Đi họ tháng Giêng

Thái Hạo - Chủ Nhật, 25/02/2024 , 08:24 (GMT+7)

Ngày Xuân đi họ, được sống lại những khoảnh khắc thiêng liêng và ấm áp trong tình máu mủ ruột rà.

Ngày xuân đi họ.

Ngày xuân đi họ.

Ở miền Trung và Bắc, nhiều nơi tổ chức cúng họ (tộc) rất lớn vào ngày Rằm tháng Giêng. Đây cũng là một ký ức khó quên trong tôi, một thứ “quá khứ tiếp diễn”. Xin kể lại đây truyền thống ấy ở làng tôi.

Bài liên quan

Chả là năm nay em trai út tôi đến lượt cỗ họ, mà em lại vắng nhà, nên tôi phải tham gia phụ bố mẹ. Tục của các họ trong làng Tào Sơn tôi là thế, cứ Rằm tháng Giêng là cúng “cỗ xôi con gà”. Đã mấy trăm năm như thế, chưa từng phôi phai. Tôi nghe người lớn giải thích, rằng đối với những họ nào mà không biết được ngày mất của ông tổ mình thì cúng Rằm tháng Giêng chính là làm giỗ tổ; ngoài ra, cỗ này còn giống như cúng thập loại chúng sinh Rằm tháng Bảy, dành cho những hồn cô quả, tai nạn, bất hạnh, đặng an ủi họ trong sự nhớ tưởng và đùm bọc không quên.

Để làm một cỗ xôi con gà, nghe thì đơn giản thế, vì chỉ cần đồ nếp và luộc gà là xong, nhưng kể ra cũng lắm công phu. Từ nhiều ngày trước, nếu là năm không trồng được lúa nếp thì mẹ phải đi chợ mua, nếp phải chọn loại nào ngon nhất, và hạt phải còn nguyên, trăm hạt như một. Có khi phải đi đến vài ba buổi chợ mới chọn được mẻ gạo ưng ý. Bây giờ không còn thiếu thốn như xưa nữa, nhưng nhìn mẹ sàng sảy, ngồi lặng lẽ hàng giờ bên hiên nhặt đi từng hạt lem hạt mẻ, bốc từng nắm gạo đưa lên mắt nhìn, nâng niu như những hạt ngọc trên bàn tay, bỗng thấy những thiêng liêng trắng ngần từ đâu len lỏi trong gió sớm theo về giữa tháng Giêng mưa bụi và sương mù giăng mắc.

Gà cúng họ cũng phải kỹ. Biết năm nay đến lượt cỗ của con trai, có khi bố mẹ đã phải nuôi gà trống từ độ tháng Hai, tháng Ba. Mà phải là gà ta, lông mã sắt, bóng láng. Chăm sóc từng ly từng tí. Từ khi gà bắt đầu choai đã nhắm con nào sẽ làm cỗ. Gà cúng phải là con đẹp nhất, chân cao, chắc khỏe và không được khuỳnh hay có tật, dáng vóc vạm vỡ, mồng thanh mà uy nghi, tiếng gáy vang dội dũng mãnh... Nếu rủi gà nuôi bị bệnh mà chết hay năm ấy không kịp nuôi thì phải tìm mua, đi khắp làng trên xóm dưới, hỏi han hết nhà này đến nhà kia, cốt tìm cho được con gà trống thật ưng.

Mai đưa cỗ đến nhà thờ họ [từ đường] thì từ chiều nay mẹ đã phải ngâm nếp, đến tối thì vớt ra để cho ráo nước, trộn vào ít muối cho xôi sau khi đồ sẽ đậm đà chứ không nhạt nhẽo. Đến khoảng 3 giờ sáng, mẹ thức dậy, bắc nồi chõ đã được lau chùi sạch sẽ từ chiều qua lên bếp, đợi nước sôi thì bắt đầu bỏ nếp vào. Gạo phải cho từ từ cho hơi thoát lên, nếu không sẽ bị bí, chín không đều và chỗ khô chỗ nhão. Sau khi đã bỏ hết gạo vào chõ thì đậy kín, đầu tiên là lớp lá chuối đã hơ lửa cho mềm, sau đó mới tới nắp chõ. Cho lửa vừa phải, căn đến khi nào xôi chín thì trời cũng bắt đầu tảng sáng.

Xôi, gà chuẩn bị để cúng họ.

Xôi, gà chuẩn bị để cúng họ.

Gà thì còn phải luộc trước cả khi hông xôi. Từ chiều đã bắt đầu làm gà, mà gà cúng cũng phải cắt tiết và mổ sao cho đúng cách. Những thanh tre và lạt mỏng đã được chuẩn bị sẽ dùng để nẹp gà sao cho sau khi luộc chín vẫn giữ được hình dáng oai phong lẫm liệt. Thường thì hai cánh dang rộng, đầu ngẩng cao, mồng thẳng như mũ trụ...

