| Hotline: 0983.970.780

Gặp người sống đã vì sự nghiệp hữu cơ, chết cũng nguyện làm tro bón đất

Thứ Hai 03/04/2023 , 08:22 (GMT+7)

Chị giải thích, chỉ bằng cách ấy, những hạt tro của mình sẽ làm màu mỡ cho đất, làm nguồn dinh dưỡng thuần tự nhiên cho cây…

Sẩm tối, trên tuyến đê biển huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình tôi gặp anh Phạm Văn Tĩnh, 39 tuổi, ngư dân của xã Kim Mỹ đi đánh cá về. Sau dăm ba câu về chuyện kiếm ăn, tôi hỏi sang vấn đề mồ mả, anh cởi mở:

“Đất nghĩa trang của quê tôi còn rộng mênh mông nhưng cũng có nhiều gia đình vây lại một mảnh làm của riêng, họ quây đến khi nào chạm vào chỗ của hộ khác đã quây thì thôi. Mộ sau cứ phải xây cao hơn mộ trước mới thích nên phải bổ đầu đinh ra mà đóng góp.

Nhà tôi, bà vẫn khỏe còn ông thì mới mất, chưa đến lúc xây nhưng sau này cũng chỉ xây một ngôi nhỏ thôi bởi dù hôm nay có to đến mấy ngày mai cũng có người xây to hơn, làm sao mà nhất mãi được? Đời của bố mẹ là thế, còn đời tôi sau này sẽ vào lò thiêu, thành tro rồi rải ra biển. Tôi còn trẻ nhưng có ý định ấy bởi làm trong Nam 7 năm, thấy họ hỏa táng rồi mang tro ra sông Sài Gòn, sông Đồng Nai, về với nước mẹ là xong. Làm thế cho thong thả, đỡ phiền phức người sống”...

Empty

Anh Phạm Văn Tĩnh khi chết, tôi muốn hỏa táng thành tro rồi rắc ra biển. Ảnh: Dương Đình Tường.

Nhất định các con phải làm theo ý mẹ

Câu nói của anh làm cho tôi nhớ đến chị Nguyễn Thị Liên-chủ trại giun quế GHT ở xã Phú Cường, huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội- người đầu tiên trong vùng dám “bước qua” thủ tục mai táng truyền thống để rải tro của con trai ra biển. Mấy năm trước, tôi quen chị qua việc đến thăm, viết bài về mô hình trại chăn nuôi giun quế rồi dùng giun quế để nuôi lợn hữu cơ hay chế ra thuốc chữa bệnh cho người. Ở tuổi 70 chị vẫn đi lại như một con thoi để đi khắp nơi tập huấn, truyền bá về nông nghiệp hữu cơ cũng như cách dùng men vi sinh IMO để xử lý rác.

Thế rồi gần đây không quản ngại đường xá xa xôi giữa Hà Nội và Hòa Bình chị thường xuyên lên làm chuyên gia tình nguyện tại những xóm hữu cơ đầu tiên của ca sĩ Thái Thùy Linh khởi dựng ở xã Đú Sáng, huyện Kim Bôi. Chị nguyện rằng, khi còn sống đã vì sự nghiệp hữu cơ thì khi chết sẽ những hạt tro của mình sẽ làm màu mỡ cho đất, làm nguồn dinh dưỡng thuần tự nhiên cho cây.

Empty

Chị Nguyễn Thị Liên và ca sĩ Thái Thùy Linh dạo bước ở xóm hữu cơ tại Hòa Bình. Ảnh: Dương Đình Tường.

Bởi thế, nên chị đau lắm trước phong trào của xã hội hiện nay cứ đua nhau xây mồ mả lớn, quây nghĩa trang gia đình rộng: Trong suốt hơn 40 năm, mỗi năm ít nhất một lần tôi lên nghĩa trang Yên Kỳ (huyện Ba Vì, TP Hà Nội) để thắp hương, thực hiện các nghi lễ về mồ mả của những người thân trong gia đình chồng. Nhìn những quả đồi nhấp nhô với nhiều ngàn ngôi mộ, trải dài đến hết tầm mắt, không tới điểm cuối tôi cứ tự hỏi: “Liệu sau này mình sẽ nằm ở đâu trong những chỗ này nhỉ?”.

