Sự thay đổi tư duy kinh tế từ các hội quán ở Đồng Tháp thể hiện rõ thông qua việc bà con bắt đầu tập trung đầu tư phát triển du lịch nông nghiệp. Chính những mô hình này đã giúp địa phương khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế nông nghiệp hiện có, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế chung.
Chia sẻ tại chương trình Tọa đàm “Hội quán chứng minh được vai trò tiên phong trong xây dựng nông thôn mới” do Báo Nông nghiệp Việt Nam thực hiện, ông Nguyễn Văn Vũ Minh, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Tháp nhấn mạnh, câu chuyện phát triển nông nghiệp của tỉnh ngày nay không chỉ dừng lại ở việc nâng cao giá trị của nông sản, mà còn mở rộng ra mô hình du lịch nông nghiệp.
Bà con tạo ra các sản phẩm dịch vụ, cảnh quan, mời gọi du khách đến trải nghiệm tại địa phương. Đây là hướng đi tiên phong, giúp nông dân tự hào giới thiệu sản phẩm, không gian và câu chuyện của mình tới du khách.
Những năm gần đây, Đồng Tháp đã chứng kiến sự bùng nổ của các mô hình du lịch nông nghiệp, đặc biệt từ các hội quán. Điển hình, Thuận Tân hội quán đã nỗ lực xây dựng mô hình nhà vườn, mang đến cho du khách trải nghiệm thư giãn trong không gian nông thôn yên bình.
Tuy nhiên, chặng đường phát triển đó không hề dễ dàng khi các thành viên hội quán, phần lớn là nông dân, ban đầu còn lúng túng trong việc định hình mô hình, liên kết với các đối tác và cung cấp các dịch vụ du lịch.
Từ việc chưa biết nấu món gì để phục vụ, không biết giới thiệu thế nào để làm hài lòng du khách, các thành viên Thuận Tân hội quán đã không ngừng học hỏi, kết nối với chính quyền địa phương và các đơn vị hỗ trợ. Kết quả, nhiều mô hình du lịch nông nghiệp tại Đồng Tháp không chỉ thu hút khách nội địa mà còn thu hút được nhiều du khách quốc tế đến trải nghiệm.
Tuy bước đầu thành công, nhưng ông Minh cho rằng, các mô hình du lịch nông nghiệp của hội quán cũng đối mặt với không ít khó khăn. Một số hội quán vẫn còn tình trạng “bí nội dung” trong một số buổi sinh hoạt, dẫn đến sự cứng nhắc trong tổ chức. Hay Ban Chủ nhiệm hội quán đa phần là nông dân chân chất, đôi khi còn hạn chế trong khả năng kết nối, lập luận và truyền đạt thông tin. Điều này ảnh hưởng đến việc thu hút thêm thành viên và mở rộng quy mô hoạt động.
Ngoài ra, tốc độ phát triển của các hội quán hiện chưa tương xứng với tiềm năng và dân số địa phương. Dù tính tự nguyện là yếu tố cốt lõi trong mô hình hội quán, nhưng để lan tỏa tinh thần này một cách mạnh mẽ hơn, cần có sự hỗ trợ đồng bộ từ chính quyền và các tổ chức xã hội.
Nhận diện được những khó khăn trên, thời gian qua tỉnh Đồng Tháp đã không ngừng tìm cách tiếp cận vấn đề một cách mềm dẻo hơn. Điển hình là hướng dẫn các hội quán tập trung vào những nội dung thực tiễn và gần gũi với đời sống bà con. Thay vì chỉ tổ chức sinh hoạt định kỳ với nội dung khô cứng, các hội quán được khuyến khích thảo luận các vấn đề mà cộng đồng đang cần giải quyết.
Đặc biệt, năm 2023, tỉnh Đồng Tháp đã tổ chức Ngày hội Hội quán với mục tiêu đánh giá lại chặng đường phát triển của các hội quán. Đây là dịp để ngành chuyên môn của tỉnh đánh giá kỹ năng, trình độ của các thành viên sau một thời gian hoạt động. Kết quả cho thấy, nhiều hội quán đã có những bước tiến vượt bậc, đạt được những thành tựu ngoài mong đợi.
Các mô hình hội quán cũng sẽ được định hướng phát triển theo hướng đa dạng hóa ngành nghề, gắn kết với các chuỗi giá trị nông sản và mở rộng lĩnh vực du lịch nông nghiệp.
Những nỗ lực này không chỉ giúp nâng cao thu nhập cho người dân, mà còn khẳng định vị thế của Đồng Tháp là một trong những địa phương đi đầu trong phát triển nông nghiệp hiện đại, gắn kết với bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, cảnh quan nông thôn.