Cam Vạn Yên ‘chắp cánh’ cho du lịch sinh thái

Nguyễn Thành - Cường Vũ - Thứ Ba, 12/11/2024 , 11:04 (GMT+7)

Quảng Ninh Từ những vườn cam bản địa, nông dân xã Vạn Yên (huyện Vân Đồn) đã và đang hình thành nên những khu du lịch sinh thái, tạo điểm tham quan, trải nghiệm hấp dẫn.

Bà Lê Thị Bảy đang kiểm tra, thu hoạch những quả cam đạt chuẩn. Ảnh: Nguyễn Thành.

Loại cây thoát nghèo

Xã Vạn Yên vốn được biết tới là vùng trồng cam lớn nhất của huyện đảo Vân Đồn, Quảng Ninh. Được thiên nhiên ưu đãi, nơi đây sở hữu không khí trong lành, mát mẻ cùng điều kiện thổ nhưỡng lý tưởng cho sự phát triển của cây cam. Bởi lẽ đó, cam Vạn Yên có hương vị thơm ngon, quả tròn đều, nặng trĩu.

Theo lời kể của người dân địa phương, vào đúng vụ, tại xã Vạn Yên, đâu đâu cũng thấy bạt ngàn là cam, cây nào cây nấy trĩu quả, khoe sắc vàng trên khắp các sườn đồi. Cũng từ cây cam, nhiều gia đình đã vươn lên làm giàu, thoát nghèo, ổn định cuộc sống.

Hiện nay, tại xã Vạn Yên có hơn 100 hộ gia đình trồng cam với tổng diện tích là khoảng 200ha, mỗi năm cho thu hoạch trên 200 tấn cam. Với mức giá bán từ 35.000 - 40.000 đồng/ kg, thu nhập của mỗi hộ dân trồng cam có thể đạt vài trăm triệu đồng/ năm.

Chia sẻ với Báo Nông nghiệp Việt Nam, bà Lê Thị Bảy, Giám đốc HTX Cam 10/10 tâm sự: “Đến nay, tôi đã gắn bó với nghề trồng cam gần 20 năm. Dựa vào cây cam, những người nông dân xã Vạn Yên đã xây được nhà, sắm được xe. Không chỉ mang lại nguồn kinh tế ổn định, cây cam còn giúp giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương”.

Trong những năm qua, để đảm bảo chất lượng, đồng thời xây dựng thương hiệu cho sản phẩm cam, bà Bảy cùng các xã viên đã tiến hành trồng, chăm sóc cây theo tiêu chuẩn VietGAP.

Theo đó, nguồn phân bón được sử dụng hoàn toàn là phân hữu cơ, bón lót 4 lần/năm, hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc trừ sâu. Đặc biệt, nguồn nước tưới cây được lấy từ các khe nước trong rừng sâu.

“Cam của HTX đã đạt chứng nhận OCOP 3 sao, trên mỗi sản phẩm đều được dán tem truy xuất. Chính vì vậy, khách hàng có thể dễ dàng tìm ra nguồn gốc, xuất xứ và yên tâm về chất lượng”, bà Bảy chia sẻ.

Cam Vạn Yên được dán tem truy xuất nguồn gốc. Ảnh: Cường Vũ.

Với mong muốn giữ lại giống cam bản địa, hiện nay nhiều hộ gia đình trồng cam tại xã Vạn Yên đã áp dụng nhiều phương pháp khoa học, kỹ thuật để chiết ghép, nhân giống cho cây. Vì thế, loại cam bản địa Vạn Yên ngày càng được nhân rộng, là loại cây phát triển kinh tế chủ lực tại địa phương trong nhiều năm qua.

Tại xã Vạn Yên, anh Lê Khả Đại được biết tới là thanh niên trẻ, tấm gương sáng trong khởi nghiệp, phát triển kinh tế từ chính giống cam bản địa. Không chỉ sở hữu vườn cam rộng hơn 2ha, anh Đại còn áp dụng khoa học để tự ươm cây cam giống.

Anh Đại cho biết, mỗi năm số lượng cam giống cung ứng ra thị trường là trên 1.000 cây với giá bán từ 8.000 - 10.000 đồng/cây. Sau khi trừ chi phí, doanh thu từ vườn cam ước đạt khoảng 400 triệu đồng/năm. Trong tương lại, chàng trai 9x dự định sẽ mở rộng diện tích và ấp ủ kế hoạch đưa sản phẩm cam Vạn Yên vào hệ thống các siêu thị, nhà hàng…

Đại sứ du lịch gọi tên cam Vạn Yên

Không chỉ dừng lại ở việc tiêu thụ nông sản địa phương, giờ đây những người nông dân Vạn Yên còn mạnh dạn đầu tư, phát triển mô hình du lịch sinh thái tại ngay chính vườn cam của gia đình mình.

Năm 2022, bà Lê Thị Bảy quyết định đầu tư, cải tạo vườn để tạo thành điểm tham quan, “check in” dành cho du khách. Đến nay, vào đúng vụ mùa, vườn cam của gia đình bà Bảy lúc nào cũng đông đúc, tấp nập.

