| Hotline: 0983.970.780

Tri ân nông dân, nông thôn

Thứ Năm 21/04/2022 , 08:42 (GMT+7)

'Chương trình xây dựng nông thôn mới đã củng cố lòng tin của người dân vào Đảng. Ở đâu đó còn lộn xộn, nhưng về nông thôn thì chúng ta thấy rất yên tâm'

Sáng nay (21/4), diễn ra Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, do Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh chủ trì. Nhân sự kiện này, Báo Nông nghiệp Việt Nam đã phỏng vấn ông Hồ Xuân Hùng - nguyên Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, người đã gắn bó với Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới từ những ngày đầu tiên.

Ông Hồ Xuân Hùng - nguyên Thứ trưởng Bộ NN-PTNT chia sẻ với Báo Nông nghiệp Việt Nam về những kết quả to lớn của Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới. Ảnh: Nhật Quang.

Ông Hồ Xuân Hùng - nguyên Thứ trưởng Bộ NN-PTNT chia sẻ với Báo Nông nghiệp Việt Nam về những kết quả to lớn của Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới. Ảnh: Nhật Quang.

Tìm được chìa khóa thành công

Hơn 10 năm trước, chúng ta khởi đầu Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới trong bối cảnh hết sức khó khăn. Khi ấy theo rà soát, bình quân mỗi xã chỉ đạt 4 tiêu chí. Ông có tưởng tượng được rằng đến ngày hôm nay, hơn 69% số xã trên cả nước đã đạt chuẩn nông thôn mới?

Năm 2010, khi Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định 800 phê duyệt Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020, chúng ta chỉ dám đặt mục tiêu đến năm 2015 có 20% số xã đạt chuẩn nông thôn mới và đến năm 2020 đạt 50% số xã đạt chuẩn.

Lúc đó, chúng ta mới chỉ làm thí điểm một vài mô hình thôn mới do Bộ NN-PTNT và Ban Kinh tế Trung ương thực hiện, chứ chưa hình dung ra xã nông thôn mới là gì.

Bởi vậy, khi có Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Ban Bí thư quyết định thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng mô hình điểm xã nông thôn mới do Thường trực Ban Bí thư Trương Tấn Sang làm Trưởng Ban Chỉ đạo. Tôi có may mắn được phân công làm Tổ trưởng Tổ giúp việc cho Ban Chỉ đạo.

Nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo là tìm lời giải cho hàng loạt câu hỏi: Xây dựng nông thôn mới là như thế nào, bắt đầu từ đâu, ai làm, ai thụ hưởng và tiền đâu để làm? Đồng thời, phải xây dựng bộ tiêu chí cụ thể làm thước đo gì để đánh giá được thế nào là xã đạt chuẩn nông thôn mới. Kết quả là, lần đầu tiên chúng ta có bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới, đó là việc trước nay chưa từng có.

Và, trong quá trình xây dựng mô hình điểm, chúng ta đã tìm ra được chìa khóa thành công. Thứ nhất là người dân làm, Nhà nước hỗ trợ. Thứ hai, đồng hành với người dân là các doanh nghiệp, các tổ chức xã hội nghề nghiệp, tổ chức chính trị và đứng đầu là Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Nếu không tìm ra những phương pháp đó thì chúng ta không thể trả lời cho câu hỏi: Tiền đâu để xây dựng nông thôn mới? Bởi, tiền của Nhà nước thì chỉ có mức độ thôi. Bởi vậy, trong cơ cấu vốn xây dựng nông thôn mới, chúng ta xác định ngân sách Trung ương và địa phương chỉ chiếm khoảng 40% và 5 năm sau tăng gấp 2 lần.

Lúc đầu chúng ta đưa ra khẩu hiệu: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” và sau này, khẩu hiệu ấy có thêm ba chữ “dân thụ hưởng”. Và từ những quyết sách hợp lòng dân của Đảng, cả xã hội đã cùng vào cuộc.

Cùng với đó, Chính phủ đã rà soát, sửa đổi, bổ sung một loạt các quy định, thậm chí trình Quốc hội sửa đổi một số Luật và quy định để huy động nguồn lực, nhất là nguồn lực từ các doanh nghiệp. Bởi vậy, chúng ta mới huy động một nguồn lực khổng lồ để thực hiện Chương trình. Nhìn lại cả quá trình ấy, tôi khó có thể tưởng tượng được rằng đến nay, chúng ta đã có 69% số xã đạt chuẩn nông thôn mới. Đây là con số cực kỳ ấn tượng.

Sức dân, lòng dân

Vậy theo ông, đâu là những quyết sách quan trọng nhất giúp chúng ta huy động nguồn lực của toàn xã hội để xây dựng nông thôn mới?

Vấn đề quan trọng nhất là chúng ta định hình rõ ai làm việc gì và lấy nguồn ở đâu. Cụ thể, đầu tư xây dựng hạ tầng nông thôn cơ bản thì phải khẳng định được vai trò chủ đạo của Nhà nước, nhưng không thể bỏ qua vai trò của người dân.

Ví dụ khi làm đường giao thông nông thôn, Nhà nước hỗ trợ vật liệu cơ bản như xi măng, gạch, đá; người dân hiến đất, góp sức làm đường, vì làm đường cho chính người dân hưởng thụ. Các tổ chức chính trị xã hội và tổ chức xã hội nghề nghiệp cũng phải cùng xắn tay hỗ trợ.

Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp gỡ các diêm dân trên cánh đồng muối xã Phước Minh, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận ngày 16/4/2022. Ảnh: Dương Giang.

Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp gỡ các diêm dân trên cánh đồng muối xã Phước Minh, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận ngày 16/4/2022. Ảnh: Dương Giang.

Vậy theo ông đâu là những khó khăn lớn nhất trong xây dựng nông thôn mới xét về cả yếu tố vật chất và phi vật chất?

Khó khăn đầu tiên là phải tạo được sự đồng lòng chung của toàn Đảng, toàn dân. Mặc dù lúc đầu công tác tuyên truyền rất tốt, nhưng khi triển khai thực tế ở địa phương, cơ sở lại động chạm rất nhiều chuyện.

Ví dụ, khi chúng ta thay đổi nhà văn hóa, thay đổi một hủ tục để xây dựng nếp sống văn hóa mới; tổ chức lại trường học hay tổ chức lại chợ nông thôn,… lĩnh vực nào cũng đụng chạm từ lợi ích riêng nho nhỏ của cá nhân, hộ gia đình đến lợi ích không hề nhỏ của một làng, một xóm… Tất cả những vấn đề đó đều là khó khăn. Ở một số nơi, việc giải phóng mặt bằng làm giao thông nông thôn vô cùng khó, lúc đầu không dễ gì người dân đồng tình, chia sẻ.

Bên cạnh đó, không ít địa phương làm phong trào theo kiểu bề nổi, làm thấy được, xét đạt chuẩn nông thôn mới mà cho nợ rất nhiều tiêu chí, thậm chí tiêu chí rất cơ bản là quy hoạch còn cho nợ, bệnh xá thì cho nợ bác sĩ, trường học cho nợ giáo viên. Những tồn tại, hạn chế đó khiến người dân hoang mang trong giai đoạn đầu.

Vậy nếu nói về những thành quả to lớn của Chương trình xây dựng nông thôn mới trong hơn 10 năm qua, ông sẽ chia sẻ điều gì?

45 triệu m2 đất mà người dân đã hiến để làm đường, các công trình phúc lợi công cộng (mở rộng trường, mở rộng bệnh xá) là con số khiến tôi cực kỳ ấn tượng. Chúng tôi rất trân trọng những tấm lòng đó, bởi người dân đã hy sinh vì cộng đồng, vì quốc gia và cũng vì lợi ích của chính họ. Điều này thể hiện tình yêu quê hương của họ ngày càng sâu đậm hơn.

Thứ hai, Chương trình xây dựng nông thôn mới đã củng cố lòng tin của người dân vào Đảng. Ở đâu đó còn lộn xộn, nhưng về nông thôn thì chúng ta thấy rất yên tâm. Họ rất tin tưởng vào đường lối của Đảng và Nhà nước. Khi chúng ta đưa ra chủ trương hợp lòng dân, chính sách hợp lòng dân thì bao giờ cũng đạt được sự ủng hộ to lớn.

Chương trình xây dựng nông thôn mới đã củng cố lòng tin trong nhân dân. Ảnh: Thanh Nga.

Chương trình xây dựng nông thôn mới đã củng cố lòng tin trong nhân dân. Ảnh: Thanh Nga.

Thứ ba, chúng ta thấy rõ sự thay đổi rất cơ bản bộ mặt của nông thôn, đời sống của người dân được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh. Những kết quả đó không chỉ cư dân nông thôn phấn khởi mà hầu hết cư dân đô thị đều phấn khởi.

Anh Nguyễn Sinh Hùng khi còn ở cương vị Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ từng nói: “Chúng ta đều là con em từ bờ tre gốc rạ mà ra cả, hãy làm cái gì đó cho quê hương để tri ân với nông dân”. Và thông qua Chương trình xây dựng nông thôn mới, chúng ta đã khẳng định được điều này.

Cho nên, thành quả của Chương trình xây dựng nông thôn mới không chỉ cho cư dân nông thôn mà còn cho cả người dân trong và ngoài nước. Tôi gặp khá nhiều kiều bào nước ngoài và họ đều cảm nhận rát rõ sự thay da đổi thịt của hạ tầng và cảnh sắc nông thôn.

Bên cạnh việc nâng cao đời sống vật chất, chúng ta vẫn giữ được bản sắc văn hóa của nông thôn. Mà văn hóa nông thôn chính là văn hóa của dân tộc, của quốc gia. Quốc gia nào cũng vậy, văn hóa bắt đầu từ nông thôn vì nông thôn có trước đô thị. Đồng thời, chúng ta tiếp cận được văn hóa hội nhập, phát triển du lịch gắn với nông nghiệp, nông thôn; thu hút công nghiệp về với nông thôn, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, đó là những bước tiến rất lớn, tạo ra thế và lực để phát triển trong tương lai.

Xin cảm ơn ông!

(thực hiện)

Xem thêm
Ông Đinh Thế Huynh nhận huy hiệu 50 năm tuổi Đảng

Trao quyết định và tặng hoa, ông Trần Cẩm Tú chúc mừng ông Đinh Thế Huynh đón nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng - phần thưởng cao quý của Đảng.

Trang bị kỹ năng tận dụng phụ phẩm nông nghiệp cho nông dân

Trung tâm Khuyến nông Tây Ninh vừa tổ chức lớp tập huấn về 'Quy trình sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng từ phụ phẩm nông nghiệp địa phương'.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Thành lập thị xã Mộc Châu trực thuộc tỉnh Sơn La

Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV vừa ban hành Nghị quyết về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của tỉnh Sơn La giai đoạn 2023 - 2025.