| Hotline: 0983.970.780

Tri thức nghề nông: Làm nông 'thuận thiên'

Thứ Sáu 02/02/2024 , 14:30 (GMT+7)

Về Tam Nông (Đồng Tháp), tôi ấn tượng bởi nhiều nông dân rất sáng tạo, làm giàu dựa vào tự nhiên, ngày càng ý thức sản xuất có trách nhiệm với môi trường, sức khỏe.

Nhiều ngày rong ruổi về vùng nông thôn của huyện Tam Nông (tỉnh Đồng Tháp) gặp nhiều nông dân, tôi vui. Bởi những người nông dân ấy vẫn chân chất, hào sảng đúng chất Nam bộ xưa, nhưng cách nghĩ, cách làm đã thay đổi, theo hướng tích cực.

Dụ cá tự nhiên vào đồng, lợi ích kép

Đến UBND xã Phú Thọ (huyện Tam Nông), tôi hỏi thăm về những mô hình nông nghiệp độc đáo, hiệu quả, anh Lê Thanh Tùng, Chủ tịch Hội Nông dân xã nói một hơi: “Bây giờ nông dân địa phương có nhiều mô hình kinh tế hiệu quả, rất phù hợp với đặc thù của địa phương, như mô hình nuôi cá tự nhiên, nuôi cá đặc sản”. Ngưng giây lát, anh nói tiếp: “Để tôi sắp xếp công việc chút rồi đưa anh đi chứ cũng khó tìm, anh tự đi mất công lắm”.

Điểm đầu tiên chúng tôi đến là một cánh đồng ngập nước mênh mông đang nuôi cá tự nhiên, chủ nhân là anh Giang Thái Bình, 43 tuổi ở ấp Phú Thọ B, xã Phú Thọ.

Anh Giang Thái Bình giữa cánh đồng lúa tích nước lũ thả cá tự nhiên. Ảnh: Hồng Thủy.

Anh Giang Thái Bình giữa cánh đồng lúa tích nước lũ thả cá tự nhiên. Ảnh: Hồng Thủy.

Mặc dù giữa trưa nắng gắt nhưng khi tôi đề nghị anh cho tôi tham quan một vòng cánh đồng bằng ghe chèo tay, anh Bình gật đầu tắp lự, rồi sau đó quày quả đi xuống phía dưới, nơi chiếc ghe đang đậu. Vừa gồng tay chèo ghe, anh vừa cho biết làm mô hình này vì thấy có nhiều lợi ích. Trong đó quan trọng là không dùng hoá chất lúc trồng lúa nên đất sạch, anh dự kiến làm lúa theo quy trình hữu cơ.

Vị trí ruộng lúa của gia đình anh Bình nằm sát bờ đê ngăn lũ và thấp hơn bên ngoài nên việc đón nước vào ruộng khá thuận lợi. Anh đào hệ thống mương và mộ số ao xung quanh ruộng lúa. Tháng 9, khi thu hoạch lúa xong là lúc lũ về, tràn vào ruộng, cùng với rất nhiều loại cá. Sau mấy tháng lũ rút, anh giữ nước lại nuôi, đồng thời, thả thêm một số loại cá khác như cá lóc, trê, rô, lươn. Đến vụ lúa, anh rút bớt nước, chỉ còn những ao, mương có nước, cá được dồn hết vào đây. Cấy lúa xong, anh bơm nước từ ngoài kênh vào, mực nước được bơm theo chiều cao cây lúa.

Trong số các loại cá thả thêm, anh Bình ưu tiên cá lóc đầu nhím bởi đây là loài cá dễ nuôi, phù hợp với môi trường tự nhiên, không cần kỹ thuật. Cá nuôi trong thời gian từ 5 - 6 tháng đạt trọng lượng 6 - 7 lạng/con. Mặc dù không lớn nhưng thịt cá thơm ngon hơn cá nuôi công nghiệp.