Sau khi đã nẹp và buộc gà đúng tư thế đẹp nhất rồi thì khoảng 8 giờ tối bắt đầu luộc. Một con gà nhưng phải luộc vào cái nồi nước to khoảng 50, 60 lít, sao cho gà nằm gọn, ngay ngắn và chìm hoàn toàn dưới nước, vì nếu bị nghiêng hay nổi lên thì dáng sẽ bị vẹo vọ, thâm da. Sau khi xếp gà vào nồi, kê cho bằng bịa thì bắc lên bếp lớn đã được nhóm sẵn rồi đổ đầy nước. Phải canh lửa sao cho khi nước vừa sủi tăm thì tắt bếp, gạt hết than lửa ra ngoài, cứ để nguyên gà trong nồi như thế suốt đêm cho gà chín từ từ, thịt mềm nhưng không vỡ, da sáng nhưng không nhão... Đến khi dậy đồ xôi thì vớt gà ra, để lên tràn hoặc nia cho nguội và ráo nước, săn thịt.

Đến công đoạn đơm xôi. Cái này tùy vào mắt thẩm mỹ và tài khéo tay của từng người. Xôi có thể đơm hình bán cầu, hình bánh quy tròn, có thể 1 tầng, 2 tầng hay 3 tầng. Phải đơm làm sao cho bề mặt cỗ xôi thật mịn, đường nét rõ nhưng mềm mại. Xong xuôi thì đặt gà lên, miếng tiết kê dưới ngực, toàn bộ lòng mề, tim, gan thì bỏ trong bụng gà.

Khoảng 8 giờ sáng bắt đầu thực hiện nghi lễ dâng cỗ lên bàn thờ tổ tiên. Ngày xưa lúc tôi còn bé, sáng Rằm tháng Giêng mà đi ra đường thì rộn ràng lắm. Người từ mọi nẻo đường, trong những bộ áo quần Tết đẹp nhất, rôm rả tới nhà thờ họ. Ngày đó cứ 2 người 2 đầu đòn gánh, khiêng mâm cỗ đặt trong chiếc thúng đậy kín, xung quanh là bọn con nít tíu tít đi theo. Trong làng, tiếng trống họ bắt đầu vang lên từ mọi phía, âm thanh rộn ràng, thúc hối. Không khí ấy, vừa gợi một cái gì vui tươi đầy sức sống, vừa thiêng liêng dịu dàng trong mưa xuân lây rây trên những nõn búp bắt đầu xanh phơ phất đầu cành. Nay thì mọi người đi xe máy hoặc mang cỗ tới nhà thờ trên những chiếc xe hơi, hiếm hoi lắm mới thấy có người còn gánh cỗ.

Nghi lễ cúng cỗ cũng lắm thủ tục và những điều thú vị, có người chủ lễ, người hành lễ và phụ lễ. Tất cả đều mặc áo dài, chân đi hia, đầu đội khăn xếp hoặc mũ trụ, tùy theo vai mà kiểu dáng và màu sắc áo lễ khác nhau. Trong khi những người cúng hành lễ theo lệnh người chủ lễ thì tất cả con cháu đều đứng dậy, mặt quay vào ban thờ, trang nghiêm nghiêng mình. Lễ cúng phải mất khoảng 30 phút mới xong. Trong lúc chờ cho nhang cháy hết thì mọi người trở ra bàn ngồi uống trà và chuyện gẫu hoặc bàn bạc việc họ, không khí rôm rả, có đôi khi cãi nhau vì những chuyện lặt vặt không đầu không cuối.

Cỗ họ được chấm giải, trong khoảng mươi mười lăm mâm ấy sẽ có giám khảo chọn ra 3 mâm đẹp nhất, trao giải nhất, nhì, ba. Giải thưởng là một món tiền nhỏ chỉ mang tính tượng trưng. Nhưng nếu ai mà đoạt giải thì vinh dự lắm, đặc biệt là giải nhất...

Lễ đi họ là phong tục thường thấy ở nhiều địa phương miền Bắc, miền Trung.

Lễ đi họ là phong tục thường thấy ở nhiều địa phương miền Bắc, miền Trung.

Hạ lễ thì sắp tại sân nhà thờ một phần cho mọi người ăn, có thể uống rượu hoặc bia, nhưng mỗi người chỉ tí chút cho vui chứ không nhiều; phần còn lại mang về cho người ở nhà. Mọi phần xôi dù ít dù nhiều thì đều có thịt gà. Ngày xưa mà được một nắm xôi gà như thế thì như một báu vật, bây giờ không còn cảm giác ấy nữa, vì ai cũng no đủ chứ không còn đói khổ. Cỗ xôi, vì thế, làm ít lại, mỗi Rằm tháng Giêng chỉ còn vài ba mâm...

Đi họ tháng Giêng khi mùi Tết còn vương vấn chưa tan, giữa lúc cây cối đâm chồi nảy lộc, chim chóc bắt đầu bay về ngang trời trong tiết Xuân mưa bụi và cỏ bên đường xanh tràn trên lối đi, cái hình ảnh ấy sẽ hằn in trong trí những người thôn quê như một chấm xanh ngọc đọng mãi cho cuộc đời dằng dặc sau này.

Đi họ tháng Giêng, đó là một nét đẹp không phải chỉ của làng quê lễ hội và đậm sắc màu tâm linh Việt, mà ngày nay ở đó cũng có không ít điều đã cũ. Cái cũ của một ký ức chậm thích nghi với sự thay đổi mau chóng của đời sống hiện đại. Tôi thầm nghĩ, đời vốn có hai phần sống chết, nhưng họ và cỗ họ tháng Giêng mới chủ yếu dành cho người chết, dành cho quá khứ, một hoài vọng đi ngược chiều thời gian về với những gì thiêng liêng nhưng cũng âm u lắm nẻo. Cái phần Sống cũng cần được chăm bẵm, thậm chí phải chăm bẵm nhiều hơn.

Từ đường quanh năm đóng cửa, lâu lâu mới mở ra một lần để nhang khói mỗi dịp Rằm hay mùng Một, con cháu tụ về mỗi năm một lần, rồi lại ra đi, biền biệt, lạnh vắng. Nhẹ chút cỗ bàn, ít đi khói hương, trồng thêm nhiều cây xanh bóng mát trên sân nhà thờ, đặt vào đó những ghế đá, có những một tủ sách lớn kê sát bên tường nhà, sẽ biến nơi âm u ấy trở nên nhiều sức sống hơn. Con cháu trong làng mỗi ngày đều sẽ rủ nhau đến chơi, đọc sách, học bài, như trong một thư viện hay công viên xanh mướt. Đó là sự giao hòa sống động, ấm áp giữa các thế hệ, là sự gặp gỡ giữa tổ tiên và hậu thế.

Đi họ tháng Giêng, có lẽ ở đâu cũng thế, với biết bao nhiêu chuyện trên đời. Góc này nói về một gia đình nào đó chưa đóng quỹ, bàn kia rôm rả về một họ khác năm nay làm cỗ to, bàn nọ xuýt xoa về chuyện một ông quan lớn về làng hay một cán bộ to mới vào lò... Bao giờ cũng có hai phe, hoặc có khi chẳng có phe nào, vì những cuộc cãi nhau như thế cứ ồn ã thật nhiều rồi lại lặng lẽ trôi đi. Cái sức sống của nòi giống là như thế đó, vừa ồn ã vừa bé mọn nhưng lạ lỳ thay, luôn bền bỉ một cách kinh ngạc, bền bỉ với những điều tốt đẹp óng ánh và bền bỉ cả với những những gì cũ kỹ, quẩn quanh.

Với người Việt, họ tộc thậm chí đã trở thành như một thứ tôn giáo trong hồn mình, đó là một đặc sắc văn hóa. Nhưng chúng ta đang sống trong buổi trở mình lớn lao, ngoài cái thân phận con cháu của một gia đình – dòng họ, mỗi người còn phải là và phải làm một công dân. Sự lớn mạnh của mỗi dòng họ sẽ góp vào sự lớn mạnh của xã hội, đất nước, nhưng không thể chỉ bằng cách tự hào về họ mình đông đinh, cỗ mình đầy, gà mình đẹp, nhà thờ mình to, lăng mộ mình lớn...; tri thức và văn hóa hiện đại là điều cần bổ sung vào nếp sống của mỗi gia tộc. Bám rễ thật sâu vào nòi giống, nhưng là để vươn cành thật xa tới làng xã, tới quê hương, và tới cả đất nước, bằng những nghĩ suy và trăn trở xứng đáng của con người thời đại, chứ không phải để sống mãi với lối nghĩ “đi làng bênh anh em họ, đi họ bênh anh em nhà” hay một “miếng giữa làng bằng một sàng xó bếp”...

Ngày Xuân đi họ, được sống lại những khoảnh khắc thiêng liêng và ấm áp trong tình máu mủ ruột rà, và cũng được sống giữa biết bao ngổn ngang đang đi tìm những câu trả lời cho chuyện nhà, chuyện nước...