12 năm trước trong dịp giỗ cụ nội ở thôn Vân La, xã Hồng Vân, huyện Thường Tín, TP Hà Nội tôi đã nảy ra ý định sau khi chết sẽ được về đây, mộ sẽ đặt cùng khu với cụ và ông tại nghĩa trang của thôn cho gần gũi. Nghĩ là làm, tôi thuê người mua gạch, xây bao quanh khu mộ của cụ và ông được khoảng 16m2 (hồi đó đất nghĩa trang của làng tôi không phải mua). Tôi cũng thuộc trong số 5 người vai cao nhất của dòng họ Nguyễn Xuân nói riêng và trong thôn nói chung.

Chục năm trôi qua, đất nghĩa trang chỉ có chừng đó nhưng theo từng năm những chỗ trống dần được điền đầy bởi những ngôi mộ mới, đến nỗi lối đi đã hẹp lại. Khu đất tôi xây bao coi như đất có chủ nên không ai được đặt mộ chỗ đó. Ba năm trước trong một lần về quê thường niên, sau khi thắp hương cho cụ và ông, phóng tầm mắt vào khắp nghĩa trang tôi chợt nhận ra rằng:

Empty

Chị Nguyễn Thị Liên cùng với các chuyên gia, tình nguyện viên tại xóm hữu cơ của ca sĩ Thái Thùy Linh. Ảnh: Dương Đình Tường.

“Ai chết cũng chiếm tối thiểu 2,5m2. Vậy sau này lấy đâu quỹ đất cho những người sau?”. Và suốt thời gian đó tôi thực sự trăn trở với việc đất dành cho người chết khiến cho người sống sẽ còn đất đâu mà sống. Rồi tôi quyết định, nhất định mình sẽ không lãng phí quỹ đất. Tôi nói với các con: “Sau này mẹ chết mẹ sẽ hiến xác cho khoa học nghiên cứu”.Chúng hỏi: “Mẹ già mới chết thì ai cần xác của mẹ?”.Tôi lại bảo: “Vậy hãy hỏa thiêu rồi thả tro của mẹ xuống biển hoặc sông”. Chúng lại trả lời: “Chết là việc của mẹ, còn làm thế nào là việc của chúng con”. Tôi lại bảo: “Đây là vấn đề nghiêm túc, không đùa. Nhất định các con phải làm theo ý mẹ, nếu không mẹ sẽ oán trách…”. Câu chuyện được nhắc đi nhắc lại khá nhiều lần và theo thời gian các con tôi dần cũng thấy hợp lý.

Tháng 8/2021 con trai lớn của tôi sinh năm 1978 qua đời sau 8 năm bị trọng bệnh. Đêm trước ngày mất, con nắm tay tôi trăn trối: “Tro cốt của con mẹ chia hai phần: Một nửa đưa lên Phanxipang, một nửa đưa ra bán đảo Sơn Trà, thả con ở nơi đó”. Tôi mừng quá vì con đã quán triệt được tư tưởng của tôi, bèn bảo: “Mẹ đồng ý với con và sẽ làm theo di nguyện của con.”

Ngày con mất, tôi đau buồn thương nhớ nhưng luôn tỉnh táo lo cho con được chu toàn đến lúc nhận tro sau hỏa táng. Nhưng điều phân tâm nhất là con thì muốn chia hai phần để rải hai nơi, mà tôi thấy khó quá, chia sao cho đều được? Tôi bèn khấn con xin phép để nguyên hũ tro cốt mà mang ra bán đảo Sơn Trà.

Empty

Chị Nguyễn Thị Liên đang bê tro cốt của con. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Các màn phản biện

Chị kể tiếp, khi biết mình sẽ thả tro của con xuống biển thì lập tức bị một số ý kiến phản đối. Đầu tiên là con dâu, dù đã thống nhất nhưng vẫn lăn tăn và không dám nói với mẹ nên đã nhờ ông bạn thân của mẹ  là một cán bộ cao cấp trong ngành tòa án: Ông ấy hỏi: “Mày nghĩ sao mà lại thả tro của con xuống biển?”. Tôi trả lời: “Thứ nhất đó là tư duy từ nhận thức của tôi khi mà thấy đất cho người sống bị người chết chiếm đần, cứ đà này người sống sao còn quỹ đất nữa. Thứ hai đó là di nguyện của con tôi, con đã ý thức được và đề nghị mẹ thả tro của mình xuống biển, đó chẳng phải là nhân văn sao?”. Ông ấy gật gù và nói: “Bạn có lý, sau này tôi cũng sẽ làm thế”.