“Nuôi các loại cá khác như cá tra, cá heo, cá chình, cá chạch... giá trị kinh tế cao hơn nhưng phải có ao chuyên nuôi chứ không nuôi trong ruộng lúa như vậy được. Chưa kể phải có quy trình, chi phí đầu tư lớn. Còn mô hình này ngắn ngày, nuôi trong ruộng lúa nên phải chọn các loại cá phù hợp. Cá lóc đầu nhím ngoài chợ có 2 loại là đánh bắt ngoài tự nhiên hoặc cá thả trong các ao sen nhưng tự lớn chứ không cho ăn, bây giờ có thêm loại cá đồng này nữa, loại nào cũng ngon hơn cá lóc đầu vuông nuôi công nghiệp”, anh Bình nói.

Anh Bình chỉ dùng chiếc vợt quơ mấy cái đã được 2 con cá rô to. Ảnh: Hồng Thủy. 

Anh Bình chỉ dùng chiếc vợt quơ mấy cái đã được 2 con cá rô to. Ảnh: Hồng Thủy. 

“Trồng 2 vụ lúa, 1 vụ cá, so với trồng lúa 3 vụ thu nhập cao hơn nhiều không?”, tôi hỏi. Anh Bình đáp: “Cao hơn chứ. Vợ chồng tôi có 2,5ha trồng lúa, năng suất bình quân chừng 5 - 6 tấn/ha, sau khi trừ chi phí, mỗi vụ lời chừng 20 triệu đồng/ha, không dư nổi. Thêm vụ cá này thu nhập bằng 2 vụ lúa, sướng nhất là cảm giác giống hồi xưa - thời chưa có đê ngăn lũ. Hồi đó mỗi khi lũ về, nhìn đâu cũng thấy mênh mông nước, ngồi trên ghe đi khắp nơi, sang tận Hồng Ngự. Lúc đó cá nhiều mà rẻ lắm, nên thu nhập vẫn không bằng bây giờ”.

Chủ tịch Hội Nông dân xã Lê Thanh Tùng - người thường xuyên theo dõi các mô hình kinh tế của địa phương cho biết: “Nuôi cá trong ruộng lúa có nhiều cái lợi. Ngoài các loại thức ăn tự nhiên như tôm, tép nhỏ, ốc, rong rêu, phù du, cá còn là “dũng sĩ” diệt các loại côn trùng, sâu bệnh hại cây lúa nên không cần cho ăn thêm, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, không tốn công làm cỏ.

Ngoài ra, cá còn sục bùn, rất tốt cho sự phát triển bộ rễ cây lúa. Chất thải của cá làm phân bón cho lúa rất tốt, bên cạnh lượng phù sa từ sông vào là đủ dinh dưỡng cho cây, không cần bón thêm phân. Vì thế, chất lượng cá ngon lắm. Tôi mới làm vụ thử 3 thôi mà vụ nào cũng có mấy nhà hàng lớn ở Cao Lãnh, Sa Đéc đến mua hết. Ngay cả mấy loại tép nhỏ cũng trở thành đặc sản trong nhà hàng của họ”, anh Bình nói.

“Mấy năm nay, xã Phú Thọ có nhiều mô hình chuyển đổi canh tác từ độc canh cây lúa sang trồng lúa kết hợp nuôi thuỷ sản với nhiều loại cá như cá lóc, cá trê, cá tra… tương tự mô hình của gia đình anh Bình. Các mô hình này đều thành công nhờ được cán bộ ngành nông nghiệp huyện tư vấn, áp dụng quy trình nuôi trồng khoa học, thu nhập của bà con theo đó tăng gấp 10 lần, thậm chí hơn”, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phú Thọ, anh Nguyễn Thanh Tùng khoe.

9X nuôi cá “nhà giàu”

Rời cánh đồng nuôi cá tự nhiên của anh Bình, anh Tùng đưa chúng tôi đến ấp Phú Thọ C, xã Phú Thọ (huyện Tam Nông), nơi có mô hình nuôi 2 loại cá “nhà giàu” là chạch lấu và heo đuôi đỏ của chàng trai sinh năm 1993 tên Nguyễn Văn Liêm. “Lẽ ra em cho cá ăn rồi, nhưng anh Tùng gọi nên phải đợi anh đến mới cho ăn, chứ cá heo ăn rồi chúng lặn mất tăm hết, không lên mặt nước nữa, rất khó xúc”, anh Liêm cười, chào chúng tôi.

Một trong 5 ao nuôi 'cá nhà giàu' của anh Nguyễn Văn Liêm. Ảnh: Hồng Thủy.