“Hiện nay, gia đình tôi đang duy trì mô hình du lịch, chụp ảnh tại vườn cam với mức vé vào cửa là 50.000 đồng/người (trẻ nhỏ dưới 1m được miễn phí).  Khách sẽ được ăn cam thoải mái, không giới hạn. Vào dịp cuối tuần hay ngày lễ, lượng khách đến với vườn có thể lên tới vài trăm lượt người”, bà Bảy cho biết.

Du khách “check in” tại vườn cam. Ảnh: Cường Vũ.

Sau khi tham quan, chụp ảnh, hầu hết khách đều mua thêm cam để mang về, từ đó giúp gia tăng sản lượng tiêu thụ cam. Trong thời gian tới, để thu hút thêm nhiều khách du lịch, bà Bảy dự định sẽ xây dựng một số hạng mục cảnh quan trang trí.

Cùng với hộ gia đình bà Bảy, hiện nay trên địa bàn xã Vạn Yên đã xuất hiện nhiều mô hình du lịch sinh thái tại vườn cam, kết hợp thêm dịch vụ ăn uống, vui chơi.

Đơn cử như nhà vườn HTX 68 Nông trang, nơi đây được biết tới là điểm đến yêu thích của nhiều gia đình mỗi dịp cuối tuần. Đến đây, khách du lịch có thể trải nghiệm hái cam, vui chơi và thưởng thức những món ăn địa phương thơm ngon, hấp dẫn.

Ông Trần Văn Hậu (chủ vườn cam) cho biết vào những đợt cao điểm có thể đón tới 700 lượt khách mỗi ngày. Khách đến nhà vườn đa dạng mọi độ tuổi, trong đó phần lớn là các em nhỏ được gia đình cho đi tham quan, trải nghiệm.

Mô hình du lịch sinh thái, trải nghiệm tại vườn cam không chỉ mang lại cho người nông dân Vạn Yên thêm một nguồn thu nhập mà qua đó góp phần lan tỏa, quảng bá hình ảnh du lịch địa phương và thương hiệu cam Vạn Yên.

Những vườn cam trĩu quả là điểm đến tham quan, trải nghiệm thú vị đối với mọi lứa tuổi. Ảnh: Nguyễn Thành.

Cùng gia đình đến tham quan và chụp ảnh tại vườn cam, chị Vũ Hoàng Ngân (Hà Nội) thích thú chia sẻ: “Tôi rất ấn tượng về khung cảnh nơi đây, thật sự rất bình yên và thư thái. Gia đình tôi đã có một buổi đi chơi vui vẻ với nhiều trải nghiệm bổ ích. Tôi rất hy vọng sắp tới sẽ có thêm nhiều cơ hội để quay trở lại nơi đây”.

Thời gian qua, để phát triển du lịch trải nghiệm từ thương hiệu cam Vạn Yên, huyện Vân Đồn đã tổ chức Tuần lễ cam, qua đó thu hút đông đảo du khách và tạo được tiếng vang lớn. Tuần lễ không chỉ là dịp để giới thiệu, quảng bá hình ảnh, tiềm năng trong phát triển du lịch gắn với vườn cam mà còn tôn vinh các hộ trồng cam với những nỗ lực trong duy trì, nâng cao chất lượng và hình thành nên sản phẩm OCOP địa phương.

Theo Phòng NN-PTNT huyện Vân Đồn, để nâng cao giá trị sản xuất đối với cây cam, người dân cần tiến hành rải vụ, trồng thêm các giống cây cam chín sớm, chín muộn để có thể thu hoạch kéo dài, tránh tập trung vào vụ ngắn. Đồng thời áp dụng khoa học công nghệ trong sản xuất; phát triển, mở rộng diện tích được quy hoạch và phát triển theo hướng sản xuất an toàn VietGAP.

Cùng với đó, để phát triển sinh kế lâu dài và khai thác tối đa tiềm năng của cây cam, các hộ dân cần chủ động phối hợp với các cơ sở kinh doanh du lịch xây dựng tour, tuyến để đáp ứng nhu cầu trải nghiệm của người dân và du khách.

Từ cây trồng thoát nghèo, cam Vạn Yên đã và đang trở thành “đại sứ” du lịch của địa phương, từ đó mở ra nhiều hướng đi mới, bền vững, góp phần mang lại giá trị kinh tế cao và nâng cao đời sống của nhiều bà con nông dân.

Năm 2016, cam Vạn Yên chính thức được công nhận là sản phẩm OCOP của tỉnh Quảng Ninh. Vì vậy, loại nông sản này càng trở nên nổi tiếng và thu hút được sự chú ý, được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh ưa chuộng.