Rồi đến ông thông gia nói: “Bà nên nghĩ lại xem có nên như thế không, tôi thấy không ổn lắm!”. Tôi trả lời: “Ông ơi người chết có nằm ở nấm mồ và giao tiếp với chúng ta đâu? Và mồ mả mỗi năm chúng ta chỉ tới đó 1 đến 2 lần thắp hương chứ cũng chẳng giao tiếp được với người đã khuất. Ví như ông, dù mua cả một hòn đảo nhỏ làm nơi an táng cho các cụ nhưng mỗi năm ông ra đó được mấy lần chứ chưa nói đến bọn trẻ. Mỗi người chết chiếm ít thì 2,5 m2, người có điều kiện làm lăng mộ, tốn có khi cả chục, trăm, thậm chí cả ngàn m2 há chẳng phải là lãng phí sao?”. Cuối cùng ông đành nói: “Là tôi hỏi thế, bà nói cũng có lý và quyết định là ở bà”.

Empty

Lễ thả tro cốt của con ra biển. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Ngày đưa tro cốt của con thả ra biển, suốt hành trình gần 1.000 km luôn gặp may mắn. Ví như khi ghé nghĩa trang Đồng Lộc thì gặp một đoàn đạo tràng của sư thầy Đào Trung Hiếu tới làm lễ cầu siêu. Biết được chuyến đi của chúng tôi thầy và đạo tràng đã hoan hỉ kết hợp cầu siêu cho con. Thời tiết vô cùng thuận lợi, dù trời mưa gió nhưng khi tiến hành nghi lễ thả tro đã ngừng mưa.

Đang thả tro thì bỗng đứa cháu nội vỗ vai tôi mà nói: “Bà ơi, trên trời có một vì sao”. Tôi ngửa mặt lên trời và theo phản xạ tự nhiên lấy điện thoại ra chụp ảnh ngôi sao đó. Hôm sau ngắm lại thấy dưới ngôi sao đó là mặt của một vị thần. Tôi thầm nghĩ, vũ trụ chắc chứng kiến việc làm của chúng tôi là đúng và phù hộ.

Sau khi thả tro cốt của con xuống biển, có rất nhiều người gồm bạn bè của tôi, bạn bè của con, người thân là họ hàng cũng lên tiếng sẽ nguyện dâng hiến tro bụi của mình về với cát bụi của trái đất này. Hiện tại nghĩa trang ở quê tôi không cho bất cứ ai không phải là con cháu hoặc là người không sinh sống ở thôn được chôn cất ở đó dù có đóng góp bao nhiêu tiền đi chăng nữa. Còn người dân của thôn có quy định: con trai, con gái thế hệ thứ nhất thì giá 25 triệu/ngôi; Con dâu, con rể 30 triệu/ngôi; Đời thứ hai, thứ ba thì cộng thêm 5 triệu nữa. Chỗ đất 16m2 của tôi để dành làm nghĩa trang gia đình ấy giờ chỉ để trồng hoa, làm đẹp cho cảnh quan.

Xem thêm
Lãnh đạo Việt Nam chúc mừng ông Trump

Tổng Bí thư Tô Lâm, Chủ tịch nước Lương Cường và Thủ tướng Phạm Minh Chính đã gửi thư chúc mừng ông Donald Trump nhậm chức Tổng thống Hoa Kỳ thứ 47.

Lai Vung tỏa sáng Ngày hội tôn vinh nghề truyền thống

Đồng Tháp Ngày hội tôn vinh Nghề truyền thống không chỉ là sự kiện giao lưu văn hóa mà là nền tảng xây dựng huyện Lai Vung hiện đại, văn minh và mang bản sắc đậm đà.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Xuân về trên vùng biên cương

Quảng Bình Bà con dân tộc trên vùng miền núi huyện Bố Trạch đã có thêm cái tết ấm áp khi chương trình 'Xuân Biên phòng - Ấm lòng dân bản' đến với bà con.