Một trong 5 ao nuôi "cá nhà giàu" của anh Nguyễn Văn Liêm. Ảnh: Hồng Thủy.

Cá heo đuôi đỏ hay cá heo nước ngọt có thân màu bạc, phần vây đuôi, lưng màu đỏ tươi, nhỏ cỡ 3 ngón tay trở xuống và không liên quan gì đến loài cá heo ngoài biển khơi. Chúng được người dân miền Tây gọi là cá heo đuôi đỏ chỉ bởi chúng có đuôi màu đỏ và mỗi khi bắt lên khỏi mặt nước chúng phát ra tiếng kêu “éc éc” như heo.

Cá heo đuôi đỏ cùng với cá linh đều từ Biển Hồ (Campuchia) theo dòng chảy về, vào mùa nước nổi mới có. Sở dĩ loài cá này đắt tiền vì thịt rất thơm ngon, béo ngậy. Ngoài ra, những năm trước, loài cá này chưa được nuôi rộng rãi nên chỉ có vào mùa nước nổi như cá linh. Cả 2 loài cá này đều rất ngon, nhưng cá linh có giá bình dân (từ 100 - 200 ngàn đồng/kg), còn cá heo có giá cao gấp 3 - 4 lần. Có thời điểm, 1kg cá heo có giá lên tới 800 - 900 ngàn đồng nên không phải ai cũng dám mua ăn.

Từ mấy năm nay, nhiều nông dân ở Tam Nông đã gây nuôi loài cá này. Anh Nguyễn Văn Liêm là một trong số đó và đã rất thành công. “Nói thiệt chứ ở đây Liêm nuôi cá rất thành công, triệu phú rồi đó”, anh Tùng cười. Nghe vậy, Liêm xua tay, lắc đầu: “Anh đừng nghe anh Tùng, chỉ khá hơn trồng lúa chút thôi chứ làm gì mà triệu phú”.

Cá heo đuôi đỏ của Liêm nuôi. Ảnh: Hồng Thủy.

Cá heo đuôi đỏ của Liêm nuôi. Ảnh: Hồng Thủy.

“Em nuôi cá đến nay cũng được 6 - 7 năm rồi, sau khi đi nghĩa vụ quân sự về. Em may mắn là nhà có 5ha đất lúa. Nhưng ngay từ đầu em đã xác định không trồng lúa. Vì với năng suất 5 - 6 tấn/ha, không thể khá nổi. Nghĩ vậy nên ban đầu em đào ao nuôi tôm. Nhưng ngay vụ đầu đã thất bại vì thiếu kiến thức, kinh nghiệm. Em thấy nuôi tôm vốn nhiều, đầu tư lớn, ngoài kiến thức, kinh nghiệm ra còn phụ thuộc nhiều thứ, rủi ro lớn, sơ sẩy chút xíu là mất trắng. Trong khi mình ít vốn, nếu thất bại thêm lần nữa thì có thể không thể gượng lại được. Vì thế, em không dám mạo hiểm.

Sau khi nghe thông tin một số nơi nuôi cá chạch lấu thành công, em mới sực nhớ ra loài cá này quá quen với mình. Ngày xưa chính em đã từng nhiều lần đi thả lưới, bắt được cá chạch về thả ngay xuống ao nhỏ trước nhà, quây lưới lại đợi nhiều nhiều mới bán. Cho chúng ăn cá nhỏ, cá tạp cũng thấy lớn và chẳng con nào chết nên thấy loại này dễ nuôi. Vì thế em đắp bờ, tích nước nuôi thử. Thấy được nên nuôi luôn đến giờ”, Liêm kể.

“Còn thả nuôi chung cá heo đuôi đỏ thì sao?”, tôi hỏi tiếp. “Em nuôi chung 2 loại cá này cũng là tình cờ. Hồi đó em tình cờ ra chợ thấy người ta bán mớ cá heo còn sống, định mua về ăn, nhưng trên đường về em chợt nghĩ hay mình thả cá này xuống ao cá chạch xem sao. Nghĩ vậy nên về em trút hết mấy ký cá heo xuống ao. Đến khi thu hoạch cá chạch, thấy số cá heo lớn mà lại nhiều hơn ban đầu. Em tìm hiểu mới biết, mô hình nuôi ghép này đã có một số người làm từ lâu nên tìm đến học hỏi rồi về nuôi thử, kết quả rất tốt. Quá trình nuôi chung 2 loại cá thấy nước sạch hơn, em hỏi mấy anh kỹ sư thuỷ sản thì họ giải thích là do cá heo đuôi đỏ ăn thức ăn thừa của chạch lấu”, Liêm nói xong bắt đầu dầm mình xuống ao, tay cầm chiếc vợt to.