Nguyễn Thành - Cường Vũ
Tin khác
Nâng tầm sản xuất nông nghiệp Đất Cảng: [Bài 2] Tăng giá trị tôm, cá qua du lịch
Nâng tầm sản xuất nông nghiệp Đất Cảng: [Bài 2] Tăng giá trị tôm, cá qua du lịch

Hải Phòng Các mô hình kết hợp nuôi trồng thủy sản được người dân phát triển gắn với các hoạt động du lịch sinh thái, trải nghiệm, qua đó đã giúp gia tăng giá trị tôm, cá.

Nâng tầm sản xuất nông nghiệp Đất Cảng: [Bài 1] Cải thiện giá trị nhờ kết hợp với du lịch
Nâng tầm sản xuất nông nghiệp Đất Cảng: [Bài 1] Cải thiện giá trị nhờ kết hợp với du lịch

Sự kết hợp giữa phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn, chất lượng gắn với phát triển du lịch đã giúp nông dân Hải Phòng tăng thu nhập, nâng cao đời sống.

Tôm, cá ngừ có cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu sang UAE
Tôm, cá ngừ có cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu sang UAE

Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện Việt Nam - UAE (CEPA) vừa mới được ký kết đang mở thêm nhiều cơ hội cho tôm, cá ngừ… Việt Nam tại thị trường UAE.

Xuất khẩu hạt tiêu Việt Nam quay trở lại mốc 1 tỷ USD
Xuất khẩu hạt tiêu Việt Nam quay trở lại mốc 1 tỷ USD

Xuất khẩu hạt tiêu Việt Nam đã quay trở lại mốc 1 tỷ USD sau 7 năm nhờ giá xuất khẩu tăng cao. Giá tiêu dự báo tiếp tục cao trong vụ tới.

Đồ nội thất bằng gỗ của Việt Nam ngày càng tăng thị phần ở Hoa Kỳ
Đồ nội thất bằng gỗ của Việt Nam ngày càng tăng thị phần ở Hoa Kỳ

Khi nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ của Hoa Kỳ tăng trưởng trở lại, đồ nội thất bằng gỗ Việt Nam đang tiếp tục tăng kim ngạch, thị phần tại thị trường này.

Tiến vào thị trường thực phẩm Halal 2.500 tỷ USD: Những bước chuẩn bị rất sớm của 'ông lớn' chăn nuôi tại Việt Nam
Tiến vào thị trường thực phẩm Halal 2.500 tỷ USD: Những bước chuẩn bị rất sớm của 'ông lớn' chăn nuôi tại Việt Nam

Là một doanh nghiệp đã xuất khẩu thịt gà tới nhiều thị trường, C.P. Việt Nam đang chuẩn bị các công việc cần thiết để xuất khẩu vào thị trường Halal.

Tiến vào thị trường thực phẩm Halal 2.500 tỷ USD: Cơ hội & thách thức cho hàng 'Made in' Thanh Hóa
Tiến vào thị trường thực phẩm Halal 2.500 tỷ USD: Cơ hội & thách thức cho hàng 'Made in' Thanh Hóa

Thị trường Halal mang đến nhiều cơ hội cho doanh nghiệp, hàng hóa Việt Nam, nhưng cũng đặt ra thách thức không nhỏ…

Ca cao Việt Nam giá cao kỷ lục nhưng sản lượng thấp
Ca cao Việt Nam giá cao kỷ lục nhưng sản lượng thấp

Giá ca cao thế giới năm nay tăng rất mạnh do thiếu hụt nguồn cung. Giá ca cao ở Việt Nam cũng tăng kỷ lục, nhưng sản lượng đã giảm nhiều.

Việt Nam dẫn đầu về xuất khẩu phi lê cá, cá chế biến vào Singapore
Việt Nam dẫn đầu về xuất khẩu phi lê cá, cá chế biến vào Singapore

Việt Nam đang đứng thứ 5 trong số những nước xuất khẩu thủy sản lớn nhất vào Singapore, trong đó dẫn đầu ở các mặt hàng phi lê cá đông lạnh, cá chế biến.

Tiến vào thị trường thực phẩm Halal 2.500 tỷ USD: Từ loài cây mọc hoang thành sản phẩm xuất khẩu cho thu tiền tỷ
Tiến vào thị trường thực phẩm Halal 2.500 tỷ USD: Từ loài cây mọc hoang thành sản phẩm xuất khẩu cho thu tiền tỷ

Cách đây vài năm, sau chuyến tham quan mô hình sản xuất nông nghiệp của Nhật Bản và Israel cùng Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, anh Tân quyết định bỏ nghề nhôm kính, chuyển sang làm nông nghiệp công nghệ cao với sản phẩm chính là rau má.

Tiến vào thị trường thực phẩm Halal 2.500 tỷ USD: Đưa Việt Nam thành mắt xích quan trong trong chuỗi giá trị Halal
Tiến vào thị trường thực phẩm Halal 2.500 tỷ USD: Đưa Việt Nam thành mắt xích quan trong trong chuỗi giá trị Halal

Với ngành công nghiệp Halal, Thủ tướng đặt mục tiêu Việt Nam trở thành điểm đến không thể thiếu trong bản đồ Halal toàn cầu, là mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị Halal.