy định mua tập trung ở cấp quốc gia và cấp địa phương.
Bộ Y tế có trách nhiệm ban hành danh mục thuốc đấu thầu tập trung và hướng dẫn mua thuốc tập trung ở cấp quốc gia, cấp địa phương, bảo đảm từ năm 2016 thực hiện trên phạm vi toàn quốc. Hiện tại, trên cả nước đã có 53 tỉnh, thành thực hiện đấu thầu tập trung. Bên cạnh đó một số loại thuốc đắt tiền, giá trị sử dụng lớn sẽ áp hình thức đàm phán giá. Bộ Y tế đã hoàn thiện và chuẩn bị ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện.
Theo ông Đông, việc đấu thầu thuốc tập trung và đám phán giá cấp quốc gia có nhiều ưu điểm như tiết kiệm thời gian, chi phí đấu thầu so với đấu thầu riêng lẻ. Nó cũng đảm bảo sự thống nhất về giá thuốc trúng thầu và tăng cường hiệu quả kinh tế của gói thầu do gói thầu lớn, thời hạn hợp đồng dài hơn.
Dù vậy ông Đông cũng thừa nhận, đây là phương thức mới, cần kinh nghiệm trong quá trình triển khai. Việc bảo đảm nguồn cung ứng liên tục cho gói thầu tập trung lớn cũng gặp khó hơn việc tổ chức đấu thầu riêng lẻ. Để khắc phục những khó khăn này, Bộ Y tế đã phối hợp với các Bộ, các đơn vị liên quan để có lộ trình triển khai phù hợp để vừa làm vừa rút kinh nghiệm và từng bước nhân rộng.
“Thực tế cũng cho thấy chúng ta đã tiết kiệm được chi phí so với phương thức mua sắm cũ. Việc mua sắm tập trung ở cấp quốc gia đã được nhiều nước áp dụng”, ông Đông nói.