Sao 10 tháng nuôi, cá chạch lấu của anh Liêm đạt trjng lượng 3 - 4 lạng/con. Ảnh: Hồng Thủy.

Sao 10 tháng nuôi, cá chạch lấu của anh Liêm đạt trjng lượng 3 - 4 lạng/con. Ảnh: Hồng Thủy.

Sau vài phút lặn ngụp, Liêm trồi lên, chiếc vợt trong tay nặng trĩu, bên trong là khoảng chục con cá chạch lấu to đang giãy giụa, nước bắn tung tóe. Liêm nhanh chóng leo lên bờ, đổ số cá vào chiếc thau to. “Cá chạch này cũng đạt 3 - 4 lạng/con, chuẩn bị thu hoạch được rồi nên em mới vớt cho các anh xem chứ nếu cá còn nhỏ thì không nên, vì sợ động nước”, Liêm vừa vuốt nước trên mặt vừa nói.

Liêm khoe, bình quân mỗi ha mặt nước đạt khoảng 3 tấn cá heo, còn chạch lấu do thu hoạch luân phiên chứ không thu đồng loạt như cá heo đuôi đỏ nên chỉ ước sản lượng khoảng 5 tấn/ha. “Giá cá heo thương phẩm giảm rồi, 1kg chỉ còn hơn 500 ngàn đồng, còn chạch lấu 250 ngàn đồng/kg. Nhưng nếu so với trồng lúa thì nuôi cá thu nhập cao hơn nhiều”, Liêm nói.

Chạch lấu và heo đuôi đỏ là 2 loài cá dễ nuôi, thu nhập gấp hàng chục lần trồng lúa. Ảnh: Hồng Thủy.

Chạch lấu và heo đuôi đỏ là 2 loài cá dễ nuôi, thu nhập gấp hàng chục lần trồng lúa. Ảnh: Hồng Thủy.

“Của để dành” của một lão nông

Trong số những nông dân đã gặp, vợ chồng anh Trần Minh Tâm, 46 tuổi và chị Hạ Thị Cẩm Thúy, 42 tuổi ở ấp An Phú, xã An Long (huyện Tam Nông) khiến tôi khá thú vị bởi họ không chỉ làm ăn rất giỏi, mà còn có suy nghĩ, tư duy rất mới.

Đường vào nhà anh Tâm (đúng hơn là khu vườn cây ăn trái rộng 1ha, trong đó chỉ có căn nhà tạm, còn nhà chính của gia đình anh ở ngoài trung tâm xã An Long) trải bê tông rộng, 2 bên nhiều loại hoa đang khoe sắc. Chưa kể, con đường nằm giữa cánh đồng lúa đang chín vàng ruộm, khung cảnh đẹp như một bức tranh. Anh Đinh Công Tánh, Chủ tịch Hội Nông dân xã An Long cho biết, đây là cánh đồng lúa canh tác hướng hữu cơ của các hộ trong HTX Nông nghiệp Phú Thọ, trong đó có hộ anh Tâm.

Anh Trần Minh Tâm, nông dân làm ăn giỏi và có tư duy tiến bộ bên vườn cây trái hữu cơ. Ảnh: Hồng Thủy.

Anh Trần Minh Tâm, nông dân làm ăn giỏi và có tư duy tiến bộ bên vườn cây trái hữu cơ. Ảnh: Hồng Thủy.

Khu vườn của vợ chồng anh Tâm được quy hoạch khá bài bản, cây trồng theo hàng trên liếp đất cao, chạy dài giữa các hàng cây là mương nước lắng phèn, bên dưới thả các loại cá đồng. Khu vườn của anh Tâm có đến chục loại cây ăn trái, gồm sầu riêng, mãng cầu, xoài, ổi, mít, bơ, chuối, dừa, chôm chôm, chanh...

