Tôi may mắn được ngắm ngó hồi lâu Đài tưởng niệm như một bức đá tường dài, hình chữ V. khắc tên của hơn 58.000 chiến binh Mỹ đã thiệt mạng hoặc mất tích khi tham gia trong cuộc chiến ở Việt Nam.
Tỷ mẩn chép thêm.
Bức tường Việt Nam được khánh thành ngày 13/9/1982 với diện tích 8.100m². Đây là nơi đón tiếp hơn 3 triệu người tới thăm viếng mỗi năm.
Bức tường Việt Nam được chọn lựa từ hơn 1.000 bức mẫu, do cô Maya Yng Lin, nữ sinh viên kiến trúc người Mỹ gốc Hoa của Đại học Yale và sống tại Athens (Ohio) thiết kế.
Được làm từ hai tấm đá hoa cương đen mang về từ Ấn Độ. Chiều dài tường là 75m, cao 3m.
… Khách tham quan Bức Tường Việt Nam khá đông. Nhưng bặt hẳn tiếng người lẫn dép giày lạo xạo.
Tôi lúc tha thẩn, lúc bước cao bước thấp luớt chậm chậm dọc Bức tường.
Đá nối đá, thớ đã bào đã chuốt bóng lọng nhưng dường như không câm lặng. Mà như đang cựa quậy như đang gồ lên trong lòng tay những tên người.
Tuyền tên người.
Dằng dặc những tên người.
Họ tên chắp cho khít chiều dài và chiều cao Bức tường. Nối chắp cho đủ 58 ngàn cái họ tên như thế...
Khi thi công Bức tường, chính quyền Washington ngoài việc khắc tên những người lính Mỹ thiệt mạng trên dằng dặc đá kia đã làm thêm bên cạnh hai cái lồng kính kết cấu khá trang nhã...
Để làm gì hai cái lồng kính ấy? Chỉnh chiện giữa lồng, người ta đặt hai cuốn sách khổ to dầy cộm in đủ 57 hay 58 ngàn họ tên lính Mỹ bỏ mạng tại Việt Nam!
Đọc trên giấy dễ dò tìm hơn trên đá? Nhưng hình như để ai đó có non non vía một chút thì dễ làm cái việc ngắm ngó và dễ tra cứu hơn thì phải?
Tôi thử sục tay vào những tờ giấy nhàu (trước có lẽ mượt và phẳng lắm bởi nhiều người đã lật đã giở) của cuốn sách dầy cộm kia chợt thấy nó âm ấm? Chút thoáng cái giật mình như đang cảm nhận một hơi người nào đó qua một làn áo?
… Xẩm chiều hè nước Mỹ nhưng na ná một thứ gió cữ thu bên nhà. Khí lạnh của xương cốt của cõi âm gì đâu ở cái Bức tường tại đất Washington DC này? Nhưng quả có thoang thoáng vẻ âm u rờn rợn. Cái âm u rờn rợn như không thực cho dù đang giữa trưa nắng có chút khói hương như có một trưa tôi đứng giữa Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn dạo nào... Hình như hiệu ứng ấy không chỉ mang lại cho riêng một ai đó mà là chủ đích của người thiết kế! Khá khen cho cô kiến trúc sư hay nhà điêu khắc trẻ gốc Hoa, chính quyền Washington đã chọn phương án Bức tường của một cô gái mới hơn ba mươi này?
Cái ý nghĩ, cái mạch liên tưởng của người thiết kế truyền sang người tham quan Bức tường là từ âm trổ lên dương. Như người dưới đất dưới âm đang đội mồ lên để nói cùng người sống vậy. Dường như chiều cao, độ dày của bức tường chỉ là phần nhỏ nhoi nhìn thấy được của một tảng băng chìm khổng lồ?
Chiều xẩm rồi nhưng xứ Hoa Kỳ đến lạ? Tám giờ mà còn ngó rõ mồn một những gân chẽ ba của từng chiếc lá trên tàn phong đu đưa trên nóc Bức tường.
Hun hút chót một tầm nhìn đá lần chót về phía cuối Bức tường, tôi chợt nhớ rồi lần hồi một câu chuyện.
Chuyện bức thư của một người lính Mỹ gửi một chiến sĩ Quân giải phóng Việt Nam đã chết bởi viên đạn của anh ta.
Richard A.Lutrell cựu binh Mỹ năm 1989 đến thăm Bức tường Việt Nam ở Washington DC. Khi về đã viết một bức thư cho một người lính Việt Nam bị mình bắn chết trong một trận đánh.
"Ngày 18 tháng 11 năm 1989
Ông quý mến!
Hai mươi năm nay tôi mang theo tấm ảnh trong ví của mình. Cái ngày chúng ta đối mặt với nhau trên lối mòn ở Chu Lai, Việt Nam, tôi chỉ mới 18 tuổi. Vì sao ông không cướp đi mạng sống của tôi, tôi không bao giờ biết được! Ông đã chĩa khẩu AK-47 vào tôi nhưng không hiểu sao ông không bắn? Hãy tha thứ cho tôi đã cướp đi mạng sống của ông, tôi đã phản ứng như cái cách mà tôi đã được huấn luyện - giết một tên Việt Cộng hay một tên da vàng bởi các ông không được xem là người, chỉ là tên da vàng/ một cái bia ngắm - vậy thôi.
… Kể từ cái năm 1967 đó, tôi càng ngày thấy tôn trọng cuộc sống và những người khác trên thế gian.
Không biết bao lần trong từng ấy năm qua tôi ngắm tấm hình ông chụp với con gái, tôi chắc thế. Lần nào ruột gan tôi cũng quặn thắt một nỗi đau đớn.
Tôi bây giờ đã có hai con gái. Một đứa hai mươi tuổi. Đứa kia hăm hai, và trời thương tôi đã cho tôi hai đứa cháu gái tuổi lên một và tuổi lên bốn.
Hôm nay tôi đến thăm đài kỷ niệm cựu chiến binh Mỹ ở DC. Vài năm nay tôi muốn đến đây để nói lời tạm biệt với những đồng đội của mình. Chẳng hiểu sao tôi hy vọng và tin họ sẽ biết tôi đang ở đây, tôi thật sự yêu mến họ như tôi tin ông yêu mến nhiều đồng đội cũ của ông.
Hôm nay chúng ta không còn là kẻ thù của nhau nữa. Tôi hiểu ông là một người lính dũng cảm chiến đấu để bảo vệ quê hương mình. Trên hết, tôi bây giờ đã biết quý trọng cuộc đời được ban cho ông. Tôi nghĩ rằng vì vậy tôi có thể đến đây hôm nay.
Khi tôi rời khỏi đây hôm nay, tôi để lại tấm ảnh của ông chụp với con gái và bức thư này. Đã đến lúc tôi phải sống tiếp cuộc đời mình và thoát khỏi nỗi phiền muộn, đau đớn. Hãy tha thứ cho tôi. Tôi sẽ cố gắng sống trọn đời mình, một cơ may mà ông và nhiều người khác đã bị khước từ.
Bây giờ tôi dừng bút ở đây, thưa ông hẹn lúc khác chúng ta gặp nhau ở một thời gian và tại một chốn khác. Chúc ông yên nghỉ bình an.
Kính thư.
Richard A. Luttrell
Sư đoàn không vận 101".
(Bản dịch của Ngân Xuyên)
Tấm ảnh và bức thư trên đã được đưa vào cuốn sách có cái tên "Những đồ vật được lưu lại trên Bức tường".
Năm 1996, một người bạn trông thấy cuốn sách đó và báo cho Richard A. Luttrell biết. Nhìn lại tấm ảnh và bức thư để lại trên tường bảy năm trước, Richard đau khổ bật khóc...
Ký ức ùa về khiến ông biết rằng mình không thể nhắm mắt được chừng nào mình không trả lại tấm ảnh cho người con gái của người lính Việt Nam mà mình đã bắn chết.
Richard biết trong tay mình không có một dòng địa chỉ cũng như một cái tên nào mà đi tìm một người ở một đất nước có hơn 80 triệu dân khác chi như mò kim đáy bể?
Nhưng Richard vẫn quyết đi tìm...
Ông đã xin được để lại tấm ảnh trên Bức tường. Sau đó nhờ sự giúp đỡ của Sứ quán Việt Nam ở Washington, Luttrell đã thuyết phục được một tờ báo ở Hà Nội đăng tấm ảnh kèm theo một bài viết.
May mắn làm sao, bài báo đó đã đến được cái làng nhỏ bé có gia đình người lính kia đã sinh sống. Mấy ngày sau, Luttrell nhận được một bức thư ngắn đã dịch sang tiếng Anh chuyến qua đường Fax từ Việt Nam tới Mỹ trong đó có một phụ nữ xưng tên là Lan.
Bức thư có những dòng.
"Ông Richard thân mến. Đứa trẻ mà ông quan tâm hoặc qua tấm ảnh, hơn 30 năm trước bây giờ đã lớn. Hồi nhỏ cô ta đã chịu nhiều mất mát đau khổ vì mất bố. Tôi mong ông sẽ mang lại niềm vui và hạnh phúc cho gia đình tôi".
(Bản dịch của Ngân Xuyên)
Luttrell lập tức viết thư trả lời và hỏi người phụ nữ tên Lan rằng liệu ông có đến thăm Việt Nam được không?
Lan nói được.
Thế là tháng 3/2000 Richard tới Việt Nam. Đây là lần đầu tiên ông trở lại Việt Nam sau ba mươi hai năm và đã trực tiếp gặp Lan tại làng cô.
Phút nhìn thấy Luttrell. Lan đã bật khóc và ôm choàng lấy ông.
"Tôi xin lỗi"… Richard nói và cũng bật khóc.
Lan tha thứ cho Richard và tấm ảnh chụp hai bố con cô bây giờ đặt trên chiếc bàn thờ bé nhỏ ở nhà cô.
*
* *
Không ít những cựu chiến binh Việt Nam cũng đã tới Bức tường Việt Nam.
Họ tới bằng nhiều ngả khác nhau.
Có một cựu chiến binh là Dương Tường!
Một cựu chiến binh Việt Nam thời chống Pháp. Và cũng là dịch giả Dương Tường.
Gọi cái người có vóc dáng nhỏ thó đa tài như nào nhỉ?
Ông là nhà báo? Dịch giả? Nhà phê bình văn học? Nhà phê bình mỹ thuật? Nhà phê bình âm nhạc? Nhà phê bình sân khấu? Nhà thơ? Đúng cả.
Từng là phóng viên TTXVN. Nhưng hình như chỗ làm chỉ là cái cớ cái bùa để yểm cho một phù thủy Dương Tường tung tẩy bày biện này khác. Hình hài nhân viên công chức thông tấn xã Dương Tường thoắt ma mỵ như lên đồng thành thứ phù thủy chữ nghĩa làm chao đảo địa hạt thơ Việt. 5 tập thơ (trong đó 2 tập in chung cùng tập tạp văn mới in "Chỉ tại con chích chòe") có lẽ là thứ tài sản quốc gia kén bạn đọc của Dương Tường!
Tiếng Anh, Pháp là Dương Tường tự học mà ông từng khiêm nhường “cái nghề dịch của mình chỉ là kiếm cơm thôi”. Nhưng những "Anna Karenina" (Lev Tolstoy), "Lolita" (Vladimir Nabokov), "Cái trống thiếc" (Gunter Grass)... đặc biệt là các tác phẩm của những tác giả mà văn chương của họ thật sự thách thức độc giả như "Bên phía nhà Swan" và "Dưới bóng những cô gái đương hoa" của Marcel Proust... là những cột mốc dịch thuật sừng sững!
Giới trẻ, người trẻ yêu Dương Tường và Dương Tường cũng yêu họ. Vậy nên mới có "Tình khúc 24", "Dương cầm lạnh"... do Phú Quang phổ nhạc Dương Tường.
Nhà văn Bùi Ngọc Tấn lần đó có kể tôi nghe về con người đa tài ấy và chuyến thăm nước Mỹ năm 1995 của Dương Tường như thế này.
Khi Davis Thomas cựu chiến binh, giáo sư họa sĩ trường đại học Emmanuel, người đầu tiên tổ chức triển lãm Mỹ thuật Việt Mỹ mang cái tên "Nhìn từ hai phía" sang Hà Nội, ông đã tìm đến Dương Tường. Do cảm phục nhiệt tình và kiến thức sâu rộng của Dương Tường đối với hội họa, ông đã tới Hội đồng văn hóa Châu Á (Asian Cultural Council) xin tài trợ để có thể mời Dương Tường cùng với hai họa sĩ Việt Nam khác nữa là Nguyễn Quân và Đoàn Xuân Hòa sang Mỹ dự triển lãm lần thứ hai do Davis tổ chức với cái tên gọi "Cách nhau một đại dương".
Đó là vào năm 1995. Hộ chiếu đòi hỏi rất nhiều thủ tục. Một trong những thủ tục bắt buộc là Dương Tường phải là người của Hội nghệ sĩ tạo hình.
Nhưng than ôi, cái ông Dương Tường tài hoa lẫn tài tử thì lại chưa phải là hội viên của bất kỳ một hội nghệ thuật nào!
Thế là Dương Tường muốn đi Mỹ thì phải làm đơn xin vào Hội Nghệ sĩ tạo hình Việt Nam, ngành lý luận phê bình.
Nhưng Hội đồng lý luận lại không giới thiệu Dương Tường lên ban chấp hành mặc dù đơn của Dương Tường được Trần Lưu Hậu, Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật và Thái Bá Vân, nhà lý luận hàng đầu ký tên giới thiệu. Mà thời hạn đi Mỹ đã cận kề.
Bà Vũ Giáng Hương, khi đó là Tổng thư ký Hội biết chuyện đã bức xúc: Anh Dương Tường viết những bài phê bình giới thiệu hội họa rất có chất lượng và viết nhiều hơn số đông nhà phê bình chuyên nghiệp. Các anh Trần Lưu Hậu, Thái Bá Vân đã giới thiệu, nếu cần tôi xin là người thứ ba giới thiệu anh Dương Tường...
May thay người ta rồi cũng thông qua. Thế là Dương Tường được kết nạp vào Hội Nghệ sĩ tạo hình Việt Nam và được cấp hộ chiếu đi Mỹ với tư cách là nhà phê bình nghệ thuật!
Và một ngày cuối tháng Chạp năm 1995, Dương Tường đã ngồi thụp xuống chân Bức tường này và viết những dòng thơ bằng tiếng Anh, vẫn như mọi lúc, Dương Tường không có ý định công bố hay xuất bản. Thơ viết vội cho mình, đơn giản là thơ thế thôi! Tuy chỉ là ghi vội cảm xúc cho mình nhưng bài thơ mà Dương Tường để lại một vị trí trên Bức tường đã lọt vào mắt xanh của một phụ nữ Hoa Kỳ.
Người đó là nữ nhiếp ảnh Ellen Kaplowitz. Bà đã xin phép viết bài thơ lên một tấm pano lớn đặt ngoài cửa triển lãm của mình. Còn họa sĩ Rodney Dickson thì in bài thơ của Dương Tường vào thiếp mời triển lãm của mình có tên là Life - Death (Sống - Chết) vào đầu tháng 2/2001 ở New York.
At the Vietnam Wall
Viết ở
bức tường Việt Nam
bởi lẽ mình với cậu
chưa hề biết nhau
nên mình đến
bởi lẽ cậu bỏ lại mẹ cha cùng
người hôn ước
và mình cũng từng giã biệt vợ con
nên mình đến
bởi lẽ tình yêu mạnh hơn thù hận
và có thể bắc cầu qua mọi đại dương
nên mình đến
bởi lẽ cậu không trở lại
Còn mình đã có ngày về
nên mình đến.
Tôi cứ nghĩ lẩn thẩn, nếu như những dòng này của Dương Tường được đậu trên những thớ đá của Bức tường kia?
Ở tuổi 87, thị lực xuống thê thảm. Có lúc mờ mịt không thấy gì. Dương Tường ứa nước mắt. Cái duyên dằng dặc bện quện cùng con chữ suốt một hoa giáp tạch ở đây ư? Hoặc bây giờ hoặc không bao giờ. Dương Tường gượng dậy. Nhờ người quen trợ giúp cho một thiết bị nối với bàn phím và màn hình máy tính, Dương Tường tĩnh trí dần. Lại cọc cạch bàn phím. Gần 2 năm sau, năm 2020, dịch giả Dương Tường cho trình làng bản "Kiều" chuyển ngữ sang tiếng Anh dày dặn (Kiều in Dương Tường’s version).