Thái Hạo
Giá trị tiếng Việt kết nối cội nguồn người Việt khắp nơi
Giá trị tiếng Việt kết nối cội nguồn người Việt khắp nơi

Giá trị tiếng Việt trong tâm hồn người Việt, một lần nữa được nhắc nhớ qua chương trình đặc biệt kỷ niệm Giỗ tổ Hùng Vương trên Nông nghiệp Radio tối nay (18/4).

Giỗ Tổ nhớ 'Cảm tưởng của ta về Hội đền Hùng' của cụ Dương Bá Trạc
Giỗ Tổ nhớ 'Cảm tưởng của ta về Hội đền Hùng' của cụ Dương Bá Trạc

Nhà báo, nhà văn Dương Bá Trạc (1884-1944), hiệu Tuyết Huy, là anh trai của nhà giáo Dương Quảng Hàm. Cụ cùng các chiến sĩ đã sáng lập phong trào Đông Kinh nghĩa thục.

Đại tá Nguyễn Văn Hồng và cuộc chiến đấu tự nguyện bên trang viết
Đại tá Nguyễn Văn Hồng và cuộc chiến đấu tự nguyện bên trang viết

Đại tá Nguyễn Văn Hồng sau 30 năm cầm súng lại có tiếp 30 năm cầm bút, đó là nội dung tọa đàm văn chương diễn ra sáng 12/4 tại TP.HCM.

Trống quân: Tinh hoa người Đức Bác
Trống quân: Tinh hoa người Đức Bác

Hát trống quân Đức Bác là sự kết hợp giữa lời hát và nhịp điệu, cùng với những khúc hát sôi động xoay quanh các chàng trai Đức Bác và cô đào Phù Ninh.

Tiến sĩ Bùi Bá Bổng chữ đã say rồi trên những trang thơ
Tiến sĩ Bùi Bá Bổng chữ đã say rồi trên những trang thơ3

Tiến sĩ Bùi Bá Bổng thường được nhiều người biết đến với tư cách một nhà khoa học nông nghiệp, nhưng ít ai biết ông từng có thơ được in từ thời sinh viên.

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn hé lộ điều gì qua những đoản văn?
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn hé lộ điều gì qua những đoản văn?

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã rời khỏi dương gian 23 năm, nhưng di sản nghệ thuật của ông vẫn không ngừng lôi cuốn công chúng, trong đó có những đoản văn tự tình.

Thái độ của vua - tôi triều Nguyễn đối với Phan Châu Trinh sau ‘Thư thất điều’
Thái độ của vua - tôi triều Nguyễn đối với Phan Châu Trinh sau ‘Thư thất điều’

Việc ứng xử như sách đã chép ít nhiều thể hiện sự tôn trọng đáng kể, dù 'Thư thất điều' đã khiến vua Khải Định bẽ mặt với quốc dân đồng bào ở trong và ngoài nước lúc đó.

Hà Giang hút khách
Hà Giang hút khách

Thị trấn Đồng Văn giờ khác lắm. Cầu trời, năm mười năm nữa, Đồng Văn sẽ không theo bước Tam Đảo, Sa Pa, nhà tầng chất ngất cướp mất dáng núi, thung mây...

Về một bản dịch ‘Thư thất điều’ của cụ Phan Châu Trinh
Về một bản dịch ‘Thư thất điều’ của cụ Phan Châu Trinh

Trong bài văn tế Phan Châu Trinh, Sào Nam Phan Bội Châu đánh giá 'Thư thất điều đón giá như Tây, uy sấm chớp chẳng kinh cùng chẳng hãi'.

Cửa Đạt và Cửa Đặt: Chuyện nhỏ hay không nhỏ?
Cửa Đạt và Cửa Đặt: Chuyện nhỏ hay không nhỏ?

Hãy phóng to bức hình này lên, sẽ thấy hai cái tên khác nhau: Bên này là đền “Cửa Đặt”, bên kia là chùa “Cửa Đạt”. Đặt và Đạt, có liên hệ/liên quan gì không?

Giáo sư Andrea Hoa Pham: 'Ngôn ngữ luôn biến đổi'
Giáo sư Andrea Hoa Pham: 'Ngôn ngữ luôn biến đổi'1

Một người dạy tiếng Việt ở Mỹ, giáo sư Andrea Hoa Pham cho rằng, ngôn ngữ luôn luôn biến đổi, dù muốn hay không cũng không ngăn được thực tế ấy.

Cảm nhận một người trẻ tuổi về kháng chiến qua phim Đào, phở và piano
Cảm nhận một người trẻ tuổi về kháng chiến qua phim Đào, phở và piano

Bộ phim đã khiến tôi tò mò và tôi đã tìm hiểu rộng hơn lịch sử đất nước và tinh thần chiến đấu của chiến sĩ, nhân dân ta trong kháng chiến.