Vừa dẫn chúng tôi ra tham quan vườn, anh Tâm vừa giải thích: “Đây sẽ là khu vườn dưỡng già của vợ chồng tôi, sau đó sẽ là của để dành cho con cháu. Vì thế, vườn cây này ngay từ khi lên ý tưởng tôi đã làm theo quy trình hữu cơ, đất bỏ hoang cho cỏ mọc mấy năm mới trồng để đảm bảo toàn bộ sản phẩm trong vườn phải sạch.

Tôi muốn mai mốt con cháu về chơi hay ở sẽ có trái sạch để ăn quanh năm, mùa nào trái nấy, không phải đi mua. Ăn không hết thì chia sẻ cho mọi người cùng ăn chứ mục đích không phải kinh doanh. Vợ chồng tôi có đến 13ha lúa, mấy đứa nhỏ còn đi học, neo người, chỉ có 2 vợ chồng, lo xong lúa là hết thời gian nên vườn ít chăm. Hiện tôi chủ yếu dưỡng cây bằng phân hữu cơ cho khoẻ thôi chứ chưa làm trái. Anh nhìn thân, lá cây là thấy, rất khoẻ đúng không?”.

Vợ chồng anh Tâm có đến 13ha lúa, trong đó 10ha canh tác hướng hữu cơ. Ảnh: Hồng Thủy.

Vợ chồng anh Tâm có đến 13ha lúa, trong đó 10ha canh tác hướng hữu cơ. Ảnh: Hồng Thủy.

Ngoài vườn cây ăn trái đủ loại này, vợ chồng anh Tâm còn có hơn 10ha lúa canh tác theo hướng hữu cơ sinh học và theo tiêu chuẩn SRP (The standards of sustainable rice platform). “Tôi làm lúa theo quy trình hữu cơ sinh học được 3 năm nay. Trong đó, quy trình hữu cơ sinh học không dùng bất cứ chất hóa học gì nên năng suất không cao, nhưng bù lại chất lượng lúa cao. Còn SRP là canh tác theo hướng “3 giảm 3 tăng”, “1 phải 5 giảm”. Nói chung quy trình nào cũng tốt, góp phần làm sạch đất, môi trường ngày càng trong lành hơn, giảm độc hại cho con người, còn sản phẩm đạt chất lượng cao nên tôi quyết làm, dù vất vả hơn hoặc năng suất có thể thấp hơn cũng không sao”, anh Tâm nói.

Cách đây 2 năm, vợ chồng anh Tâm là người đầu tiên ở An Long được Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Đồng Tháp tài trợ và hướng dẫn quy trình, kỹ thuật ủ rơm trồng nấm. Sau khi thu hoạch nấm, bã rơm tiếp tục được ủ làm phân hữu cơ. Ngay vụ nấm đầu tiên anh Tâm đã thành công nên anh được Chi cục đề nghị hướng dẫn cho bà con xung quanh cùng làm.

Chị Hạ Thị Cẩm Thúy, vợ anh Tâm cũng là một nông dân sản xuất giỏi. Ảnh: Hồng Thủy.

Chị Hạ Thị Cẩm Thúy, vợ anh Tâm cũng là một nông dân sản xuất giỏi. Ảnh: Hồng Thủy.

Thay vì đầu tư nhà trồng nấm, anh Tâm được hướng dẫn trồng ngoài trời, dọc theo các hàng cây, chiều dài 300m. Vụ đầu tiên anh thu hoạch được gần 4 tạ nấm thành phẩm, thương lái đến tận nơi mua hết một lần, được gần 20 triệu đồng. “Nếu không tính công chăm sóc thì trồng nấm lời một nửa. Tính theo diện tích thì 1 công có thể đạt doanh thu gần trăm triệu. Trừ 50% chi phí vẫn lời hơn lúa nhiều”, anh Tâm phân tích.

"Trồng nấm ngoài trời có khó hơn trong nhà không?”, tôi hỏi. Anh Tâm bảo: “Chịu khó học hỏi thì không khó. Nhưng trồng ngoài trời cần kỹ thuật cao hơn, chăm khó hơn trong nhà vì nắng nóng hay mưa cũng ảnh hưởng, có thể hư.

Trồng nấm rơm có thể thu lợi kép. Đó là sau khi thu hoạch nấm, mình tiếp tục tái sử dụng rơm để ủ phân hữu cơ. Còn rơm sau khi trồng nấm ủ làm phân hữu cơ cũng rất đơn giản, nhanh hoai mục, phân đạt chất lượng cao. Công thức ủ phân gồm 4 tấn rơm và 1,5 tấn phân bò, trộn đều, trong quá trình trộn phun nước pha chế phẩm sinh học vào từng lớp trộn, sau đó dùng tấm vải nhựa trùm kín, phải bịt thật kín để luôn duy trì nhiệt độ từ 40 – 50 độ C. Trong thời gian ủ tiếp tục đảo, trộn thêm 2 - 3 lần nữa. Khi kiểm tra thấy rơm rã mịn và không còn nghe mùi phân bò nữa là được. Loại phân này ngày càng được bà con ưa xài, giờ có bao nhiêu lái đến mua hết bấy nhiêu, giá từ 5  -6 ngàn đồng/kg”, anh Tâm nói.

Phân hữu cơ ủ từ rơm sau khi trồng nấm trong vườn anh Tâm. Ảnh: Hồng Thủy.

Phân hữu cơ ủ từ rơm sau khi trồng nấm trong vườn anh Tâm. Ảnh: Hồng Thủy.

Anh Đinh Công Tánh, Chủ tịch Hội Nông dân xã An Long tiếp lời: “Hiện nay, thu hoạch lúa đều dùng máy đa năng nên rơm được cuộn chặt, rất tiện lợi để tái sử dụng. Trồng nấm là một trong những hướng tận dụng rơm hiệu quả. Kỹ thuật trồng nấm cũng không khó, chỉ cần chịu khó học hỏi là biết. Như anh Tâm, một nông dân ít học hành nhưng ngay vụ nấm đầu tiên đã thành công. Một lứa nấm trồng trong 2 tháng là thu hoạch, bán được chục triệu. Sau khi thu hoạch nấm, rơm ủ làm phân hữu cơ, bón lại cho chính cây lúa, lợi ích đủ đường, giảm phát thải khí nhà kính, giảm chi phí phân bón”.

“Ngày xưa bà con sạ lúa tay, người thích dày, người thích mỏng, một sào có người sạ 20 - 25kg giống, thậm chí có người sạ tới 30kg. Còn bây giờ, bà con được hỗ trợ kỹ thuật gieo sạ cụm bằng máy, định lượng mỗi cụm chỉ từ 7 - 10 hạt giống. Vì thế, 1ha chỉ tốn từ 50 - 60kg giống, tức mỗi sào chỉ tốn 5 - 6kg. Ngoài ra, canh tác theo quay trình SRP lúa được cấp giấy chứng nhận canh tác sạch, nghĩa là sản phẩm có thương hiệu, giá bán cao hơn, đầu ra thuận lợi hơn”, Chủ tịch Hội Nông dân xã An Long, anh Đinh Công Tánh nói.

Xem thêm
Hòa Bình có trên 6.000 cơ sở chăn nuôi nằm trong khu vực không được phép

Chăn nuôi là một trong những thế mạnh của tỉnh miền núi Hòa Bình với giá trị sản xuất cả năm 2023 ước đạt 4.130 tỷ đồng.

Xúc động những bức tranh tuyên truyền bệnh dại của học sinh

Bà Đinh Thị Phương Khanh, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Long An chia sẻ: 'Khi nhận các bức tranh dự thi tuyên truyền bệnh dại của các em học sinh, chúng tôi rất xúc động'.

Hàng trăm ha lúa có nguy cơ thiệt hại hoàn toàn do hạn mặn

SÓC TRĂNG Xâm nhập mặn thời gian qua khiến hàng trăm ha lúa hè thu 2024 đã xuống giống ở xã Vĩnh Quới (thị xã Ngã Năm) không có nước tưới, nguy cơ thiệt hại hoàn toàn.

Độ mặn trên hệ thống thủy lợi Tả Trạch đảm bảo cho sản xuất

Các đơn vị quản lý, khai thác kiểm tra độ mặn ở các trạm bơm, cống lấy nước trước khi vận hành để đảm bảo yêu cầu sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản.